Thừa Thiên Huế cải thiện nguồn giống phát triển trồng rừng gỗ lớn

06:40' - 08/09/2017
BNEWS Thừa Thiên - Huế đang chú trọng phát triển giống cây lâm nghiệp, đầu tư thâm canh trồng rừng gỗ lớn đạt 13.000 ha vào năm 2020.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tiến hành cơ cấu các loại rừng theo hướng củng cố diện tích rừng đặc dụng hiện có, rừng phòng hộ ở những nơi xung yếu, đầu nguồn và rừng phòng hộ chắn sóng, chắn gió cát ven biển, đầm phá. Tỉnh ưu tiên mở rộng diện tích rừng sản xuất đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, phấn đấu đến năm 2020 có 128.435 ha diện tích rừng sản xuất trong tổng số 293.240 ha đất có rừng của toàn tỉnh.

Cơ cấu ba loại rừng đến năm 2020 sẽ là rừng đặc dụng chiếm tỷ lệ trên 26%; rừng phòng hộ chiếm hơn 30% và rừng sản xuất (dạng trồng rừng kinh tế) chiếm tỷ lệ gần 44%.

Bên cạnh đó, Thừa Thiên - Huế chú trọng phát triển giống cây lâm nghiệp; đầu tư thâm canh, trồng rừng gỗ lớn đạt 13.000 ha vào năm 2020, trong đó rừng được cấp chứng chỉ FSC 5.000 ha để từng bước thay thế dần gỗ rừng tự nhiên phục vụ nhu cầu dân dụng và cung ứng nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ, tăng giá trị rừng trồng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện mỗi năm, toàn tỉnh trồng mới từ 4.500-5.000 ha rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 58% so với diện tích đất tự nhiên; đến năm 2020 tỷ lệ này phấn đấu đạt 61%.

Theo ông Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế, giống là vấn đề then chốt quyết định đến chất lượng và năng suất rừng trồng. Nơi nào quản lý giống tốt thì nơi đó có năng suất và chất lượng rừng trồng tăng cao. Vì vậy, tỉnh đang áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để nhân rộng mô hình sản xuất cây con phục vụ cho việc trồng rừng bằng phương pháp nuôi cấy mô.

Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 56 nguồn giống lâm nghiệp với gần 45ha; trong đó chủ yếu bằng các hình thức nhân giống truyền thống như gieo hạt, vườn cung cấp hom và nhân giống hữu tính… để phục vụ cho việc trồng rừng. Các nguồn giống đã và đang được sử dụng hiệu quả, đảm bảo nguồn cung cấp chất lượng tốt để sản xuất cây con trồng rừng, đáp ứng nhu cầu trồng rừng ngày càng cao của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Gần đây, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Lâm nghiệp Tiền Phong đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực giống cây trồng lâm nghiệp, sản xuất cây con bằng phương pháp nuôi cấy mô thay thế lai hom trên cây keo lai. Đối với cây keo lai, rừng trồng từ keo lai hom thường có tuổi thọ 6-7 năm, sau thời gian này cây có hiện tượng rỗng ruột, ra hoa, cây bị nấm bệnh.

Điều này đã được khắc phục bằng biện pháp nhân giống vô tính bằng nuôi cấy mô cây keo lai. Ưu điểm của nuôi cấy mô keo lai là tái tạo được sự non trẻ (hay làm trẻ hóa những cây thân gỗ). Giống keo lai được sản xuất từ phương pháp nuôi cấy mô có ưu thế hơn trong sản xuất gỗ lớn, tuổi thọ keo lai mô kéo dài đến hơn 10 năm.

Đáng chú ý, trồng rừng ở Thừa Thiên - Huế trong những năm gần đây phát triển mạnh nhờ tìm ra được bộ giống cây trồng thích hợp như keo lai, tràm hoa vàng, các loại phi lao, thông nhựa, sao, quế, dó bầu và một số cây bản địa khác. Nguồn giống keo hom được các đơn vị lâm nghiệp, hộ cá nhân trên địa bàn tỉnh sản xuất khoảng 22 triệu cây (trong đó khoảng 1 triệu cây nuôi cấy mô), đảm bảo chất lượng và số lượng cung ứng nhu cầu sản xuất.

Ông Nguyễn Trọng, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đến nay, cây giống được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô được các đơn vị trồng rừng, người dân ưa chuộng vì chất lượng cây trồng đảm bảo, ít bị gãy đổ do gió bão. Mặt khác, nếu những năm trước đây, năng suất gỗ rừng trồng chỉ đạt khoảng 50-60m3/ha, thì hiện nay do nguồn giống được cải thiện, chất lượng tốt nên năng suất đạt từ 100-120 m3/ha, tăng gấp hai lần./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục