Thủ tướng: TP.Hồ Chí Minh phải sánh vai được với các thành phố châu Á
Sáng 12/1, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị báo cáo 1 năm thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư; Võ Văn Thưởng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cùng lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành Trung ương và tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố.
Giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế Năm 2018, trong điều kiện nhiều khó khăn, thách thức nhưng hầu hết các lĩnh vực kinh tế xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh đều tăng trưởng khá so với năm 2017, GRDP tăng 8,3%, trong đó, khu vực dịch vụ tăng cao nhất ở mức 8,4%.Chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện, mô hình tăng trưởng dần dịch chuyển theo chiều sâu; khách du lịch quốc tế đến thành phố đạt 7,5 triệu lượt, tăng 17,3% (chiếm 50% lượng khách quốc tế đến Việt Nam). Thành phố cấp phép thành lập mới hơn 44 ngàn doanh nghiệp, chiếm 33% cả nước.
Tỷ trọng quy mô kinh tế thành phố so với cả nước năm 2018 là 23,97%, cao hơn những năm liền trước đó. Năng suất lao động đạt 293 triệu đồng/lao động, gấp 2,92 lần bình quân cả nước. Thu ngân sách vượt dự toán, đạt trên 378.543 tỷ đồng, tăng 8,65% so với cùng kỳ, chiếm 27,8% cả nước. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 7,394 tỷ USD.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hội nghị lần này là dịp tốt để các cơ quan Trung ương nắm bắt thêm thông tin về Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời cũng là dịp Đảng bộ, chính quyền thành phố nhìn nhận rõ hơn những vấn đề đặt ra của địa phương, từ đó làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình. Đánh giá về kết quả phát triển kinh tế xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua, Thủ tướng cho rằng, thành phố đã có những bước đi tiến bộ trong bối cảnh còn nhiều khó khăn và tồn tại một số vi phạm trong thời gian trước đây. Thủ tướng đánh giá cao tăng trưởng của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2018 với mức 8,3%; thu ngân sách được giao đạt cao, “cơ bản thành phố hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Thủ tướng nhìn nhận và cho rằng, mặc dù là địa phương đông dân nhất cả nước, nhưng Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đảm bảo giữ gìn tốt an ninh trật tự, an toàn xã hội, từng bước giải quyết một số vụ việc kéo dài nhiều năm.Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá cao thành phố đã triển khai bước đầu một số giải pháp đặc thù phát triển kinh tế xã hội nhằm triển khai các Nghị quyết, văn kiện quan trọng của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ trong phát triển thành phố; trong đó nhiều vấn đề đạt kết quả tốt, nhưng cũng còn một số tồn tại cần khắc phục.
Nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh với tỷ lệ đóng góp ngân sách lên đến hơn 27% tổng ngân sách cả nước, Thủ tướng cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh vẫn giữ vững vị thế là đầu tàu kinh tế quan trọng hàng đầu của cả nước.Trên tinh thần đó, Thủ tướng cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh phải tiếp tục nỗ lực, vươn lên “không chỉ so sánh khu vực Đông Nam Á mà phải so sánh với các thành phố khu vực Châu Á như: Hồng Kông, Singapore, Kualar Lumper”…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, thành phố vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao cả về lượng và chất. Chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, đóng góp trên 1/3 giá trị dịch vụ cả nước.Thu hút đầu tư nước ngoài đứng thứ 2 cả nước, sau Hà Nội và ngày càng được đảm bảo hơn về chất lượng đầu tư. Thành phố cũng luôn đi đầu trong đầu tư khoa học công nghệ, xây dựng thành phố thông minh; ưu tiên phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nhiều dự án hạ tầng trọng điểm có nguy cơ chậm tiến độ Về những hạn chế thách thức cần khắc phục, Thủ tướng cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh đang bị tụt lại so với các thành phố lớn trong khu vực về chất lượng sống và năng lực cạnh tranh và đang gặp phải nhiều bất cập trong công tác quy hoạch, trật tự đô thị. Thêm vào đó, hạ tầng đang ngày một quá tải, xuống cấp trong khi sức hút người dân đến với thành phố quá lớn. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, có tình trạng mất cân đối lớn. Chỉ ra việc còn nhiều dự án hạ tầng trọng điểm đang có nguy cơ chậm tiến độ, Thủ tướng đề nghị thành phố cần phân tích, tìm nguyên nhân để có phương án xử lý dứt điểm, tránh làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Thủ tướng cũng phân tích, tốc độ tăng trưởng của thành phố dù vẫn ở mức cao nhưng so với tốc độ thì vẫn là điều đáng bàn bởi địa phương này có vai trò trung tâm kinh tế của cả nước. Ngoài ra, năng lực cạnh tranh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng; công tác cổ phần hóa doanh nghiệp chưa hoàn thành mục tiêu đề ra; tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp so với các thành phố trung ương khác, nhất là tội phạm trộm cắp, cướp giật, tội phạm có yếu tố nước ngoài. Khắc phục sự sa sút, trì trệ Về những định hướng, giải pháp phát triển thành phố trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh đến lợi thế về tiềm năng, tiềm lực của địa phương, đặc biệt là con người, truyền thống cách mạng, tinh thần đổi mới, sáng tạo trên tinh thần “Thành phố Hồ Chí Minh vì cả nước, cả nước vì Thành phố Hồ Chí Minh”. Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh cần có kế hoạch cụ thể thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ, Nghị quyết 54 của Quốc hội; có biện pháp khắc phục sự sa sút, trì trệ. Thủ tướng mong muốn thành phố cần đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt cần tiếp tục “coi phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là lối ra”. Để đạt được các mục tiêu này, Thủ tướng gợi ý thành phố cần làm tốt quy hoạch vùng và trình độ thực thi; đồng thời đề nghị các ban, ngành Trung ương tiếp tục phân cấp, giao quyền để thành phố chủ động thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội theo hướng “quyết liệt hơn nữa, đồng bộ hơn nữa, vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa”. Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc cần làm tốt các khâu như: Quy hoạch đô thị, phát triển hạ tầng giao thông; tiếp tục có những sáng kiến thực thi thể chế liên kết vùng hiệu quả hơn. Song song với đó là giải quyết những vấn đề về giao thông, phòng chống tội phạm và phân bổ nguồn nhân lực hợp lý tạo điều kiện vươn lên mạnh mẽ, khắc phục những hạn chế trong thời điểm khó khăn hiện nay. Giải quyết tốt các vấn đề bức xúc của người dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa chủ trương xã hội hóa đầu tư vào các dịch vụ công. Tập trung xử lý những vụ việc tồn đọng, kéo dài để từ đó nâng cao trách nhiệm, niềm tin, tạo điều kiện cho sự phát triển.Thủ tướng lưu ý thành phố cần có giải pháp căn cơ giải quyết điểm nghẽn lớn hiện nay đó là quy hoạch giao thông, nhà ở, tái định cư; quyết liệt, đồng bộ triển khai các giải pháp khắc phục tình trạng úng ngập; chú trọng quy hoạch giao thông, môi trường tại các khu đô thị mới…
Thủ tướng cũng đề nghị lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh tập trung xử lý các vấn đề bức xúc của người dân, nhất là câu chuyện Thủ Thiêm, tạo sự đồng thuận cao hơn trong nhân dân.Nhân dịp này, Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng động viên, cổ vũ thành phố trong việc giải quyết những tồn tại vừa qua; qua đó, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân để tập trung phát triển kinh tế xã hội thành phố.
Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị thành phố làm tốt việc giải quyết các bức xúc giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền trên tinh thần đối thoại công khai để tìm ra “lối đi”, đảm bảo hài hòa lợi ích người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Để tiếp tục quỹ đạo phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh cần phát triển ở nhiều hướng bởi tiềm năng rất lớn, nhất là dịch vụ, công nghệ cao, trung tâm khởi nghiệp quốc gia. Đi liền với đó là mở rộng không gian đô thị, xây dựng đô thị vệ tinh theo hướng liên kết vùng. “Thành phố phải chủ động phát triển mạnh mẽ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thành phố nghĩa tình”, Thủ tướng nói. Với rất nhiều nội dung quan trọng, sau gần 7 tiếng làm việc liên tục, hội nghị kết thúc vào thời điểm gần 14 giờ chiều cùng ngày, hội tụ nhiều ý kiến chỉ đạo, góp ý của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương nhằm “chung tay” đưa thành phố mang tên Bác tăng tốc, phát triển bứt phá trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, xứng đáng với vị thế trung tâm kinh tế của cả nước./.>>> Hà Nội: Hàng loạt dự án vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Phó Thủ tướng “đặt hàng” Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia
14:07' - 12/01/2019
Ngày 12/1, Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã họp nhằm kiến nghị tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp điều hành của năm 2019.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng: PVN phải đoàn kết, dám nghĩ, dám làm
21:13' - 11/01/2019
Chiều 11/1 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ điều động, bổ nhiệm nhân sự Bộ Quốc phòng
22:25' - 24/04/2025
Ngày 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký các Quyết định điều động, bổ nhiệm nhân sự Bộ Quốc phòng.
-
Kinh tế Việt Nam
Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác dầu khí với Algeria
20:12' - 24/04/2025
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã tiếp và làm việc với Nghị sỹ Saleh Djeghloul, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Algeria - Việt Nam sang công tác tại Hà Nội từ ngày 21 - 26/4/2025.
-
Kinh tế Việt Nam
Áp lực cho logistics Việt trên đường đua số và xanh
19:49' - 24/04/2025
Chiều 24/4, Báo Công Thương phối hợp cùng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo “Cơ hội để logistics phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0”.
-
Kinh tế Việt Nam
Triển lãm công nghệ GITEX Asia 2025: Cửa ngõ kết nối toàn cầu cho doanh nghiệp Việt Nam
19:16' - 24/04/2025
Tại GITEX Asia Singapore, Việt Nam gây ấn tượng với Gian hàng Việt Nam và “Ngày Việt Nam” nhằm kết nối cộng đồng khởi nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam với toàn cầu
-
Kinh tế Việt Nam
Cơ hội hợp tác về giải pháp công nghệ đầu tư phát triển năng lượng sạch
17:59' - 24/04/2025
Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) và Hội đồng Điện lực Trung Quốc (CEC) phối hợp tổ chức Diễn đàn Quốc tế Năng lượng Việt Nam – Trung Quốc – ASEAN 2025.
-
Kinh tế Việt Nam
Chấn chỉnh hoạt động đăng kiểm từ gốc
17:13' - 24/04/2025
Để từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm định, các cơ sở đăng kiểm đã chủ động rà soát, chấn chỉnh thái độ phục vụ không đúng mực của một số đăng kiểm viên.
-
Kinh tế Việt Nam
Thành lập Hội đồng Tư vấn chính sách
17:13' - 24/04/2025
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 812/QĐ-TTg ngày 24/4/2025 về việc thành lập Hội đồng Tư vấn chính sách.
-
Kinh tế Việt Nam
TTXVN tổ chức gặp mặt truyền thống Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
16:59' - 24/04/2025
Chương trình có sự tham dự của nhiều cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên và nhân viên của Thông tấn xã Việt Nam từng tham gia các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.
-
Kinh tế Việt Nam
Giải pháp nào kiểm soát ô nhiễm không khí, cải thiện chất lượng môi trường?
16:25' - 24/04/2025
Ô nhiễm không khí là một trong những thách thức môi trường nghiêm trọng tại Việt Nam. Số liệu quan trắc và chỉ số chất lượng môi trường không khí tại các thành phố này thường xuyên ở mức trung bình