Điều hành kinh tế cấp tỉnh khu vực Đồng bằng sông Hồng và Đông Bắc Bộ

21:15' - 19/06/2019
BNEWS Hội thảo "Chia sẻ thực tiễn tốt trong việc điều hành kinh tế khu vực Đồng bằng sông Hồng và Đông Bắc Bộ" do tỉnh Hưng Yên và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức diễn ra ngày 19/6
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Đinh Tuấn - TTXVN

"Nâng cao chất lượng điều hành, xóa bỏ các rào cản, để cải thiện môi trường kinh doanh thông thoáng giúp doanh nghiệp phát triển ổn định, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh" là vấn đề được bàn luận tại hội thảo "Chia sẻ thực tiễn tốt trong việc điều hành kinh tế khu vực Đồng bằng sông Hồng và Đông Bắc Bộ" diễn ra ngày 19/6. Hội thảo do tỉnh Hưng Yên và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức.

Hội thảo bàn luận 2 chủ đề chính gồm: phát triển kinh tế địa phương trong bối cảnh mới và chia sẻ thực tiễn tốt trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Theo đó các chuyên gia kinh tế, đã phân tích nhiều thực tiễn về kinh tế khu vực Đồng bằng sông Hồng và Đông Bắc Bộ.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, điều tra năm 2018 cho thấy, chi phí không chính thức tiếp tục được cắt giảm; môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp tư nhân đang dần bình đẳng hơn; thủ tục hành chính đang thay đổi theo hướng tích cực.

Qua kết quả điều tra PCI cho thấy, khu vực Đồng bằng Sông Hồng và Đông Bắc Bộ là nơi có mức độ phát triển doanh nghiệp tương đối khá tốt, có tới 30% tổng số doanh nghiệp trên cả nước đầu tư. Điểm số trung bình của 10 lĩnh vực điều hành trong PCI 2018 cho thấy, khu vực Đồng bằng Sông Hồng và Đông Bắc Bộ là nơi được các doanh nghiệp đánh giá tương đối tốt ở khía cạnh tính minh bạch của môi trường kinh doanh, ứng dụng công nghệ trong đăng ký doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.

Tuy nhiên ở các lĩnh vực khác lại không được các doanh nghiệp đánh giá cao. Năm 2018, điểm số PCI trung bình của khu vực Đồng bằng Sông Hồng đạt 63,32 điểm, Đông Bắc Bộ đạt 60,61 điểm.

Theo đó, vẫn cần tới những nỗ lực nhiều hơn để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Phải tăng cường công khai minh bạch hơn nữa, nâng cao chất lượng lao động và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính sau đăng ký doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp dân doanh vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Các cơ quan chức năng cần có những biện pháp chính sách hiệu quả và kịp thời, hướng tới một khu vực doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả, phát triển mạnh mẽ và bền vững trong thời gian tới.

Các chuyên gia kinh tế cũng đã chia sẻ các kinh nghiệm, các mô hình tốt, cách làm hay để các tỉnh trong khu vực có thêm thông tin, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Các đại biểu đã chia sẻ thực tiễn của các tỉnh, thành phố điển hình như: xây dựng chính quyền điện tử hướng tới nền hành chính hiện đại và hiệu quả của tỉnh Thừa Thiên Huế; kinh nghiệm về nâng cao chất lượng điều hành, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp của thành phố Hà Nội; kinh nghiệm áp dụng sáng kiến Bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp Sở, Ban, Ngành và địa phương (DDCI) của tỉnh Bắc Ninh...

Đáng chú ý là những kinh nghiệm hay trong chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Ninh, địa phương dẫn đầu chỉ số PCI năm 2018 về chính sách thu hút đầu tư.

Theo bà Vũ Thị Kim Chi, Phó Trưởng ban Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh, yếu tố quyết định dẫn đến sự thành công trong DCCI của Quảng Ninh chính là vai trò, sự chỉ đạo quyết liệt trong điều hành của chính quyền, luôn biết lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp với phương châm "theo bước chân nhà đầu tư". Qua đó, chọn lọc đưa ra những giải pháp cụ thể thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Về phía tỉnh Hưng Yên, ông Nguyễn Văn Phóng, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để nâng cao Chỉ số PCI tỉnh chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành điều chỉnh giảm thời gian nhiều thủ tục hành chính, cắt giảm tối đa điều kiện đăng ký cấp phép hoạt động. Chỉ số cải cách thủ tục hành chính còn ở mức trung bình so với các tỉnh, thành và có chuyển biến tốt. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018 xếp hạng 3. Chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin ICT xếp hạng 9 năm 2018.

Tỉnh Hưng Yên luôn nhìn nhận đánh giá cao chỉ số PCI, coi chỉ số này chính là tiếng nói quan trọng của các doanh nghiệp dân doanh về môi trường kinh doanh, là kênh thông tin tham khảo tin cậy của nhà đầu tư về địa điểm đầu tư, là một động lực cải cách quan trọng đối với môi trường kinh doanh của tỉnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục