Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết thúc chuyến tham dự WEF Davos 2019

09:42' - 26/01/2019
BNEWS Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sỹ.
Lễ tiễn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại sân bay quốc tế Zurich, Liên bang Thụy Sỹ. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Sáng 26/1, theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sỹ từ ngày 22-25/1/2019 theo lời mời của Chủ tịch điều hành và sáng lập WEF, Giáo sư Klaus Schwab.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Thủ tướng đã phát biểu tại phiên thảo luận “Cuộc gặp các nhà Lãnh đạo về chương trình nghị sự hành động đại dương”, dự đối thoại giữa các nhà lãnh đạo cấp cao (IGWEL) với chủ đề “Thế giới trong thời đại toàn cầu hóa 4.0” và phiên đối thoại với Chủ tịch WEF Borge Brende được truyền trực tuyến trên mạng chính thức toàn cầu của WEF với chủ đề “Việt Nam và Thế giới”.

Thủ tướng cũng đã có các cuộc gặp gỡ lãnh đạo một số nước, người đứng đầu các tổ chức quốc tế lớn; gặp gỡ, đối thoại với các CEO, lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới; cùng Chủ tịch điều hành và sáng lập WEF, Giáo sư Klaus Schwab, chứng kiến lễ ký Thoả thuận hợp tác về xây dựng Trung tâm cách mạng công nghệ 4.0 và Ý định thư về xây dựng sáng kiến rác thải nhựa giữa WEF và Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam định hình khuôn khổ pháp lý minh bạch, ngày càng tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế tiên tiến và mong WEF, cộng đồng doanh nghiệp giữ vững niềm tin vào quyết tâm và nỗ lực đổi mới của Việt Nam.

Đối thoại với Chủ tịch WEF Borge Brende về chủ đề “Việt Nam và Thế giới”, Thủ tướng nêu rõ, “trước hết, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam giữ đà tăng trưởng, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị-xã hội và là một địa chỉ đáng tin cậy cho tất cả các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam thuận lợi nhất, an toàn nhất.

Tại phiên thảo luận giữa các nhà lãnh đạo về chương trình nghị sự với chủ đề “Hành động vì Đại dương”, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam chung tay cùng cộng đồng quốc tế hành động vì Đại dương không rác thải nhựa, đề xuất các sáng kiến như: Thành lập “Diễn đàn đối tác công-tư rộng mở về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái biển”; đề nghị WEF phối hợp với các đối tác nghiên cứu, thúc đẩy hình thành Mạng lưới toàn cầu về chia sẻ dữ liệu biển và đại dương; đồng thời hoan nghênh cộng đồng quốc tế ủng hộ lập trường chung của ASEAN về việc cần phải bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên khu vực Biển Đông, góp phần gìn giữ đại dương xanh, hòa bình, ổn định và hợp tác.

Trong các hoạt động song phương, Thủ tướng đã gặp Thủ tướng Nepal (Nê-pan), Nhà vua Bỉ, Hoàng hậu Hà Lan, Thủ tướng CH Czech (Séc), Tổng thống Thụy Sỹ, Phó Thủ tướng Romania (Ru-ma-ni), Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc), Tổng Giám đốc WTO, Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Tổng thư ký OECD.

Tại các cuộc gặp, Thủ tướng đã trao đổi nhiều biện pháp, nhất trí tăng cường phối hợp triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương cùng có lợi, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, vì sự thịnh vượng của khu vực và thế giới.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Thủ tướng đã gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo chủ chốt của các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp lớn như Siemens, Qualcomn, Google, Total, Allianz, JBIC, GE, Prudential, Facebook, Sanofi… trực tiếp giải đáp nhiều vấn đề mà các doanh nghiệp quan tâm, bao gồm cả những vướng mắc trong phát triển kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trên không gian mạng.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp quốc tế: “Hãy đến và tạo ra các sản phẩm 4.0 tại Việt Nam”. “Việt Nam sẵn sàng tạo thuận lợi và cùng các bạn hiện thực hóa chiến lược, chương trình, kế hoạch về thúc đẩy phát triển trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng một nền công nghiệp 4.0”.

Có thể nói, chuyến tham dự Hội nghị WEF lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mang tới những thông điệp mạnh mẽ về đường lối, định hướng, chính sách và quyết tâm của Việt Nam về đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế, thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam các đối tác, tập đoàn hàng đầu thế giới, góp phần củng cố môi trường quốc tế thuận lợi cho phát triển đất nước, nhất là thực hiện mục tiêu “bứt phá” về phát triển kinh tế-xã hội năm 2019.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục