Thực thi các FTA: Thành công không đến từ sự thụ động

08:35' - 19/01/2019
BNEWS Với nhiều hiệp định thương mại đã và sắp có hiệu lực, năm 2019 được xem là năm “nước rút” để Việt Nam bứt phá phát triển.

Năm 2019 được xem là năm “nước rút” để Việt Nam bứt phá phát triển. Đồng thời, nhiều hiệp định thương mại đã có hiệu lực và dự kiến có hiệu lực trong năm 2019 như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).... sẽ giúp hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường thể giới tốt hơn. Hiện nay, nhiều địa phương và doanh nghiệp đã có sự chủ động, đón đầu để hiện thực hóa các cơ hội mà hội nhập mang lại.
* Nắm bắt thời cơ
Hải Phòng là cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía Bắc. Thời gian qua, hội nhập quốc tế của thành phố này không ngừng được mở rộng, nâng tầm về quy mô và chất lượng.

Theo số liệu từ Sở Công Thương Tp. Hải Phòng, từ năm 2011 trở lại đây, thu hút đầu tư nước ngoài của Hải Phòng thường xuyên đạt hàng tỷ USD. Đáng chú ý, thành phố thu hút được các nhà đầu tư hàng đầu thế giới như LG, Bridgestone, GE, Fuji Xerox, Kyocera, Nipro Pharma, Aeon Mall… Nhiều doanh nghiệp Hải Phòng cũng đầu tư ra nước ngoài như: Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong; Công ty Vico…

Bốc xếp hàng hóa tại Cảng Hải Phòng. Ảnh: TTXVN

Theo nhận định của ông Bùi Quang Hải, Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hải Phòng, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn, có tính chất toàn cầu. Vì thế, tính chủ động của cả bộ máy thành phố lẫn các doanh nghiệp là hết sức cần thiết.
Đến nay, Hải Phòng đã chủ động ký kết 26 thỏa thuận hợp tác và giao lưu với hơn 20 địa phương thuộc 12 quốc gia. Liên tục có nhiều đoàn doanh nghiệp nước ngoài tới Hải Phòng tìm hiểu cơ hội hợp tác kinh doanh cho thấy, độ mở về hội nhập quốc tế của Hải Phòng khá lớn.
Theo ông Nguyễn Hải Đường, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần M2 Việt Nam, M2 đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng Nhà máy M2 Factory tại Hải Phòng (giai đoạn 1 sắp hoàn thành) để cho ra sản phẩm mang thương hiệu riêng của M2. Ngoài ra, M2 cũng có 1 trung tâm thời trang tại Moscow (Nga) để làm “bàn đạp” xuất khẩu đi các nước
“Chúng tôi chủ động đón đầu để có thể tận dụng tốt nhất những cơ hội mà các FTA sắp tới mang lại một cách thực chất hơn; nâng cao sức cạnh tranh và tạo ra chuỗi thương hiệu riêng thuộc Công ty M2, tiến tới là nguồn cung cấp hàng xuất khẩu chất lượng ra thị trường quốc tế”, ông Nguyễn Hải Đường nói.
Đại diện doanh nghiệp M2 cũng nhận định, trong bối cảnh hội nhập càng sâu rộng sắp tới, doanh nghiệp Việt sẽ phải cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn, công ty lớn từ nước ngoài.
Không phủ nhận những cơ hội và lợi ích mà các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới sắp tới sẽ mang lại, song ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội cho rằng, quá trình triển khai hội nhập hiện vẫn hạn chế như: hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, đơn vị doanh nghiệp tham gia hội nhập chưa đáp ứng yêu cầu. Hoạt động phân tích, dự báo tình hình giá cả, biến động thị trường quốc tế còn chậm và chưa chủ động. Đặc biệt, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong hội nhập vẫn còn thấp. Sự phối hợp chưa cao giữa các sở ngành, quận, huyện để xây dựng các chương trình, kế hoạch hội nhập và triển khai thực hiện...
Theo ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Việt Nam đã tham gia nhiều FTA trước đây và đều hy vọng sẽ thu lại được những “quả ngọt”. Nhưng trên thực tế vẫn chưa thực sự chủ động để đón đầu các FTA này, khi chỉ riêng các lợi ích từ ưu đãi thuế quan, trung bình Việt Nam mới chỉ tận dụng được chưa đầy 40%, nhưng chủ yếu thuộc về các nhà đầu tư nước ngoài. Số còn lại vì nhiều lý do khác nhau đã tuột khỏi tay doanh nghiệp Việt.
Từ thực tế đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sự chủ động đón đầu là rất quan trọng. Không chỉ nằm trong nhận thức, hiểu biết về các hiệp định, ưu đãi thuế quan của doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, mà cần chủ động trong việc liên kết, xúc tiến thương mại.
* Đồng hành xúc tiến thương mại
Quá trình tham gia các FTA đã cho thấy, hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc tham gia các FTA là chiến lược hết sức đúng đắn, mở ra cơ hội mới cho phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện các FTA là nội dung quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến thành công của hội nhập.

Doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị máy móc để nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), thời gian qua, khả năng tận dụng ưu đãi từ các FTA của Việt Nam đã có bước cải thiện đáng kể, thể hiện rõ rệt nhất ở các FTA Việt Nam chủ động thúc đẩy đàm phán và thực thi.

Hơn nữa, các FTA này đã giúp Việt Nam tăng đáng kể năng lực cạnh tranh. Thông qua việc mở cửa, chấp nhận cạnh tranh với bên ngoài, nền kinh tế đã có những bước chuyển dịch tích cực, hỗ trợ cho tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng của đất nước.
Tuy nhiên, ông Thái cho rằng, với các chuỗi giá trị mới được hình thành, cần có các biện pháp phát triển doanh nghiệp phù hợp để doanh nghiệp có thể tham gia vào các chuỗi giá trị trong các khu vực FTA mà Việt Nam là thành viên nhằm tận dụng tối đa những cam kết do các hiệp định này mang lại. Các cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong nước kết nối với các doanh nghiệp trong khu vực; cung cấp thông tin và dự báo thị trường...
Đặc biệt, cơ quan quản lý và doanh nghiệp cần đồng hành để tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư tại các thị trường đã thực thi các FTA. Trong đó, xúc tiến cần mang tính tập trung, tránh dàn trải, chú trọng vào các lĩnh vực, ngành hàng có thế mạnh xuất khẩu hoặc có tiềm năng xuất khẩu sang những thị trường này.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ kỹ năng đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán ngoại thương, marketing, truy xuất thông tin về mặt hàng, quản lý chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế cũng cần được các bộ, ngành liên quan phối hợp, hỗ trợ đào tạo cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Ths. Trần Thị Hà, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho rằng, Nhật Bản trong thời kỳ hội nhập luôn có sự trợ giúp và chỉ dẫn tích cực của Chính phủ. Ngoài ra, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp và sản phẩm xuất khẩu, Chính phủ Nhật Bản tích cực chỉ đạo các ngân hàng, cấp ưu đãi thuế, tín dụng cho doanh nghiệp, sau đó điều chỉnh mức ưu đãi cho phù hợp để sớm đặt các doanh nghiệp Nhật Bản trong sự cạnh tranh thị trường đầy đủ, lành mạnh hơn.
Bên cạnh đó, Chính phủ còn tích cực triển khai những hoạt động xúc tiến thương mại. “Nhìn từ Nhật Bản, Việt Nam cũng có thể làm được bằng việc xây dựng phương án hợp lý để hoàn thiện việc đàm phán và ký kết các FTA đang triển khai; chủ động nghiên cứu, đánh giá khả năng tham gia các FTA với các đối tác mới nhằm tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường cho hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam”, Ths. Trần Thị Hà nói.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thành công không đến với người tự ti hoặc thụ động, nhưng cũng không cho phép chủ quan, dừng nghỉ. Để tiếp tục và đẩy nhanh sự phát triển bền vững kinh tế hội nhập trong thời gian tới, rõ ràng Việt Nam cần nhiều hơn những quyết tâm và hành động thiết thực, phù hợp để nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp.../.

Xem thêm:

>>Triển vọng kinh tế 2019: Những kịch bản tăng trưởng

>>Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019: Kiến tạo - sức bật mới cho sự phát triển

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục