Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia Sa Pa

07:16' - 27/09/2016
BNEWS Thủ tướng vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa đến năm 2030 nhằm phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, chất lượng cao, thu hút khoảng 5,2 triệu lượt du khách...
Sapa (Lào Cai) sẽ được chọn là điểm nhấn các sự kiện trong “Năm Du lịch quốc gia 2017 với chủ đề “Sắc màu Tây Bắc”. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại xã Tả Van. Ảnh: Nhật Anh - TTXVN

Mục tiêu của Quy hoạch nhằm phấn đấu đến năm 2020, Khu du lịch Sa Pa đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu du lịch quốc gia. Trước năm 2030, Khu du lịch quốc gia Sa Pa trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia, quốc tế với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chất lượng cao, có thương hiệu, và khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế. Khu du lịch Sa Pa phấn đấu năm 2020 đón khoảng 2,0 triệu lượt khách; đến năm 2030 đón khoảng 5,2 triệu lượt khách.

Theo Quy hoạch, Khu du lịch quốc gia Sa Pa thuộc địa bàn toàn huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Diện tích vùng lõi tập trung phát triển Khu du lịch quốc gia là 1.500 ha.

Định hướng phát triển thành 1 Đô thị du lịch Sa Pa và 4 phân khu du lịch gồm: Bản Khoang - Tả Giàng Phình (thuộc xã Bản Khoang và Tả Giàng Phình); Tả Phìn (thuộc xã Tả Phìn); Tả Van - Séo Mý Tỷ (thuộc xã Tả Van) và Thanh Kim (thuộc xã Thanh Kim), có sự kết nối với huyện Bát Xát.

Theo định hướng phát triển sản phẩm du lịch, sản phẩm du lịch chính của Sa Pa hướng tới là: sản phẩm du lịch đặc thù, du lịch tham quan, du lịch sinh thái kết hợp với nghỉ dưỡng.

Trong đó, Sa Pa đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù để tận hưởng khí hậu, cảnh sắc thiên nhiên và bản sắc văn hóa của người dân bản địa theo các chương trình du lịch “Sa Pa - xứ sở của các chương trình du lịch đi bộ dã ngoại hấp dẫn” và “Sa Pa - Vùng đất của sự trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa truyền thống”; sản phẩm du lịch “Chinh phục đỉnh cao” gắn với đỉnh Fansipan, nóc nhà Đông Dương (huyện Sapa), đỉnh Ky Quan San và đỉnh Nhìu Cù San, thiên đường săn mây của giới trẻ (huyện Bát Xát); du lịch nghỉ dưỡng ngắm tuyết rơi vào mùa đông.

Sản phẩm du lịch bổ trợ gồm: du lịch tâm linh gắn với hệ thống đền, chùa trong tổ hợp vui chơi giải trí cáp treo Fansipan; các điểm di tích tâm linh trong khu vực; từng bước kết nối với các điểm di tích ở khu vực lân cận; du lịch gắn với các sự kiện, lễ hội văn hóa truyền thống; du lịch thương mại gắn với tham quan, mua sắm tại các trung tâm thương mại, chợ truyền thống; du lịch gắn với các hoạt động thương mại vùng biên hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nông sản đặc trưng của tỉnh Lào Cai; du lịch nghiên cứu, tìm hiểu sinh thái gắn với giáo dục môi trường; du lịch thể thao mạo hiểm.../.

>>> Sapa - Sắc màu Tây Bắc

>>> Vẻ đẹp "khó cưỡng" của Sapa mùa lúa chín

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục