Thúc tiến độ giải ngân các dự án giao thông

17:11' - 30/09/2022
BNEWS Đại diện các Ban quản lý dự án (Bộ Giao thông Vận tải) đang bám sát chỉ đạo từ lãnh đạo Bộ để xây dựng các giải pháp; trong đó thực hiện rà soát, thúc tiến độ giải ngân từng dự án.
Thực hiện công điện của Bộ trưởng Bộ Giao thông về tăng cường giải ngân vốn đầu tư theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ về việc đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư những tháng cuối năm 2022, đại diện các Ban quản lý dự án (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, đơn vị đang bám sát chỉ đạo từ lãnh đạo Bộ để xây dựng các giải pháp; trong đó thực hiện rà soát, thúc tiến độ giải ngân từng dự án.

 
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đẩy nhanh tiến độ, sớm giải ngân cho công tác giải phóng mặt bằng các dự án thành phần của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, việc giải ngân đang tập trung vào các dự án như: cao tốc Cam Lộ - La Sơn, cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 đoạn Vạn Ninh – Cam Lộ. Tính đến ngày 30/9, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh giải ngân được 3.217 tỷ đồng trong tổng số 4.923 tỷ đồng (đã bao gồm 600 tỷ đồng vừa được bổ sung cho cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2), đạt 65%.

 
“Để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn, Ban sẽ đưa ra các giải pháp; trong đó yêu cầu các phòng quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đẩy nhanh việc giải ngân vốn cho giải phóng mặt bằng”, đại diện Ban Quản lý dự án đường Hồ  Chí Minh chia sẻ.

Đại diện Phòng Kế hoạch tổng hợp (Ban Quản lý dự án 6) thông tin, đến hết tháng 9/2022, đơn vị đã giải ngân được số vốn 2.179 tỷ đồng trong tổng số 3.923 tỷ đồng kế hoạch vốn được giao, đạt 55,5%. Để hoàn thành kế hoạch giải ngân của năm, Ban đã xây dựng kế hoạch giải ngân cụ thể từng dự án, đặc biệt là 2 dự án cao tốc Bắc Nam là Nghi Sơn – Diễn Châu và Diễn Châu – Bãi Vọt. Cùng với đó, Ban cũng tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng 2 đoạn cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 (Vũng Áng – Bùng và Bùng – Vạn Ninh).

Chia sẻ thêm về dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), lãnh đạo Ban Quản lý dự án 6 khẳng định, đến nay việc giải ngân vốn của dự án này đã cơ bản không còn khó khăn khi vốn tín dụng và vốn chủ sở hữu đã được khơi thông. Sau khi nguồn vốn này được giải ngân, nguồn vốn nhà nước (VGF) sẽ được giải ngân song song.

Trong khi đó, về kết quả giải ngân của Ban Quản lý dự án 2 đã có những chuyển biến tích cực trong những tháng gần đây, Ban phấn đấu hoàn thành kết hoạch vốn được giao khi nhiều dự án sẽ bước vào giai đoạn giải ngân cao.

Tính đến hết tháng 9/2022, Ban Quản lý dự án 2 đã giải ngân được 1.665 tỷ đồng trong tổng số hơn 3.600 tỷ đồng kế hoạch vốn được giao trong năm 2022. Ban sẽ tập trung giải ngân vốn vào các dự án trọng điểm như Quốc lộ 19 (qua Gia Lai – Bình Định); dự án kết nối các tỉnh phía Bắc (Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái); dự án cải tạo, thay thế cầu yếu sử dụng vốn EDCF của Hàn Quốc. Đồng thời, cũng thúc đẩy việc giải ngân cao tốc Bắc Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn  và cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 đoạn Quảng Nghãi – Hoài Nhơn…

Là một trong đơn vị đang phụ trách nhiều dự án tại khu vực phía Nam (cao tốc Bắc – Nam đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết, cầu Mỹ Thuận 2, dự án nâng cấp Quốc lộ 1 qua Hậu Giang và Cà Mau…), ông Đinh Công Minh, Giám đốc Ban Quản lý dự án 7 cho hay, tổng kế hoạch vốn được giao đến nay của Ban Quản lý dự án 7 là hơn 6.949 tỷ đồng đã bao gồm 1.675 tỷ đồng vốn vừa được bổ sung. Tính đến hết tháng 9/2022, đơn vị đã giải ngân được hơn 3.623 tỷ đồng đạt 52,1% kế hoạch vốn giao năm 2022.

Một đơn vị khác phụ trách các dự án đường thủy gồm (Kênh nối đáy Ninh Cơ và dự án nâng cấp Chợ Gạo giai đoạn 2...) cũng có kết quả giải ngân đảm bảo kế hoạch đề ra. Theo đó, Ban Quản lý các dự án đường thủy cho hay, tính đến hết tháng 9/2022, đơn vị giải ngân được hơn 616 tỷ đồng trong tổng hơn 1.000 tỷ đồng kế hoạch vốn được giao, đạt 61,2% kế hoạch.

Trong khi đó, Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, hết tháng 9, đơn vị đã giải ngân được 1.074 tỷ đồng trong tổng số 1.836 tỷ đồng kế hoạch vốn được giao, đạt 58,5% kế hoạch. Số tiền giải ngân chủ yếu tập trung vào dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Bắc - Nam vốn 7.000 tỷ đồng, dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông; dự án xây dựng cầu Đuống...

Theo số liệu của Bộ Giao thông Vận tải, tính đến hết tháng 9/2022, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân 26.960 tỷ đồng (đạt 53,6% kết hoạch). Từ nay tới cuối năm, cần tiếp tục giải ngân 23.368 tỷ đồng. Trong đó, tập trung ở các nhóm dự án: 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 cần giải ngân khoảng 8.335 tỷ đồng (chủ yếu cho cho việc giải phóng mặt bằng); 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 cần giải ngân khoảng 5.106 tỷ đồng; các dự án ODA cần giải ngân khoảng 2.788 tỷ đồng; các dự án quan trọng, cấp bách cần giải ngân 1.925 tỷ đồng.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã có Công điện về việc quán triệt Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ, đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư những tháng cuối năm 2022.

Trong Công điện gửi giám đốc các ban quản lý dự án, các chủ đầu tư được giao quản lý dự án đầu tư do Bộ Giao thông Vận tải chủ quản và các cơ quan tham mưu trực thuộc Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu nghiêm túc quán triệt Nghị quyết số 124/NQ-CP của Chính phủ, tổ chức triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra tại Nghị quyết.

Các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải tại Chỉ thị số 01/CT-BGTVT ngày 28/01/2022 về đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch năm 2022, Chỉ thị số 02/CT-BGTVT ngày 23/5/2022 về nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ và siết chặt kỷ cương, trách nhiệm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và các kết luận chỉ đạo của Bộ trưởng tại các cuộc họp giao ban xây dựng cơ bản từ đầu năm; đặt mục tiêu phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao.

Các ban quản lý dự án, các chủ đầu tư có trách nhiệm tập trung chỉ đạo, quyết liệt triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, các đơn vị có kết quả giải ngân kế hoạch dưới mức trung bình của cả Bộ kiểm điểm làm rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan, đối với từng dự án chậm tiến độ; nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Trên cơ sở đó đề ra giải pháp cụ thể, quyết liệt, hiệu quả để đẩy mạnh giải ngân trong các tháng cuối năm 2022, đáp ứng mục tiêu chung của cả Bộ. Ngoài ra, các đơn vị rà soát lại toàn bộ tiến độ thực hiện của các dự án triển khai trong năm 2022 để điều chỉnh kế hoạch vốn phù hợp với tiến độ thực hiện, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, chia cắt gây lãng phí nguồn lực và chậm trễ trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công.

“Trường hợp dự kiến giải ngân không hết kế hoạch năm 2022 đã được Bộ giao hoặc có nhu cầu bổ sung vốn, có văn bản đề xuất điều chỉnh kế hoạch, gửi Bộ để tổng hợp, xử lý theo thẩm quyền”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng đề nghị đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ triển khai các công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, công tác thiết kế, dự toán, lựa chọn nhà thầu để làm cơ sở đẩy mạnh giải ngân các dự án có kế hoạch năm 2022 còn lại, tập trung tại các dự án trọng điểm, các dự án phải hoàn thành, cơ bản hoàn thành trong năm 2022./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục