Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ câu chuyện Việt Nam và đề xuất “3 cùng” hướng đến “Những chân trời tăng trưởng mới”
Theo đặc phái viên TTXVN, sáng 25/6, tại Đại Liên, Trung Quốc, đã khai mạc Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Đại Liên (WEF Đại Liên). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu đặc biệt tại Phiên khai mạc toàn thể cùng với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda.
Hội nghị WEF Đại Liên 2024 thu hút sự tham dự đông đảo nhất trong số 15 lần hội nghị được tổ chức tại Trung Quốc, với hơn 1.700 đại biểu đến từ 80 quốc gia, tổ chức quốc tế, học giả, các tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của WEF. Các đại biểu tham dự hội nghị đều là những đại diện tiên phong trong các sáng tạo mới, ý tưởng mới, cách làm mới, thúc đẩy và phát triển những ngành lĩnh vực kinh tế mới.
Với chủ đề “Những chân trời tăng trưởng mới”, hội nghị năm nay thảo luận một trong những mối quan tâm hàng đầu của các chính phủ, các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp, đó là vượt qua những giới hạn để tăng trưởng, tìm kiếm những con đường, mô hình tăng trưởng mới và tận dụng những tiềm năng và cơ hội phát triển mới trong bối cảnh kinh tế thế giới đang trải qua những chuyển biến sâu sắc.
Đây là lần thứ ba liên tiếp WEF mời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị thường niên, không chỉ thể hiện sự coi trọng của WEF đối với Việt Nam mà còn là sự đánh giá cao của WEF đối với vai trò của Việt Nam trong đóng góp vào các thảo luận về các vấn đề toàn cầu cũng như chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng về Đổi mới, hội nhập và phát triển.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nhận định về vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra động lực tăng trưởng, mở ra những không gian phát triển mới. Thủ tướng Lý Cường đưa ra 4 đề xuất: Tăng cường hợp tác phát triển và chia sẻ công nghệ trên tinh thần cùng thắng; Phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên, thực hiện các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu; Thúc đẩy thị trường mở, tăng cường mở cửa, tương tác, phá bỏ các rào cản hướng đến chân trời mới; Phát triển bao trùm, cùng có lợi; hợp tác đào tạo, nâng cao năng lực cho người lao động, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Thủ tướng Lý Cường nhấn mạnh Trung Quốc tiếp tục ưu tiên phát triển công nghệ cao để tạo động lực mới cho tăng trưởng, kêu gọi thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia, liên kết các nghiên cứu và tăng cường hợp tác khoa học – công nghệ. Về kinh tế Trung Quốc, Thủ tướng Lý Cường nhấn mạnh vai trò của các ngành công nghiệp xanh, ngành công nghiệp mới, đổi mới sáng tạo đối với kinh tế Trung Quốc, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế Trung Quốc (Quý I tăng 5,3%, mục tiêu năm 2024 đạt 5%).
Tổng thống Ba Lan chia sẻ công thức thành công để đưa nền kinh tế Ba Lan trở thành nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh trong Liên minh châu Âu (EU) nhờ vào các chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, tận dụng vị trí địa lý thuận lợi là trung tâm của châu Âu để kết nối với châu Á, thúc đẩy quá trình kết nối kinh tế giữa EU và châu Á, trong đó có Trung Quốc.
Trong phần giới thiệu Thủ tướng Việt Nam phát biểu, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab ca ngợi Việt Nam là nền kinh tế năng động, ngọn hải đăng về phát triển kinh tế và đầu tàu tăng trưởng của khu vực.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chia sẻ nhận định sâu sắc về 5 đặc điểm nổi bật của kinh tế thế giới cùng 3 yếu tố chủ đạo tác động, ảnh hưởng tới thế giới hiện nay và 3 lĩnh vực tiên phong định hình thế giới tương lai.
Thủ tướng nêu đậm những vấn đề này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra “chân trời tăng trưởng mới”, đòi hỏi tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới mang tính toàn cầu, toàn dân, toàn diện, cùng thắng, vì lợi ích tổng thể cả trước mắt và lâu dài của nhân loại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò đầu tàu của nền kinh tế Trung Quốc đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Là nước láng giềng gần gũi, “núi liền núi”, “sông liền sông”, cùng xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”, Việt Nam vui mừng trước sự phát triển và sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trong điều kiện thế giới và khu vực có nhiều khó khăn, thách thức.
“Việt Nam tin tưởng Trung Quốc tiếp tục phát huy vai trò, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; thúc đẩy mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, tăng cường đoàn kết, hợp tác quốc tế, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới. Một nền kinh tế Trung Quốc tự cường, mạnh mẽ, cạnh tranh bình đẳng, hội nhập sâu rộng sẽ mang lại những tác động tích cực cho thế giới”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Chia sẻ câu chuyện của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh sự thành công của Việt Nam trong gần 40 năm qua gắn liền với những từ khóa then chốt: Đổi mới, sáng tạo và hội nhập. Từ một nước bị tàn phá sau 30 năm chiến tranh và bao vây cấm vận, Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình, nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Việt Nam được cộng đồng quốc tế coi là hình mẫu trong hàn gắn, khôi phục vết thương chiến tranh, gác lại quá khứ, tôn trọng sự khác biệt, hướng tới tương lai, biến thù thành bạn, thực hiện thành công các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (LHQ).
Những thành tựu đạt được khẳng định sự đúng đắn của các chủ trương, quan điểm phát triển của Đảng, Nhà nước Việt Nam với 3 nền tảng, 6 chính sách trọng tâm, 3 đột phá chiến lược cùng quan điểm mang tính nguyên tắc xuyên suốt là: Giữ vững ổn định chính trị; lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Để hướng tới “Những chân trời tăng trưởng mới”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bên cùng xây dựng, củng cố lòng tin, đề cao đối thoại, phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, hợp tác và phát triển, giải quyết hiệu quả các vấn đề dựa trên luật lệ và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan; không chính trị hóa và phân biệt đối xử với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo mang tính toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị WEF và các đối tác thúc đẩy hợp tác công tư, phát huy vai trò của những nhà tiên phong trong dẫn dắt, định hướng sự phát triển và quá trình tái cấu trúc kinh tế của các quốc gia, khu vực, toàn cầu, nhất là trong 3 lĩnh vực quan trọng. Một là xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nhất là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia. Hai là tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số, ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng xã hội, hạ tầng y tế, giáo dục. Ba là đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho các động lực tăng trưởng mới, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Đặc biệt, Việt Nam đề nghị tăng cường hợp tác quốc tế trong xây dựng, hoạch định và thực thi chính sách trên phạm vi khu vực và toàn cầu. Tăng cường hợp tác, ưu tiên cho tăng trưởng, phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nhất là giảm mặt bằng lãi suất, ổn định tỷ giá; phối hợp đồng bộ, hài hòa với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ tự do hoá thương mại, đầu tư; qua đó vừa góp phần kích thích tổng cầu trong ngắn hạn, vừa tác động tích cực đến tổng cung trong trung và dài hạn.
Cuối bài phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị thực hiện “3 cùng”: Cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển, với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, vì một thế giới tốt đẹp, công bằng, bình đẳng, phát triển hài hòa, bền vững; cùng nhau hướng đến “Những chân trời tăng trưởng mới”, những chân trời phát triển mới, vì sự phát triển phồn vinh, thịnh vượng của thế giới, vì cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp hơn của mọi người dân, của nhân loại.
* Trưa cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu tại Phiên thảo luận với các nhà lãnh đạo (IGWEL) về “Hợp tác để hướng tới tăng trưởng kinh tế”. Phiên thảo luận có sự tham dự của Giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF, Phó Tổng Thư ký LHQ Amina Mohammed, các bộ trưởng và lãnh đạo cấp cao các tập đoàn và các nhà tiên phong toàn cầu là thành viên WEF.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định trong bối cảnh sự chia rẽ về địa chính trị, địa kinh tế, phân mảnh, phân tách, xung đột, đứt gãy chuỗi cung ứng gia tăng; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, già hóa dân số… tác động, ảnh hưởng ngày càng nặng nề, hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, phát huy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết để hướng tới mục tiêu tăng trưởng toàn diện, bền vững, bao trùm.
Thủ tướng chia sẻ các bài học kinh nghiệm về điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Việt Nam duy trì “điểm sáng" cùa kinh tế toàn cầu, với đà tăng trưởng tích cực, thuộc nhóm tăng trưởng cao của khu vực.
Để hợp tác hướng đến tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 5 giải pháp ưu tiên, bao gồm: xây dựng, đổi mới hệ thống quản trị kinh tế toàn cầu theo hướng hiệu quả, minh bạch, bao trùm; xây dựng khuôn khổ phối hợp chính sách vĩ mô; thúc đẩy tự do hoá thương mại, đầu tư; tăng cường hợp tác huy động nguồn lực cho phát triển; chú trọng thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.
Tin liên quan
-
Kinh tế Thế giới
Tạo thuận lợi cho việc nhập khẩu các mặt hàng có thế mạnh của Ba Lan vào Việt Nam
14:11' - 25/06/2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẽ tạo thuận lợi cho việc nhập khẩu các mặt hàng có thế mạnh của Ba Lan vào Việt Nam như máy móc, tàu biển...
-
Kinh tế Thế giới
Thủ tướng Trung Quốc kêu gọi tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư toàn cầu
13:22' - 25/06/2024
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường kêu gọi “duy trì sự ổn định và vận hành trơn tru chuỗi công nghiệp và cung ứng, tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh trên toàn cầu
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng tham dự Hội nghị WEF Đại Liên năm 2024: Truyền tải thông điệp mạnh mẽ về Việt Nam năng động, đổi mới
10:59' - 23/06/2024
Trước chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị WEF Đại Liên năm 2024, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Thanh Bình đã trả lời phỏng vấn báo chí.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Thảo luận về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi)
08:12'
Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 22/11, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra: dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
-
Kinh tế Việt Nam
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
08:11'
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
-
Kinh tế Việt Nam
Dự kiến, năm 2024 có khoảng 4 tỷ USD vốn FDI đổ vào thành phố Cảng
08:11'
Theo UBND thành phố Hải Phòng, đến nay, thành phố thu hút 1.000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ 40 quốc gia, vùng lãnh thổ với số vốn 32,2 tỷ USD, chiếm 7% vốn FDI toàn quốc.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Dominicana
07:44'
Trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21/11, tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Dominicana.
-
Kinh tế Việt Nam
“Hàng rào” bảo vệ và kiểm soát chất lượng vật liệu xây dựng
20:24' - 21/11/2024
Bộ Xây dựng khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm vật liệu xây dựng sản xuất trong nước, đồng thời tăng cường giám sát để chống gian lận thương mại và kiểm soát chất lượng.
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Thượng viện Malaysia
20:19' - 21/11/2024
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, chiều 21/11, tại Trụ sở Nghị viện Malaysia, Tổng Bí thư Tô Lâm đã hội kiến Chủ tịch Thượng viện Malaysia Dato’ Awang Bemee Awang Ali Basah.
-
Kinh tế Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Campuchia
19:43' - 21/11/2024
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Khuon Sudary đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao hai nước tiến hành hội đàm.
-
Kinh tế Việt Nam
Đề nghị Hàn Quốc hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam
18:49' - 21/11/2024
Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục đầu tư, mở rộng đầu tư vào Việt Nam, hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực bán dẫn, AI...
-
Kinh tế Việt Nam
Dồn sức sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải
18:14' - 21/11/2024
Đại diện chính quyền Cần Thơ mong muốn Đại sứ Hoa Kỳ và các Tổng lãnh sự, các tổ chức quốc tế trong thời gian tới ủng hộ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp của Việt Nam.