Thượng đỉnh Nga - Triều khó thay đổi chính sách của Mỹ về Bình Nhưỡng

14:43' - 26/04/2019
BNEWS Giới chuyên gia cho rằng hội nghị thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 25/4 khó có khả năng làm thay đổi chính sách của Mỹ về Bình Nhưỡng.
Ngày 25/4/2019, tại thành phố Vladivostok, Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên. Ảnh: AFP/ TTXVN

Hội nghị ở đảo Rusky, thành phố Vladivostok, vùng Viễn Đông Nga chủ yếu tập trung vào tháo gỡ bế tắc về chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia láng giềng.

Mặc dù vậy, cuộc gặp cũng được xem là một thông điệp gửi tới Washington rằng Triều Tiên sẽ tìm kiếm sự trợ giúp từ các đối tác khác nếu quốc gia Đông Bắc Á này không đạt được một thỏa thuận với Mỹ.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu cấp cao về Đông Nam Á tại Quỹ Heritage, ông Bruce Klingner nhận định, với động thái hạn chế của Nga, Mỹ có khả năng sẽ không cảm thấy sức ép phải nới lỏng chính sách đối với Bình Nhưỡng.

Từ trước tới nay, Washington luôn khẳng định cần phi hạt nhân hóa Triều Tiên trước tiên, sau đó mới giảm bớt trừng phạt.

Theo chuyên gia trên, Nga dè dặt trong việc đem lại lợi ích kinh tế cho Triều Tiên do những khó khăn kinh tế của chính Moskva và hạn chế từ các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Bình Nhưỡng.

Nga cũng có thể sử dụng quyền phủ quyết trên cương vị ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ để thúc đẩy giảm bớt trừng phạt đối với Bình Nhưỡng, song nỗ lực này sẽ bị Mỹ phản đối.

Ông Klingner cho rằng do tầm ảnh hưởng và hành động khả thi của Nga bị hạn chế, nên hội nghị thượng đỉnh vừa qua có khả năng không gây bất kỳ tác động nào đối với chính sách của Mỹ về Triều Tiên, và ông Kim Jong-un cũng không giành được nhiều ưu thế thương lượng mới nào.

Giám đốc nghiên cứu về Triều Tiên thuộc Trung tâm vì lợi ích quốc gia của Hàn Quốc, Harry Kazianis cũng nhận định cuộc gặp tại đảo Rusky sẽ "không thể thúc đẩy chính quyền Tổng thống Trump hướng đến một quan điểm thỏa hiệp hơn về phi hạt nhân hóa".

Theo chuyên gia này, điều mà nhà lãnh đạo Triều Tiên đạt được thông qua hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Putin là một "màn tuyên truyền" khác đối với trong nước rằng ông được tôn trọng trên vũ đài quốc tế.

Trước đó, ông Kim Jong-un đã tiến hành 4 cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, 3 cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và 2 cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh Nga - Triều vẫn khiến Mỹ quan tâm. Theo học giả Robert Manning tại Hội đồng Thái Bình Dương, qua hội nghị này, ông Kim Jong-un đang tìm cách tăng đòn bẩy đối với Mỹ, tìm cách chấm dứt các biện phạp trừng phạt và mở đường để Nga trợ giúp kinh tế.

Ông cũng có thể tìm cách tạo ra một hướng ngoại giao mới trong vấn đề Triều Tiên tập trung vào Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc, thay vì vào Mỹ.

Chuyên gia trên ghi nhận rằng vấn đề Triều Tiên không thể được giải quyết nếu thiếu sự hợp tác của Nga và Trung Quốc. Hai nước này cũng có thể cung cấp các đảm bảo an ninh đa phương cho Triều Tiên.

Tuy nhiên, ông Manning nhấn mạnh rằng trong mọi trường hợp, hội nghị thượng đỉnh Nga - Triều "đã cho thấy sự cần thiết của các cuộc đàm phán chuyên viên cao cấp giữa Mỹ và Triều Tiên"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục