Thuốc điều trị COVID-19 - "Bảo bối" giúp sống chung với virus

11:55' - 11/11/2021
BNEWS Trang mạng japantimes.co.jp Anh là quốc gia đầu tiên phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 và hiện cũng là nước đầu tiên chấp thuận điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà.

Ngày 4/11, Cơ quan quản lý dược phẩm (MHRA) Anh đã “bật đèn xanh” cho thuốc kháng virus molnupiravir, loại thuốc uống do Merck & Co. và Ridgeback Biotherapeutics phát triển và trong quá trình thử nghiệm đã chứng tỏ có tác dụng làm giảm 50% khả năng nhập viện hoặc tử vong ở những ca mắc COVID-19 thể nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid gọi đây là một “ngày lịch sử” đối với nước Anh. Lần đầu tiên, đây có thể không phải là một lời nói quá.

Ngoài Anh, loại thuốc mới sẽ nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của thuốc kháng virus trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 hiện nay và các đại dịch trong tương lai.

Thông báo hôm 5/11 của Pfizer Inc về hiệu quả điều trị tại nhà thậm chí còn tốt hơn - giảm 89% số ca nhập viện và tử vong trong các thử nghiệm giai đoạn cuối - cho thấy loại thuốc này có triển vọng.

Sau khi thông tin này được báo chí đăng tải, cổ phiếu của Pfizer đã tăng vọt và hãng dược này đang xin cấp phép sử dụng khẩn cấp ở Mỹ.
Việc phê duyệt molnupiravir và sự phát triển của Pfizer là tin tốt đối với Anh.

Xứ sở sương mù hiện có tỷ lệ mắc COVID-19 cao đến khó tin. Mặc dù đợt bùng phát dịch gần đây nhất không ghi nhận sự gia tăng đáng kể số ca tử vong do COVID-19, song các bệnh viện vẫn phải đối mặt với tình trạng thủ tục chậm trễ, các khu điều trị COVID-19 đông bệnh nhân và những mối lo ngại về nguy cơ dịch bệnh sẽ trở nên tồi tệ trong mùa Đông này có thể khiến tình trạng quá tải tại các cơ sở y tế lâm vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn.

Mặc dù chúng ta có vaccine và các phương pháp điều trị tại bệnh viện tốt hơn như dexamethasone, song một dược phẩm an toàn để điều trị COVID-19 tại nhà được coi là "bảo bối" để sống chung với virus.

Dù đã được tiêm vaccine đầy đủ, nhưng sau một thời gian, khả năng miễn dịch bị suy giảm, ngày càng có nhiều người đã được tiêm chủng đầy đủ bị mắc COVID-19, làm tăng nguy cơ lây nhiễm cũng như các di chứng COVID và hội chứng COVID kéo dài.

Molnupiravir sẽ chỉ được kê đơn cho những người có ít nhất một yếu tố nguy cơ phát triển bệnh nghiêm trọng, chẳng hạn như béo phì, tiểu đường hoặc người cao tuổi (trên 60 tuổi).

Thuốc có dạng viên, dễ sử dụng tại nhà và không giống như remdesivir (của Gilead Science) - loại thuốc điều trị khác bằng cách tiêm vào tĩnh mạch và đã được phê duyệt sử dụng tại bệnh viện cho những ca nặng hơn.

Triển khai một liệu pháp điều trị toàn diện là ưu tiên của Chính phủ Anh một phần vì áp lực đối với Dịch vụ Y tế Quốc gia.

Tháng 5/2020, Thủ tướng Boris Johnson đã hứa rằng Anh sẽ sớm tìm ra một vũ khí để “ngăn chặn COVID-19 theo cách của mình”.

Một nhóm đặc nhiệm mới, được mô phỏng theo Đội đặc nhiệm vaccine rất thành công, đã được thành lập để xác định các phương pháp điều trị sẽ được sử dụng.

Tháng trước, Nhóm đặc nhiệm chống COVID đã công bố đạt được thỏa thuận cho 2 phương pháp điều trị mới: 480.000 liệu trình molnupiravir và 250.000 liệu trình điều trị Pfizer bao gồm ritonavir (loại thuốc được sử dụng để điều trị nhiễm HIV) cùng với PF-07321332 (được thiết kế để ngăn chặn hoạt động của một loại enzym quan trọng mà virus cần để nhân lên trong tế bào sống của vật chủ).

Những loại thuốc này cũng mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất. Merck - công ty có kế hoạch sản xuất 20 triệu liều vào năm 2022, ngoài 10 triệu liều trong năm nay - cho biết họ hy vọng molnupiravir sẽ tạo ra doanh thu toàn cầu lên tới 7 tỷ USD vào cuối năm sau (so với 14 tỷ USD doanh thu năm ngoái từ thuốc điều trị ung thư Keytruda và 5 tỷ USD từ thuốc điều trị tiểu đường Januvia) - một khoản lợi nhuận lớn đối với một công ty mà các sản phẩm thương mại của họ liên quan dịch vụ chăm sóc y tế bị ảnh hưởng đáng kể do cuộc khủng hoảng dịch bệnh.

Pfizer kém hơn một chút, dự kiến sản xuất 180.000 liều thuốc vào cuối năm nay, nhưng sẽ tăng lên 50 triệu liều vào cuối năm 2022. Cổ phiếu của công ty này đã tăng 11% trong phiên giao dịch sáng 5/11.

Nếu những phát triển này tạo ra một cơ hội thúc đẩy cho ngành công nghiệp trị liệu nói chung, đó sẽ là một tin tốt. Virus thường xuyên biến đổi; trong số 220 loại virus được biết đến là có thể lây nhiễm sang người, chỉ có khoảng 10 loại kháng virus hiệu quả.

Việc phát minh thuốc điều trị các bệnh truyền nhiễm nói chung không phải là ưu tiên lớn của các hãng dược - điều này không có gì đáng ngạc nhiên do chi phí nghiên cứu và phát triển (ít nhất hơn 1 tỷ USD) và thời gian cần thiết để đưa một loại thuốc mới ra thị trường (khoảng một thập kỷ) khiến chúng trở thành những dự án rủi ro cao và doanh thu thấp.

Xét nghiệm kháng virus cũng đòi hỏi mức độ an toàn sinh học rất cao tại các cơ sở xét nghiệm mà việc xây dựng vốn tốn kém và đòi hỏi đào tạo đáng kể. Chỉ một tỷ lệ nhỏ các loại thuốc được đưa vào thử nghiệm lâm sàng thu hồi được vốn đầu tư ban đầu.

Công việc thường bắt đầu đối với một loại virus đang dần biến mất trước khi đạt được những tiến triển trong nghiên cứu, và do đó, dự án dễ bị bỏ dở. Điều này xảy ra trong đợt bùng phát dịch SARS năm 2003.

Xét về chi phí và thời gian cần thiết để phát triển thuốc kháng virus mới, không ngạc nhiên khi hy vọng tốt nhất cho việc điều trị COVID-19 đến từ các loại thuốc từng được nghiên cứu nhưng rồi bị “bỏ rơi” và hiện được sử dụng lại.

Molnupiravir ban đầu không được coi là loại thuốc dùng để điều trị COVID-19; thuốc này được phát triển bởi công ty phi lợi nhuận Drug Innovation Ventures at Emory (DRIVE) thuộc trường Đại học Emory để điều trị virus viêm não ngựa ở Venezuela. Thuốc điều trị mới của Pfizer được tái sử dụng từ loại thuốc vốn được phát triển trong cuộc khủng hoảng SARS.

Một số ứng cử viên kháng virus hiện đang được phát triển. Đại dịch đã nêu bật tầm quan trọng của chiến lược hỗ trợ thuốc kháng virus phổ rộng thay vì các loại thuốc chỉ tìm cách kháng một loại virus đơn lẻ.

Thuốc điều trị này cũng có thể sẽ giúp ích rất nhiều trong cuộc chiến chống các căn bệnh nghiêm trọng do COVID-19  gây ra ở các nước đang phát triển. Tuần trước, Merck thông báo họ đã ký các thỏa thuận cấp phép tiếp cận rộng rãi loại thuốc này ở 105 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình sau khi được cơ quan quản lý chấp thuận.

Điều này cho phép các phiên bản chung của thuốc được sản xuất, mặc dù phụ thuộc nhiều vào cơ chế thử nghiệm ở các quốc gia đó và các kênh phân phối, vì thuốc phải được sử dụng trong khoảng thời gian nhất trí kể từ khi nhiễm bệnh.

Bất kỳ loại thuốc nào cũng có những rủi ro. Mặc dù Merck tuyên bố loại thuốc này an toàn nếu được sử dụng đúng cách, nhưng một số nhà nghiên cứu cho rằng cần có thêm dữ liệu về mức độ an toàn.

Điều đáng lo ngại là đặc tính “gây đột biến” của hợp chất (thuốc hoạt động bằng cách buộc virus tự đột biến để chống lại chính nó) có thể gây ra thiệt hại cho vật chủ hoặc đẩy nhanh khả năng kháng thuốc của chính virus. Phụ nữ mang thai bị loại khỏi các thử nghiệm, cả nam giới và phụ nữ phải kiêng quan hệ tình dục hoặc sử dụng các biện pháp tránh thai.

Chúng ta đang chờ xem liệu Cơ qua Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) có đồng ý với MHRA hay không; Mỹ đã mua 1,7 triệu liều với giá 1,2 tỷ USD, con số này tính ra là khoảng 700 USD cho một liều điều trị 5 ngày. Thuốc của Pfizer, một chất ức chế protease để ngăn chặn virus nhân lên, có thể dễ được quyết định hơn.

Đối với Anh và bất kỳ quốc gia nào khác cấp phép cho những loại thuốc điều trị mới này, sự cân bằng tinh tế sẽ nằm ở việc đảm bảo rằng tuyến phòng thủ mới này không cản trở việc tiếp nhận các mũi tiêm tăng cường. Những cách này hiệu quả hơn nhiều vì chúng giúp phòng tránh COVID-19 trong hầu hết các trường hợp.

Dù có nhiều điều để ăn mừng về các loại thuốc điều trị và vaccine mới, vẫn tồn tại một loại virus chiếm một phần đáng kể các nguồn lực chăm sóc y tế và chi phí cá nhân của những người bị mắc, vì vậy vẫn cần phải có sự cảnh giác liên tục./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục