Thủ tướng: Rà soát thể chế thúc đẩy kinh tế các vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

10:45' - 25/06/2019
BNEWS Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, rà soát thể chế thúc đẩy kinh tế các vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là nhu cầu cấp bách, tạo đột phá, động lực phát triển kinh tế -xã hội đất nước bền vững.

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ được tổ chức sáng 25/6, tại Hưng Yên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, rà soát thể chế thúc đẩy kinh tế các vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là nhu cầu cấp bách, tạo khả năng đột phá, tạo động lực phát triển kinh tế -xã hội đất nước nhanh và bền vững.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hiện nay, kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, khó khăn thách thức trong nước đan xen như dịch bệnh, hạn hán, thiên tai. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng là thách thức đối với Việt Nam nên cần phải đổi mới sáng tạo trong quản lý điều hành đất nước. 

“Điều này đòi hỏi đặt ra phương thức quản lý mới với sự linh hoạt sáng tạo trong hệ thống quản lý Nhà nước và trong hoạt động sản xuất kinh doanh cả về thời gian và không gian vùng lãnh thổ. Nếu làm tốt hơn, điều hành sát hơn, ứng dụng khoa học công nghệ cao hơn sẽ góp phần thay đổi căn bản đời sống xã hội nhân dân.”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. 

Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là sự kiện mới nhất trong chuỗi các hoạt động khẳng định sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các vùng kinh tế - xã hội và các vấn đề mang tính chất liên vùng. Hội nghị nhằm thảo luận, đánh giá về hàng loạt vấn đề lớn như: tình hình kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các tỉnh thành phố trong vùng; thực trạng và giải pháp chiến lược phát triển thu hút đầu tư theo hướng bền vững trong vùng; các vấn đề về môi trường đầu tư, kinh doanh và hạ tầng đô thị, giao thông, phát triển logistics, nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển dịch vụ du lịch… trong vùng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN
Đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ giai đoạn 2016-2018, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ được hình thành bởi 3 đỉnh của một tam giác phát triển với 3 địa phương hạt nhân gồm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
 
Từ đó, tạo nên một khu vực năng động, đi đầu và dẫn dắt sự phát triển của cả miền Bắc; trở thành trung tâm của cả nước về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học công nghệ, với hệ thống hạ tầng giao thông kết nối khá đồng bộ, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không, đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của cả nền kinh tế. 

Trong giai đoạn 2016-2018 và 5 tháng đầu năm 2019, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đạt và vượt nhiều chỉ tiêu đề ra tại Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 25/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020, định hướng đến 2030. 

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân của vùng trong 3 năm qua đạt 9,08%/năm, cao nhất trong các vùng kinh tế trọng điểm; trong đó, nổi bật nhất là Hải Phòng đạt 14,57%/năm. Tổng GRDP của vùng năm 2018 chiếm tỷ trọng 31,73% GDP của cả nước, đứng thứ hai, sau vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; trong đó, Hà Nội tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu với tỷ trọng đóng góp đạt gần 17% GDP cả nước. GRDP bình quân đầu người của vùng năm 2018 đạt 4.813 USD, gấp 1,86 lần mức trung bình cả nước.

Cơ cấu kinh tế dịch chuyển tích cực, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm từ 3,98% xuống còn 3,71%, vượt mục tiêu đề ra tại Quyết định số 198/QĐ-TTg. 

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Đến hết năm 2018, toàn vùng có gần 77% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, cao nhất trong 4 vùng kinh tế trọng điểm và cao hơn tỷ lệ bình quân của cả nước . 

Công nghiệp duy trì vai trò trụ cột trong tăng trưởng của vùng, với nhiều dự án FDI quy mô lớn của các tập đoàn nổi tiếng như: Samsung, LG, Microsoft, Kyocera, Toyota, Honda, Ford…Theo đó, công nghiệp điện, điện tử, điện thoại di động, lắp ráp ô tô, đóng tàu, dệt may giữ vai trò chủ đạo, công nghiệp phụ trợ đã có bước phát triển khá.

Các ngành dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 13,2%/năm, kim ngạch xuất khẩu của vùng tăng bình quân 25,6%/năm, chiếm tỷ trọng 32% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, vượt trước 2 năm so với mục tiêu đề ra tại Quyết định 198/QĐ-TTg.
 
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Đó là, phát triển kinh tế - xã hội, ngành dịch vụ hiện đang là lợi thế và đóng góp lớn nhất cho vùng nhưng tốc độ tăng trưởng chưa bền vững. Cụ thể, năm 2016 tăng trưởng 9,05% nhưng năm 2018 giảm xuống 7,54%, tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu GRDP của vùng giảm từ 50,67% năm 2016 xuống còn 47,03% năm 2018.
 
Tăng trưởng xuất khẩu năm 2018 chỉ tăng 20%, thấp hơn mức 31,2% năm 2017; tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt thấp hơn bình quân cả nước, phụ thuộc vào một số doanh nghiệp lớn của nước ngoài nên thiếu tính bền vững trước sự biến động của thị trường. 

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của một số địa phương trong vùng vẫn chỉ ở mức trung bình thấp của cả nước, còn dư địa để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh như: Hải Dương, Hưng Yên. Doanh nghiệp trong nước của vùng chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, chỉ đạt khoảng 10,27 tỷ đồng/doanh nghiệp, thấp hơn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (10,72 tỷ đồng)...

Về công tác điều phối, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ vẫn còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: chưa hình thành rõ ràng thể chế liên kết vùng hiệu quả với cơ chế điều phối đủ mạnh để Hội đồng vùng và các địa phương trong vùng hoạt động.
 
Bên cạnh đó, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ không phải là một cơ quan chuyên trách, có chức năng quản lý nhà nước, chưa có địa vị pháp lý đầy đủ, không có nguồn lực để hoạt động và điều phối sự phát triển chung của vùng, chưa được “trao quyền” trong việc quyết định các nguồn ngân sách cho các dự án mang tính kết nối, liên kết các địa phương.
 
Chính vì lẽ đó, hoạt động của Hội đồng vùng phụ thuộc hoàn toàn vào bộ máy các cơ quan Trung ương và địa phương. Mức độ hoạt động mới dừng ở công tác phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của các cơ quan liên quan và địa phương trong vùng…

Đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm khắc phục các khó khăn, thách thức, phát huy tối đa lợi thế của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh, cần xây dựng quy hoạch tổng thể với tầm nhìn dài hạn, tích hợp đa ngành đối với sự phát triển của vùng, quy hoạch lại vùng trên một tầm nhìn mới. Theo đó, phát triển từng tỉnh thống nhất với quy hoạch và chiến lược phát triển toàn vùng, gắn với vai trò “đầu tàu”, “hạt nhân” của Hà Nội và tam giác phát triển Hà Nội – Hải Phòng - Quảng Ninh. 

Bên cạnh đó, trên cơ sở quy hoạch được duyệt, cần triển khai xác định khung phát triển chiến lược cho toàn vùng, xác định những ưu tiên đầu tư để phát triển đồng bộ và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng; đặc biệt, ưu tiên phát triển hệ thống logistic. Đồng thời, xây dựng các kịch bản phát triển, đề xuất định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực có ưu thế của vùng, phát triển nguồn nhân lực; phối hợp giải quyết vấn đề môi trường, ưu tiên phát triển các ngành có hàm lượng khoa học công nghệ, chất xám cao, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. 

Tư lệnh ngành kế hoạch và đầu tư mong muốn được lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, đại diện lãnh đạo các địa phương, các doanh nghiệp, nhà đầu tư và đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ. 

“Tôi tin tưởng các ý kiến sẽ giúp giải quyết được những vấn đề khó khăn, thách thức của vùng, đảm bảo sự phát triển bền vững trong hiện tại và xây dựng vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ thực sự là địa bàn tiên phong của cả nước thực hiện các “đột phá chiến lược”, đổi mới thành công mô hình tăng trưởng, trở thành đầu tàu của cả nước về phát triển kinh tế, ổn định xã hội, môi trường bền vững”, Bộ trưởng nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục