Thúc đẩy phong trào “Bình dân học vụ số” giúp hình thành công dân số

14:45' - 21/05/2025
BNEWS Các Tổ chuyển đổi số cộng đồng là lực lượng xung kích, trực tiếp đồng hành người dân trong hành trình tiếp cận công nghệ số.
Hiện nay, Đồng Tháp có 684 Tổ công nghệ số cộng đồng, phối hợp với các ngân hàng, doanh nghiệp viễn thông tổ chức nhiều đợt ra quân cài đặt ứng dụng điện tử cho người dân, hỗ trợ mở tài khoản, cài đặt ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi thuê bao từ 2G sang 4G… Các Tổ chuyển đổi số cộng đồng là lực lượng xung kích, trực tiếp đồng hành người dân trong hành trình tiếp cận công nghệ số gắn với phong trào “Bình dân học vụ số” ở Đồng Tháp năm 2025.

* Nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, mục đích hoạt động Tổ Công nghệ số cộng đồng gắn với phong trào “Bình dân học vụ số” nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh để thúc đẩy phong trào “Bình dân học vụ số”. Từ đó giúp người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp cận và tận dụng công nghệ số trong cuộc sống, hình thành công dân số, phát triển kinh tế số và xã hội số.

Để phát triển hiệu quả công tác Tổ Công nghệ số cộng đồng, tỉnh Đồng Tháp có 8 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông; 4.599 trạm BTS (1.144 trạm 2G, 1.325 trạm 3G, 2.090 trạm 4G, 40 trạm 5G); 1.831.160 thuê bao điện thoại; hơn 1,76 thuê bao Internet băng rộng; 100% khóm, ấp đã phủ sóng thông tin di động 3G, 4G và có đường truyền Internet cáp quang FTTx. Hạ tầng công nghệ thông tin cũng được tỉnh đầu tư, nâng cấp. Hệ thống mạng diện rộng WAN, LAN, mạng truyền số liệu chuyên dùng đã được kết nối đến 100% cơ quan hành chính, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, qua đó góp phần giúp kinh tế số hoạt động hiệu quả.

 
Ông Đoàn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười cho biết, 13 tổ thanh niên chuyển đổi số đã triển khai việc hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng các ứng dụng số. Hiện tại, ở huyện có khoảng 60% người dân biết cách tham gia mua sắm trực tuyến; hơn 80% dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác; dân số trưởng thành trở lên có chữ ký số đạt 4,36%.

Ở thành phố Sa Đéc có 46 Tổ Công nghệ số cộng đồng được xây dựng. Sau hơn 2 năm hoạt động, các tổ đã hướng dẫn trên 4.000 lượt người dân, cơ sở kinh doanh về cải cách hành chính, chuyển đổi số, việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến, thanh toán trực tuyến, chuyển đổi số, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước…

Các Tổ Công nghệ số cộng đồng đã hỗ trợ cài đặt e-ĐongThap cho 1.500 lượt người; hỗ trợ cài đặt ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt cho 1.800 lượt người; hướng dẫn 400 lượt hộ kinh doanh đưa sản phẩm lên sàn thương mai điện tử; hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến cho trên 800 lượt người.

*Đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công nghệ số

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho biết, Tổ Công nghệ số cộng đồng là lực lượng nòng cốt phối hợp, cùng các đơn vị, doanh nghiệp triển khai phong trào Bình dân học vụ số. Các Tổ lựa chọn cách thức, mô hình triển khai phù hợp và phát huy tối đa nguồn lực của địa phương để đưa kiến thức, kỹ năng số đến với người dân, doanh nghiệp. Đối tượng cần tập trung triển khai là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị, học sinh, sinh viên, Hợp tác xã, Tổ hợp tác, Hội quán, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, chưa có nhiều điều kiện tiếp cận với công nghệ số.

 

UBND tỉnh chỉ đạo Tổ công nghệ số tổ chức tuyên truyền về các kỹ năng số cơ bản như kỹ năng sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến, tự bảo vệ mình trên không gian mạng; tham gia triển khai “Ngày hội toàn dân học tập số”. Các địa phương tổ chức ra quân tổ công nghệ số trực tiếp đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người, nhất là người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và những nơi có điều kiện còn khó khăn để sử dụng dịch vụ, ứng dụng công nghệ số. Mục tiêu của mô hình “Mỗi công dân - một danh tính số” là bảo đảm 100% công dân từ 16 tuổi có danh tính số, hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng VneID, tài khoản số.

Mô hình “Chợ 4.0 - Nông thôn số” (Chợ số - Nông thôn số) được tổ chức để đào tạo tiểu thương, nông dân và người dân khu vực nông thôn sử dụng các nền tảng số (thanh toán không dùng tiền mặt, sàn thương mại điện tử, tiết kiệm số…) nắm vững kỹ năng sử dụng công nghệ số, nền tảng số trong công việc kinh doanh. Đối với mô hình “Gia đình số”, tỉnh đặt mục tiêu mỗi hộ gia đình có ít nhất một thành viên tham gia học tập, có hiểu biết về chuyển đổi số, kỹ năng số, sử dụng được nền tảng, dịch vụ số và hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình.

Nhằm xây dựng mạng lưới “Đại sứ số" để phổ cập cho cộng đồng, mỗi phường, xã bố trí ít nhất 1 nhân sự hỗ trợ, hướng dẫn khi người dân đến làm thủ tục hành chính nhưng không đủ kỹ năng thao tác trên Cổng dịch vụ công trực tuyến.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục