Thương hiệu quốc gia - bước phát triển cho doanh nghiệp Việt

16:11' - 24/11/2020
BNEWS Trong bảng xếp hạng 100 Thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2019, Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 247 tỷ USD, tăng 12 tỷ USD so với 235 tỷ USD năm 2018 và xếp hạng thứ 42.

Trong những năm gần đây, thứ hạng của Thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện, thăng hạng một cách đáng kể trên bảng xếp hạng thế giới.

Những kết quả tích cực này là nhờ những giải pháp của Chính phủ về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ xuất nhập khẩu và hơn cả là sự nỗ lực của doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu.

Điều này đã giúp các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia gây dựng được niềm tin của người tiêu dùng Việt và các doanh nghiệp đối tác nước ngoài.

Liên tục được cải thiện

Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2003, giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành thực hiện.

Thông tin từ Brand Finance cho thấy, trong bảng xếp hạng 100 Thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2019, Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 247 tỷ USD, tăng 12 tỷ USD so với con số 235 tỷ USD năm 2018 và xếp hạng thứ 42.

Hơn nữa, trong 3 năm trở lại đây thứ hạng của Thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện, tăng 8 bậc và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh nhờ nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ; trong đó có sự đóng góp đáng kể của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam (Vietnam Value).

Theo ông Huỳnh Hữu Thiện, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Minh Hưng (Tiền Giang), khi xác định tham gia Chương trình Thương hiệu quốc gia, Công ty đã phải nhờ sự hỗ trợ và tư vấn từ các chuyên gia trong nước và nước ngoài nhằm học hỏi kinh nghiệm và phổ cập cho các nhân viên về quy trình kiểm soát chất lượng.

Chính vì vậy, sản phẩm của Minh Hưng Group đã chiếm được ưu thế rất lớn và lòng tin của người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm của công ty đã xuất khẩu sang Trung Quốc và gần đây nhất sản phẩm màn của công ty đã được xuất sang châu Phi theo đơn đặt hàng của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF).

Ông Tô Quang Nam, Giám đốc Marketing, Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood cũng cho rằng, Thương hiệu quốc gia ngày càng thúc đẩy mạnh thương hiệu Việt. Vì vậy, khi công ty đạt danh hiệu này, uy tín ngày càng được khẳng định và lan toả mạnh mẽ hơn không chỉ ở thị trường trong nước mà cả với đối tác nước ngoài.

Tuy nhiên, để đạt được danh hiệu này, công ty đã rất nỗ lực trong hơn nửa năm để hoàn thành khâu kiểm duyệt với nhiều tiêu chí được hoàn thành. Đây là điểm khác biệt so với những danh hiệu hay giải thưởng mà trước kia công ty đã từng tham gia.

Không những thế, thông qua Chương trình Thương hiệu quốc gia, công ty đã có thêm cơ hội giao lưu với các doanh nghiệp uy tín, mở rộng thị phần ra nước ngoài và vị thế ngày càng được nâng cao.

Nhận định về Chương trình này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải – Phó Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia nhấn mạnh, đây là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm.

Vì thế, việc tham gia Chương trình là một quá trình để doanh nghiệp đánh giá toàn diện các hoạt động, kết quả sản xuất/ kinh doanh và chiến lược xây dựng thương hiệu thông qua hệ thống tiêu chí của Chương trình; từ đó khuyến khích các doanh nghiệp chia sẻ và theo đuổi các giá trị cốt lõi của chương trình, đó là Chất lượng - Đổi mới, Sáng tạo - Năng lực tiên phong.

Qua gần 17 năm hình thành và phát triển, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt được những thành quả tích cực, thu hút được sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín đối với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, Chương trình còn nhằm tôn vinh các thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp tiêu biểu đại diện cho Thương hiệu quốc gia Việt Nam, góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có hàng hóa và dịch vụ chất lượng và có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, đây không phải là giải thưởng mà việc lựa chọn các thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam chỉ là sự khởi đầu để các doanh nghiệp trở thành đối tác của chương trình.

Tuy Nhà nước không làm thay cho doanh nghiệp nhưng sẽ đứng ra bảo trợ cho các thương hiệu sản phẩm có chất lượng và uy tín nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam tạo chỗ đứng vững vàng trên thị trường trong nước, đẩy mạnh phát triển thương hiệu của mình ra thế giới.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú, Trưởng ban Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia cho hay, nếu như đầu những năm 2000, thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam chưa được xuất hiện trong bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế thì đến năm 2019, tổng giá trị của các thương hiệu hàng đầu đạt gần 10 tỷ USD; trong đó phần lớn là các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia.

Đáng lưu ý, kỳ xét chọn sản phẩm năm nay diễn ra trong hoàn cảnh dịch COVID-19 bùng phát phức tạp và khó lường, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng, trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và thương mại của các doanh nghiệp. Dù vậy, Chương trình vẫn nhận được sự hưởng ứng, quan tâm tích cực của trên 1.000 doanh nghiệp trong cả nước nộp hồ sơ và đăng ký.

Khẳng định vị thế

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng có những hạn chế nhất định về cơ chế, chính sách cũng như việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương, nguồn lực, nhận thức về ý nghĩa và vai trò của thương hiệu.

Theo nhận định từ các chuyên gia, các doanh nghiệp hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức bởi quy mô nhỏ, đơn lẻ cũng như vấn đề chất lượng, an toàn; năng lực chế biến; khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu...Ngoài ra, việc kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất và thương mại hiện nay còn rất hạn chế do yếu và thiếu năng lực phát triển thương hiệu.

Các chuyên gia cũng chỉ ra điểm yếu trong kết nối của doanh nghiệp Việt là thời gian và nguồn lực cho kết nối nên cần có chiến lược để xây dựng thương hiệu.

Chia sẻ về xây dựng thương hiệu, bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát bày tỏ, để khẳng định thương hiệu cần sự hợp tác từ phía các nhà cung ứng. Bởi việc xây dựng thương hiệu là cả quá trình dài, chẳng hạn như riêng việc xây dựng công nghệ chiết vô trùng và biến công nghệ này thành xu thế ở Việt Nam, Tập đoàn Tân Hiệp Phát cũng phải mất 10 năm.

Ông Vũ Bá Phú chia sẻ, Quyết định mới ban hành của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, Chương trình sẽ tập trung xây dựng và phát triển Thương hiệu Việt Nam gắn với các giá trị tích cực, nổi trội của thương hiệu sản phẩm với các mục tiêu cụ thể.

Theo đó thực hiện có hiệu quả chương trình trên cơ sở thống nhất, đồng bộ với chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; kim ngạch xuất khẩu của nhóm sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt mức tăng cao hơn mức tăng bình quân cả nước.

Ngoài ra, Chương trình đang hướng đến mục tiêu trên 1.000 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam; mỗi năm tăng 10% số lượng doanh nghiệp được vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới.

Cùng với đó, 90% số lượng doanh nghiệp trên cả nước có nhận thức về vai trò của thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư; 100% sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam được quảng bá trong nước và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa các mục tiêu Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu.

Đặc biệt, hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực xây dựng, quản trị và phát triển thương hiệu; tuyên truyền về Chương trình Thương hiệu quốc gia và các thương hiệu sản phẩm tiêu biểu của doanh nghiệp đại diện cho thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, so với năm 2018, năm nay cả nước đã có thêm 27 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Đây là minh chứng cho sức hút và tầm ảnh hưởng của chương trình đối với doanh nghiệp trong việc xúc tiến xuất nhập khẩu sản phẩm hàng hóa và dịch vụ cũng như phát triển thị trường nội địa.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, Chương trình sẽ tập trung xây dựng và phát triển Thương hiệu Việt Nam gắn với các giá trị tích cực, nổi trội của thương hiệu sản phẩm với các mục tiêu cụ thể.

Do vậy, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức có liên quan thực hiện các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm đáp ứng hệ thống tiêu chí Thương hiệu quốc gia Việt Nam; xây dựng và bảo vệ thương hiệu; đẩy mạnh các hoạt động thông tin, truyền thông cho chương trình ở trong và ngoài nước.

“Bộ Công Thương tin tưởng rằng việc đổi mới chính sách của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam sẽ tạo ra những bước phát triển mới cho chương trình, qua đó hình ảnh và Thương hiệu quốc gia Việt Nam ngày càng vững mạnh, chiếm lĩnh vị trí cao trên thị trường quốc tế”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục