Thương hiệu "vang bóng một thời" Cao su Sao Vàng làm ăn ra sao?
Cao su Sao Vàng là “tên tuổi” quen thuộc với người Việt Nam. Trải qua những biến động thời cuộc, sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng (mã chứng khoán: SRC) với các sản phẩm săm lốp xe “huyền thoại” vẫn tồn tại và đã có thêm những chủ nhân mới từ hoạt động thoái vốn nhà nước.
*Lợi nhuận sụt giảm
Từng là doanh nghiệp dẫn đầu ngành công nghiệp cao su thành phẩm, nhưng đối mặt với sức cầu của thị trường yếu, xu hướng tiêu dùng chuyển sang sử dụng lốp Radial, sản phẩm của Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng chịu sự cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp cùng ngành cũng như hàng nhập khẩu, khiến Cao su Sao Vàng đã không giữ được ưu thế của mình và kinh doanh tuột dốc.
Thực tế, từ năm 2013, doanh thu của Cao su Sao Vàng thường xuyên duy trì ổn định trong khoảng 900-1000 tỷ đồng.
Dù có doanh thu gần nghìn tỷ đồng, nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp này khá thấp. Năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của công ty đạt lần lượt 915,2 tỷ đồng và 38,2 tỷ đồng. So với kế hoạch đề ra, SRC mới chỉ hoàn thành 45,8% kế hoạch doanh thu và 38,2% kế hoạch lợi nhuận.
Tính chung 9 tháng năm2023, Cao su Sao Vàng ghi nhận doanh thu thuần đạt 709 tỷ đồng, nhích nhẹ 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lãi trước thuế chỉ là 22 tỷ đồng, giảm đến 55% so với nửa đầu năm ngoái.
Năm 2023, Cao su Sao Vàng đặt mục tiêu doanh thu đạt 2.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng, lần lượt gấp 2,1 lần và 2,6 lần con số thực hiện năm 2022.
Tuy nhiên, với kết quả đạt được trong 9 tháng, Cao su Sao Vàng mới thực hiện hơn 35% kế hoạch doanh thu và 22% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.
Thực tế, dù là một trong những doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm săm lốp đầu tiên của Việt Nam với sản phẩm đa dạng, gồm săm lốp máy bay, ô tô, xe máy, xe đạp…, nhưng sức cạnh tranh của doanh nghiệp đi xuống theo thời gian.
Theo Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng, thị trường săm lốp ô tô của doanh nghiệp gặp khó khăn do lốp nội địa tăng giá, trong khi hàng Trung Quốc, đặc biệt là Chengshin, Maxxis không tăng giá.
Lốp xe máy không săm dần thay thế lốp có săm, công ty đã sản xuất lốp không săm nhưng chủng loại chưa đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Rào cản kỹ thuật làm giảm sản lượng xuất khẩu do công ty chưa được cấp chứng nhận chất lượng GSO để xuất khẩu sang các nước Trung Đông.
Sản phẩm của doanh nghiệp không những phải cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan…, mà còn phải cạnh tranh rất khốc liệt với các doanh nghiệp trong nước như Công ty cổ phần Cao su Miền Nam (mã chứng khoán: CSM) và Công ty cổ phần Cao su Ðà Nẵng (mã DRC).
Bên cạnh đó, xu hướng chuyển đổi lốp ô tô từ bias sang radial đã diễn ra rất nhiều năm, nhưng công ty chưa sản xuất được dòng sản phẩm này.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Cao su Ðà Nẵng đã đưa nhà máy sản xuất lốp radial quy mô lớn từ năm 2013 và Công ty cổ phần Cao su Miền Nam đã khánh thành nhà máy sản xuất lốp radial toàn thép đầu tiên từ năm 2014.
Mới đây, Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng có Báo cáo về thay đổi sở hữu của cổ đông lớn nắm giữ từ 5% vốn cổ phần trở lên.
Cụ thể, Tập đoàn Hoành Sơn đã mua 7,2 triệu cổ phiếu SRC từ ngày 29/11 đến 1/12, nâng sở hữu lên thành 14 triệu đơn vị, tương đương 50,22% vốn. Sau giao dịch, Tập đoàn Hoành Sơn đã trở thành cổ đông lớn nhất tại SRC. Hiện, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) chỉ còn sở hữu 36% vốn tại doanh nghiệp này.
Tập đoàn Hoành Sơn thành lập năm 2001, hoạt động đa ngành nghề như thương mại xi-măng, quặng; xây dựng và đầu tư; dịch vụ đường biển; khai thác tàu biển, các tuyến vận tải hàng hóa đường bộ từ các nước lân cận như Lào, Indonesia; khai thác đá, cát, sỏi, đất sét; sản xuất phân bón; điện Mặt Trời...
Tập đoàn này là chủ đầu tư của hàng loạt dự án ở khu vực miền Trung như Hệ thống cấp nước cho Khu Kinh tế Vũng Áng, Cảng biển quốc tế Hoành Sơn, dự án Điện Mặt trời ở huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh)...
Hiện nay, ông Phạm Hoành Sơn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoành Sơn đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng.
Trước đó, Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã thoái 15% vốn tại Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng vào năm 2019.
Năm 2016, SRC lựa chọn Tập đoàn Hoành Sơn để cùng thực hiện dự án “Tổ hợp Thương mại và Nhà ở Sao Vàng – Hoành Sơn" tại 231 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân – Hà Nội). Đồng thời, Tập đoàn Hoành Sơn hỗ trợ kinh phí để Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng di dời Nhà máy với số tiền 435 tỷ đồng.
Thời điểm này, pháp nhân dự án được lập ra là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sao Vàng – Hoành Sơn với vốn điều lệ tại thời điểm lập là 100 tỷ đồng; trong đó, Tập đoàn Hoành Sơn góp 74%, còn Cao su Sao Vàng góp 26% vốn, bằng chính nguồn vốn vay của Tập đoàn Hoành Sơn.
Tuy nhiên, việc di dời nhà máy ra Hà Nam đã bị Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng dừng lại theo Nghị quyết số 114 được HĐQT ban hành ngày 15/6/2020 và "Tổ hợp thương mại và nhà ở Cao su Sao Vàng - Hoành Sơn" cũng "đóng băng". Ngày 30/6/2023, Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng ghi nhận khoản đầu tư có giá trị ghi sổ 130 tỷ đồng vào Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sao Vàng – Hoành Sơn.
Ngày 4/3/2020, Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng công bố nghị quyết của HĐQT về việc góp vốn để thành lập Công ty cổ phần Sao Vàng - Hoành Sơn với vốn điều lệ 500 tỷ để đầu tư xây dựng nhà máy săm lốp Cao su Sao Vàng tại Hà Tĩnh.
Nhà máy sản xuất chính của Công ty cổ phần Cao su Sao vàng hiện vẫn ở số 231 Nguyễn Trãi, có diện tích khoảng 62.000 m2, sản xuất với công nghệ cũ từ nhiều năm trước.
Hơn 7 năm trước, nhà máy nằm trong kế hoạch di dời ra khỏi nội đô Hà Nội vì ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhưng đến nay vẫn chưa có động thái di dời cụ thể. Khu đất 231 Nguyễn Trãi của Công ty cổ phần Cao su Sao vàng đã được dùng để góp vốn với Tập đoàn Hoành Sơn triển khai dự án bất động sản tại đây.
*Quá khứ huy hoàng
Ngày 7/10/1956, xưởng đắp và săm lốp ô tô được thành lập tại số 2 Đặng Thái Thân và bắt đầu hoạt động vào tháng 11/1956. Đến đầu năm 1960, xưởng sáp nhập vào Nhà máy cao su Sao Vàng, đây là tiền thân của Nhà máy Cao su Sao Vàng Hà Nội về sau.
Trong kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế 3 năm (1598- 1960), Đảng và Chính phủ đã phê duyệt phương án xây dựng khu công nghiệp Thượng Đình gồm 3 nhà máy: Cao su- Xà phòng- Thuốc lá Thăng Long. Công trường được khởi công xây dựng ngày 22/12/1958 và được Bác Hồ về thăm ngày 24/2/1959.
Sau hơn 13 tháng, việc xây dựng nhà xưởng, lắp đặt thiết bị, đào tạo cán bộ, công nhân cơ bản hoàn thành. Ngày 6/4/1960, Nhà máy sản xuất thử những sản phẩm săm, lốp xe đạp đầu tiên với nhãn hiệu “Sao Vàng”. Từ đó, nhà máy mang tên Nhà máy Cao su Sao Vàng Hà Nội.
Ngày 23/5/1960, nhà máy làm lễ cắt băng khánh thành, lấy ngày này làm ngày truyền thống, ngày kỷ niệm thành lập hằng năm. Đây là một xí nghiệp quốc doanh lớn nhất, lâu đời nhất và duy nhất sản xuất săm, lốp ô tô, là doanh nghiệp đầu ngành công nghiệp chế tạo các sản phẩm cao su của Việt Nam.
Năm 1960 là năm thứ nhất nhà máy nhận kế hoạch nhà nước giao và đã hoàn thành các chỉ tiêu với giá trị tổng sản lượng gần 2,5 triệu đồng. Các sản phẩm chủ yếu khi đó gồm lốp xe đạp 93.664 chiếc, săm xe đạp 38.388 chiếc.
Năm 1992, Nhà máy đổi tên thành Công ty Cao su Sao Vàng theo Quyết định số 645/CNNG của Bộ Công nghiệp nặng. Ngày 3/4/2006, Công ty Cao su Sao Vàng chuyển thành Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng và bắt đầu niêm yết trên HoSE kể từ năm 2009. Sau nhiều lần tăng vốn, công ty có vốn điều lệ khoảng 280 tỷ đồng.
Sản phẩm kinh doanh chính là cao su, xuất nhập khẩu máy móc, hóa chất... với địa bàn chính ở Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và xuất khẩu các nước Angola, Đông Nam Á, Mỹ... nhờ có các thiết bị mới nên ngoài những sản phẩm truyền thống, công ty đã chế tạo thành công lốp máy bay dân dụng TU – 134 (930×305), IL18 và quốc phòng MIG – 21 (800×200); lốp ôtô cho xe vận tải có trọng tải lớn (từ 12 tấn trở lên) và nhiều sản phẩm cao su kỹ thuật cao cấp khác. Công ty cũng chính thức được cấp chứng chỉ ISO 9002 của Tập đoàn BVQI, Vương quốc Anh.
Thập niên 90 thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đạt hiệu quả cao với doanh thu lớn so với các doanh nghiệp cùng ngành.Các khoản nộp ngân sách nhà nước năm sau cao hơn năm trước. Doanh nghiệp luôn được công nhận là đơn vị thi đua xuất sắc và được tặng nhiều cờ, bằng khen của cơ quan cấp trên; được Đảng và Nhà nước khen tặng nhiều huân chương cao quý./.
Tin liên quan
-
Chứng khoán
Năm 2021, Cao su Sao Vàng đặt kế hoạch lãi trước thuế tăng 20%
08:55' - 30/12/2020
Hội đồng quản trị CTCP Cao su Sao Vàng (mã: SRC) đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021 với doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh.
-
Chứng khoán
Xử phạt hơn 1,6 tỷ đồng tiền vi phạm thuế đối với Cao su Sao Vàng
15:42' - 15/12/2020
Tổng cục Thuế vừa ban hành Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế qua kiểm tra chấp hành pháp luật thuế đối với Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng (mã chứng khoán: SRC).
Tin cùng chuyên mục
-
Phân tích doanh nghiệp
Hành lang pháp lý đặt ra luật chơi mới trên thị trường bất động sản
14:29'
Hành lang pháp lý đặt ra luật chơi mới, mang đến nhiều thay đổi lớn đối với thị trường bất động sản nhà ở và yêu cầu sự thích ứng từ các chủ đầu tư.
-
Phân tích doanh nghiệp
Thách thức vẫn chờ doanh nghiệp cảng biển
11:29' - 04/12/2024
Giới phân tích nhận định: Bên cạnh những yếu tố tích cực vẫn còn những bất ổn từ tình hình vĩ mô thế giới mà doanh nghiệp cảng biển sẽ phải đối mặt.
-
Phân tích doanh nghiệp
Vinamilk: Từ thương hiệu sữa “quốc dân” đến giá trị tỷ đô trong top 10 thế giới
17:10' - 03/12/2024
Tính từ lần đầu tiên được vinh danh Thương hiệu Quốc gia năm 2010 đến nay, Vinamilk đã phát triển số thị trường xuất khẩu của mình từ 42 lên đến 62 quốc gia.