Thúc đẩy đầu tư PPP trong sản xuất cà phê phát thải thấp

14:56' - 16/08/2022
BNEWS Theo đo lường của Tổ chức IDH từ năm 2016 đến 2020, ở khu vực dự án được triển khai với 15.000 ha ở khu vực Tây Nguyên, tác động giảm phát thải đã giảm tới 60%.

Ngày 16/8, Cục Trồng trọt phối hợp cùng Viện Môi trường Nông nghiệp, Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) tổ chức hội thảo về Thúc đẩy đầu tư công-tư (PPP) trong sản xuất cà phê phát thải thấp. 

Theo bà Trần Thị Quỳnh Chi, Giám đốc khu vực châu Á Chương trình Cảnh quan bền vững, Tổ thức IDH, nỗ lực giảm phát thải hiện không chỉ còn là những cam kết trên giấy, nhiều doanh nghiệp đã cam kết và đầu tư, hỗ trợ chuỗi giá trị phát thải thấp, tiến tới không còn phát thải.

Từ năm 2021, Tổ chức IDH đã cùng với các đối tác trên toàn cầu xây dựng chiến lược phát thải thấp dựa trên thúc đẩy hợp tác công-tư trong quá trình phát triển nông, lâm nghiệp.

Việt Nam là một trong những quốc gia cùng Tổ chức IDH đi đầu trong việc triển khai Chương trình Cảnh quan bền vững. Tổ chức IDH đã cùng các công ty xây dựng chương trình phát triển bền vững, qua đo lường đã cho thấy có thể giảm được carbon rất nhiều trong sản xuất cà phê, cây ăn quả ở khu vực Tây Nguyên.

Theo đo lường của Tổ chức IDH từ năm 2016 đến 2020, ở khu vực dự án được triển khai với 15.000 ha ở khu vực Tây Nguyên, tác động giảm phát thải đã giảm tới 60%. Như vậy có thể thấy, phát thải ban đầu rất lớn và tiềm năng giảm phát thải cũng như tác động trong sản xuất có thể giảm phát thải là rất lớn.

Bà Trần Thị Quỳnh Chi cho biết, Tổ chức IDH đã hỗ trợ cho các công ty triển khai chương trình giảm phát thải, bắt đầu từ việc hỗ trợ cho các tổ nhóm nông dân, công ty đạt được các chứng nhận bền vững. Từ đó phát triển thành những vùng nguyên liệu lớn bền vững.

Hiện Tổ chức IDH xây dựng chiến lược phát thải thấp cho toàn bộ sản xuất ngành hàng cà phê và các cây trồng xen trên khu vực Tây Nguyên, hướng đến tạo ra động lực tài chính carbon, để nông dân, cộng đồng nông dân có thể đầu tư trở lại để tiếp tục các giải pháp giảm phát thải thành giải pháp bền vững trong tương lai.

Trong thời gian vừa qua, Tổ chức IDH đã cùng hơn 30 công ty ở các lĩnh vực khác nhau ở khu vực Tây Nguyên đưa ra các giải pháp sản xuất phát thải thấp, bền vững. Mục tiêu hướng tới năm 2025 có thể tác động tới 40-50% diện tích sản xuất cà phê cũng như các cây trồng ăn quả, cây trồng xen khác với khoảng hơn 300.000 ha sản xuất nông nghiệp. Để đạt được con số này, Tổ chức IDH mong muốn có sự phối hợp từ hợp tác công-tư.

“Với vai trò kết nối các bên, Tổ chức IDH sẽ hỗ trợ cùng các đối tác kết nối và xây dựng được chương trình thúc đẩy sản xuất cà phê phát thải thấp.  Hi vọng đến năm 2030, Việt Nam có thể tự tin, 50% cà phê được sản xuất với phát thải thấp và đáp ứng yêu cầu thị trường và nhà mua lớn trên thế giới”, bà Chi cho biết.

Bà Chi cũng cho rằng, yêu cầu từ thị trường cũng sẽ thúc ép người sản xuất cà phê hướng tới sản xuất bền vững, nhưng nếu có sự chuẩn bị trước thì nông dân sẽ không còn bị động, việc nắm bắt thị trường sẽ tốt hơn. Hiện ở Tây Nguyên, các nhà mua lớn đều có những cam kết và có lộ trình cụ thể để đo lường giảm phát thải trong sản xuất các ngành hàng chính. Với bước chuẩn bị kỹ càng, khi các nhà mua yêu cầu chúng ta có thể chứng minh ngay sản phẩm của mình phát thải thấp.

Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, ngành hàng cà phê hiện đang có một loạt quy trình sản xuất bền vững như: tái canh, ghép cải tạo, tưới tiết kiệm, trồng xen… Đặc biệt với sự hỗ trợ của các tổ chức, ngành nông nghiệp đã xây dựng được bộ tài liệu tập hợp toàn bộ tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất cà phê và chuyển giao cho khuyến nông để phổ biến cho nông dân. 

Ông Lê Văn Đức cho rằng, sản xuất cà phê bền vững phải theo chuỗi, như từ việc sử dụng giống cà phê chịu hạn để giảm sử dụng nước, cách đốn tỉa, trồng xen, sử dụng phân bón… Trên cơ sở kế thừa những thành tựu trong sản xuất cà phê, ngành trồng trọt mong muốn với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp sẽ tìm kiếm được những giải pháp giảm phát thải mà không ảnh hưởng đến hiệu quả của người sản xuất.

Bà Trần Thị Quỳnh Chi kỳ vọng, canh tác bền vững sẽ trở thành thói quen của dân người sản xuất chứ không phải chỉ phụ thuộc vào yếu tố thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục