Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cao Bằng phải là một hình mẫu về vượt khó vươn lên thoát nghèo

14:34' - 09/01/2017
BNEWS Nhiệm vụ nặng nề của Cao Bằng, theo ý kiến kết luận Thủ tướng tại hội nghị phải là một trong những địa phương hình mẫu cả nước về vượt khó vươn lên thoát nghèo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Sau 1 ngày đi thực tế, thăm hỏi bà con đồng bào các dân tộc tại hai huyện Bảo Lâm và Trà Lĩnh, sáng 9/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã có buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh Cao Bằng để tìm những giải pháp mang tính căn cơ, đột phá giúp địa phương thuộc diện khó khăn nhất cả nước này vươn lên thoát nghèo và tìm ra một lối đi lâu dài, bền vững cho tăng trưởng.

Trọng tâm là xóa đói giảm nghèo

Là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở vùng Đông Bắc, giáp Quảng Tây (Trung Quốc), Cao Bằng có đường biên giới đất liền dài trên 333 km (dài nhất trong số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước). Cao Bằng cũng có hơn 90% diện tích là đất lâm nghiệp, núi đá, sông suối và là địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống lớn nhất cả nước (95%).

Mặc dù có địa thế hiểm trở, nhưng bù lại, Cao Bằng là vùng đất có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với núi non hùng vĩ, hồ nước trong xanh và hang động kỳ vỹ, đặc biệt, thác Bản Giốc với màu nước xanh lam ngọc, được đánh giá là một trong những thác nước cao hùng vĩ và đẹp nhất của Việt Nam.

Mới đây, trang báo điện tử về du lịch SkyScanner đã bầu chọn 5 địa điểm thích hợp nhất cho loại hình du lịch bộ. Theo đó, tỉnh Cao Bằng của Việt Nam nằm trong danh sách những điểm độc đáo nhất khu vực Đông Nam Á. Song, phát triển du lịch lại là một trong những hạn chế lớn nhất của địa phương giàu tiềm năng này.

Vấn đề trung tâm của Cao Bằng hiện nay còn là công tác xóa đói giảm nghèo. Mặc dù liên tục triển khai các biện pháp xóa đói giảm nghèo dưới sự hỗ trợ mạnh mẽ của trung ương tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn có tới 52.409 hộ nghèo (chiếm hơn 42% tổng số hộ dân) và 12.110 hộ cận nghèo (chiếm 9,83%).

Cao Bằng cũng có tới 6 huyện nghèo thuộc diện 30a. Mặc dù kinh tế luôn có mức tăng trưởng khá nhưng thu nhập bình quân đầu người của Cao Bằng chỉ đạt khoảng 21 – 23 triệu đồng, chưa bằng một nửa so với mức bình quân của cả nước. Tổng thu ngân sách trên địa bàn được 1.386,4 tỷ đồng, xếp thứ 60 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố cả nước, chỉ trên Điện Biên, Hà Giang.

Tăng trưởng kinh tế Cao Bằng hiện nay và trong thời gian tới đang dựa vào lợi thế của các cửa khẩu thông thương với nước bạn Trung Quốc như Tà Lùng, Trà Lĩnh, Sóc Giang, Lý Vạn và những lối mở rải rác trên toàn tuyến biên giới giữa hai nước, nhất là khu hợp tác kinh tế Trà Lĩnh - Long Bang. Đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu qua địa bàn tỉnh đạt 2 tỷ USD.

Với diện tích đất nông nghiệp nhỏ hẹp, chỉ có 9%, địa hình chia cắt thành các tiểu vùng khí hậu khác biệt, nền sản xuất nông nghiệp của Cao Bằng chỉ có thể đi theo hướng quy mô vừa và nhỏ nhưng giá trị cao.

Hiện Cao Bằng đã từng bước hình thành vùng chuyên canh với một số mặt hàng nông sản có thương hiệu như: Quýt đặc sản ở Trà Lĩnh; cam Trưng Vương và quýt Hà Trì ở Hòa An; chè xanh ở Nguyên Bình…

Một trong những giải pháp quan trọng và cũng là kiến nghị hàng đầu của Cao Bằng để tạo đà phát triển lâu dài cho địa phương là giải pháp về nâng cấp hạ tầng giao thông, tăng cường khả năng kết nối với các vùng động lực trong nước và quốc tế, khắc phục thực trạng giao thông đang hết sức khó khăn như hiện nay.

Theo đó, tỉnh đề xuất triển khai tuyến quốc lộ 4A – quốc lộ dọc theo tuyến biên giới Việt – Trung nối các tỉnh biên giới phía Bắc với nhau gồm: Cao Bằng – Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu nhằm tạo sức bật mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế-xã hội của Cao Bằng nói riêng và các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung.

Đề xuất này cũng nhận được sự ủng hộ của đông đảo các bộ, ngành tại buổi làm việc. Nhiều ý kiến cũng đề nghị tỉnh kiên trì sắp xếp lại tái định cư, phân bổ dân cư hợp lý để đầu tư phát triển, khắc phục tình trạng miền núi đất rộng, người thưa nhưng không có đất sản xuất và đặc biệt có tầm nhìn, định hướng phát triển du lịch, cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống người dân.

Kinh tế đối ngoại là hướng đi đúng

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những thành tựu mới của Cao Bằng trong phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nhất là công tác xóa đói giảm nghèo. Thủ tướng cho rằng, có được kết quả này là nỗ lực và cố gắng rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng thời gian qua.

Điểm qua những thành tích của địa phương, đánh giá cao tỷ lệ tăng thu ngân sách hàng năm mặc dù còn ở quy mô nhỏ, Thủ tướng cũng bày tỏ ấn tượng với phương hướng phát triển của tỉnh đặc biệt là ưu tiên phát triển thương mại, dịch vụ qua các Cửa khẩu Tà Lùng và Trà Lĩnh.

Thủ tướng cho rằng, đây là một lối ra đúng hướng của Cao Bằng, hình thành cơ sở phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong thời gian tới, không chỉ có lợi cho Cao Bằng mà hướng phát triển này còn ảnh hưởng tích cực đến các địa phương khu vực biên giới phía Bắc đất nước, thúc đẩy xuất khẩu nông sản qua biên giới.

Thủ tướng cũng lưu ý Cao Bằng đẩy mạnh phát triển kinh tế nhưng cần chú ý xây dựng và củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân.

Chỉ ra những vấn đề cần khắc phục ở Cao Bằng, Thủ tướng cho rằng, tốc độ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, môi trường đầu tư kinh doanh mặc dù được chú trọng nhưng vẫn còn yếu; tái cơ cấu nông nghiệp chưa thực sự hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Xanh nhất, sạch nhất và toàn diện nhất

Thủ tướng yêu cầu Cao Bằng tập trung triển khai tốt các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ mà đặc biệt là Nghị quyết 01 ngay từ đầu năm, trong đó ưu tiên một số lĩnh vực, trọng tâm cụ thể để tập trung chỉ đạo thực hiện.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng bức tranh đồng cho tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

“Cao Bằng cần phấn đấu trở thành một trong những tỉnh phát triển xanh nhất, sạch nhất và toàn diện nhất về kinh tế - xã hội quốc phòng an ninh ở vùng địa đầu phía Bắc Tổ quốc, mãi mãi là niềm tự hào về ý chí kiên cường, tình đoàn kết quân dân giữa các dân tộc cùng nhau xây dựng hướng tới nền kinh tế có bản sắc, một xã hội đa dân tộc, hài hòa về văn hóa”, Thủ tướng nói về tầm nhìn lâu dài của Cao Bằng.

Thủ tướng cũng căn dặn địa phương cần tạo sinh kế bền vững cho đồng bào, ổn định xã hội hình thành trận địa quốc phòng, an ninh và kinh tế vững chắc toàn tuyến biên giới; phải là địa phương điển hình về mô hình phát triển xanh dựa trên ba trụ cột: Nông nghiệp, du lịch và thương mại cửa khẩu.

Đối với những giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tỉnh cần nghiên cứu quy hoạch phân bổ tái cơ cấu lại dân cư theo hướng tập trung, nâng cao hiệu quả, tiết kiệm chi phí nguồn lực đầu tư Nhà nước và dịch vụ công.

Thủ tướng mong muốn Cao Bằng phải có những quyết sách, chương trình hành động mạnh mẽ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và sức cạnh tranh; thúc đẩy sản xuất hàng hóa thoát khỏi cơ chế tự cung, tự cấp. Tỉnh cũng cần chú ý giải quyết triệt để tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết để đảm bảo sức khỏe, tuổi thọ người dân.

Thủ tướng lưu ý tỉnh trong khai thác khoáng sản, lâm nghiệp cần tuyệt đối tránh phá vỡ cảnh quan môi trường tự nhiên, bảo vệ môi trường sống cho người dân; tăng cường vận động người dân và doanh nghiệp phát huy ý chí quật cường vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho gia đình và xã hội.

Đi cùng với đó là tiến hành cải cách từ bên trong, cải cách bộ máy hành chính nâng cao năng lực quản trị hướng tới xây dựng một chính quyền kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. "Bộ máy hành chính đó không cần lớn nhưng phải tinh nhuệ, có ý chí đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp", Thủ tướng nói.

Đi vào những giải pháp cụ thể, Thủ tướng đề nghị Cao Bằng tập trung tái cơ cấu nông nghiệp để từ nông nghiệp xóa đói giảm nghèo; nâng cao năng suất các ngành hàng nông, lâm nghiệp như: lúa ngô, phát triển rừng, chăn nuôi gia súc; mở rộng diện tích trồng cây ăn trái, tận dụng dư địa nông nghiệp lớn tại chỗ.

Đặc biệt, Cao Bằng cần tính toán lại và ưu tiên phát triển du lịch; tận dụng tốt thị trường tiềm năng các địa phương Trung Quốc giáp biên; hoàn thiện các quy trình, thủ tục nhằm tiết kiệm tối đa chi phí doanh nghiệp và không ngừng duy trì, phát huy hơn nữa tình đoàn kết các dân tộc, chung tay vì mục tiêu xây dựng quê hương Cao Bằng giàu đẹp.

Thủ tướng cơ bản tán thành với các kiến nghị của địa phương và nhấn mạnh trong đó, phát triển, nâng cấp hạ tầng giao thông là điểm then chốt, nhất là tuyến cao tốc Lạng Sơn – Trà Lĩnh./.

>>> Thủ tướng chỉ thị mỗi năm giảm 1,5-2% biên chế

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục