Thủ tướng tiếp Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Quỹ Môi trường toàn cầu

13:07' - 30/05/2018
BNEWS Sáng 30/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) Nakao Ishii (N.I-si).
 Sáng 30/5/2018, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp bà Nakao Ishii, Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Quỹ môi trường toàn cầu. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn bà Nakao Ishii trong cương vị công tác hiện nay và cả trong các cương vị trước kia đã luôn nhiệt tình ủng hộ Việt Nam. Thủ tướng cảm ơn Ban Thư ký GEF đã tin tưởng, lựa chọn Việt Nam làm nơi tổ chức Kỳ họp lần thứ 6 của Đại Hội đồng GEF.

Thủ tướng cho rằng, việc này thể hiện sự đánh giá cao của GEF đối với Việt Nam và minh chứng cho vai trò, sự đóng góp và những cam kết của Việt Nam trong việc chung tay với cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn để về môi trường toàn cầu.

Khẳng định Việt Nam rất coi trọng vấn đề môi trường trong phát triển đất nước, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với GEF; mong GEF hỗ trợ Việt Nam giải quyết tốt vấn đề môi trường.

Về việc tổ chức kỳ họp Đại hội đồng GEF và các sự kiện liên quan, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên Môi trường là cơ quan đầu mối của Việt Nam phối hợp với GEF để tổ chức.

Cùng với đó, các Bộ, cơ quan và địa phương liên quan phía Việt Nam cũng đang gấp rút nỗ lực phối hợp chuẩn bị để góp phần cho thành công Hội nghị với sự hiện diện của lãnh đạo Chính phủ tại lễ Khai mạc. Thủ tướng đề nghị Ban Thư ký GEF tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác chuẩn bị và tổ chức Kỳ họp.

Về hợp tác với GEF, trong chu kỳ 7, Thủ tướng mong muốn GEF tiếp tục hỗ trợ Việt Nam giải quyết các vấn đề môi trường, đặc biệt là trong các lĩnh vực như: Tăng cường gắn kết việc thực hiện các mục tiêu môi trường và các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) 2030; xây dựng cơ chế chính sách tài chính bền vững cho bảo tồn đa dạng sinh học thông qua sự tham gia tích cực của cộng đồng và khối tư nhân; đổi mới và chuyển giao công nghệ cho những phát minh về năng lượng bền vững; thực hiện các giải pháp về giảm nhẹ biến đổi khí hậu; tăng cường các điều kiện để tích hợp nội dung giảm nhẹ biến đổi khí hậu trong các chiến lược về phát triển bền vững.

Việt Nam cũng mong muốn GEF hỗ trợ việc thực hiện các dịch vụ hệ sinh thái rừng, sản xuất rừng, bảo đảm an ninh lương thực ở cấp địa phương trong bối cảnh thực hiện công ước UNCCD.

Cùng với đó là hỗ trợ Việt Nam tăng cường các cơ hội kinh tế xanh; đẩy mạnh an ninh nguồn nước trong hệ sinh thái nước ngọt; xử lý hoá chất công nghiệp; hoá chất nông nghiệp; hỗ trợ hoạt động thực hiện công ước Xtốc-khôm và công ước Mi-na-ma-ta về thuỷ ngân; xử lý rác thái biển; nhân rộng các mô hình thành phố bền vững về môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.

Thủ tướng cũng mong GEF có những dự án giúp Việt Nam xử lý rác thải đại dương, nhất là xử lý rác thải nhựa; hỗ trợ giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở đồng bằng sông Cửu Long.

Việt Nam cam kết phối hợp hết sức mình với GEF để chung tay giải quyết vấn đề môi trường toàn cầu.

Bà Nakao Ishii cảm ơn Việt Nam đã đăng cai tổ chức Đại hội đồng GEF lần thứ 6; cảm ơn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Việt Nam tích cực phối hợp với GEF để tổ chức hội nghị quan trọng này.

Bà Nakao Ishii cho biết, GEF đang giải quyết vấn đề môi trường toàn cầu và đây cũng là thách thức mang tính toàn cầu. GEF cần sự hợp tác của Chính phủ, khối doanh nghiệp tư nhân, cả cộng đồng và doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Đây cũng dịp thể hiện sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam đóng góp cho giải quyết vấn đề môi trường toàn cầu.

Bà Nakao Ishii đánh giá, Việt Nam đang có chuyển biến tích cực trong giải quyết vấn đề môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Việt Nam vẫn đang gặp phải những thách thức lớn về môi trường.

GEF hy vọng hỗ trợ Việt Nam trong giải quyết vấn đề này, trở thành người tiên phong trong khu vực về vấn đề môi trường như giải quyết vấn đề môi trường ở đồng bằng sông Cửu Long; xử lý rác thải đại dương - vấn đề nóng bỏng toàn cầu.

Trong quá trình này, vai trò của Chính phủ, Thủ tướng Việt Nam cũng như Bộ Tài nguyên và Môi trường là hết sức quan trọng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục