Thương vụ "khủng" của ngành ô tô toàn cầu và những kỳ vọng

06:30' - 28/12/2024
BNEWS Honda là hãng sản xuất ô tô lớn thứ 2 của Nhật Bản, trong khi Nissan là hãng lớn thứ 3. Nếu kết hợp lại, đây sẽ là tập đoàn ô tô lớn thứ 3 thế giới xét theo doanh số bán xe.
Theo báo Japan Times, triển vọng sáp nhập của hai “gã khổng lồ” xe ô tô Honda và Nissan kỳ vọng sẽ tạo ra tập đoàn ô tô lớn thứ 3 thế giới, mang lại lợi ích lớn cho ngành ô tô Nhật Bản. Tuy nhiên, Japan Times đặt câu hỏi, liệu sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc có gây ra sự cản trở đối với kế hoạch này hay không?

Ngày 23/12, hai nhà sản xuất ô tô Nhật Bản cho biết họ đã đồng ý bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức về việc sáp nhập. Mặc dù kết quả chưa chắc chắn, nhưng các nhà đàm phán đặt mục tiêu hoàn tất thỏa thuận vào tháng 8/2026. Trong khi đó, đối tác nhỏ hơn của Nissan là Mitsubishi Motors sẽ quyết định xem họ có tham gia hay không vào tháng 1/2025.

Hai nhà sản xuất ô tô hàng đầu Nhật Bản đang nhắm tới mục tiêu đạt được hiệu quả hiệp lực hơn 1.000 tỷ yen (6,4 tỷ USD) giá trị tài sản, bằng cách tận dụng nền tảng chung, nghiên cứu và phát triển (R&D) và cả hệ thống mua sắm chung. Mục tiêu lợi nhuận hoạt động của công ty mới, nếu kế hoạch sáp nhập thành công, là hơn 3.000 tỷ yen, tương đương mức tăng 54% so với kết quả chung của năm 2023.

 
Phát biểu tại một cuộc họp báo chung ngày 23/12, Giám đốc điều hành (CEO) của Honda, ông Toshihiro Mibe cho rằng, hiệu ứng toàn diện của sự hiệp lực có thể sẽ không được nhận thấy cho đến sau năm 2030 và cả Honda lẫn Nissan đều cần xây dựng năng lực để cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc đang ngày càng mạnh lên, hoặc phải đối mặt với việc bị đánh bại.

Các nhà phân tích đặt câu hỏi liệu hai “gã khổng lồ” ngành xe hơi của Nhật Bản có nhiều thời gian để thực hiện kế hoạch hay không? Rào cản lớn nhất trước mắt đối với cả hai có thể là dòng sản phẩm của họ. Cả hai đều không đặc biệt mạnh về xe điện (EV). Nissan, mặc dù là người tiên phong với mẫu xe điện Leaf, nhưng sau đó đã vấp ngã. Một chiếc EV mới, Ariya, được cho là sẽ thách thức Model Y của Tesla nhưng đã bị cản trở bởi các vấn đề về sản xuất.

Khác với Nissan, Honda tập trung nhiều hơn vào xe hybrid (xe lai, có thể chạy bằng điện và xăng), và hãng cung cấp các mẫu xe này tại Mỹ, nơi nhu cầu về những chiếc xe loại này đang tăng vọt.

Nhà phân tích cấp cao Vincent Sun tại Morningstar cho biết: “Cả hai công ty đều thiếu những sản phẩm xe điện hấp dẫn và việc kết hợp vẫn sẽ phải đối mặt với thách thức về dây chuyền sản xuất xe điện mới cũng như hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ”. Một nền tảng xe tiêu chuẩn sẽ tạo ra sự kết hợp về chi phí, nhưng điều đó cũng cần thời gian để phát triển. Theo nhà phân tích Sun, “có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến” để điều chỉnh hoạt động kinh doanh.

Tại Trung Quốc, sự chuyển dịch sang ô tô điện đã khiến người tiêu dùng tập trung sự quan tâm vào các tính năng do phần mềm điều khiển và trải nghiệm kỹ thuật số bên trong ô tô, những lĩnh vực mà các nhà sản xuất Trung Quốc làm tốt nhất. BYD và các thương hiệu khác của Trung Quốc đã vượt qua các nhà sản xuất ô tô truyền thống, tung ra các loại xe điện và xe hybrid được trang bị phần mềm tiên tiến. Đáng chú ý, cả Honda và Nissan đều để mất thị phần tại Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới.

Honda đã báo cáo lợi nhuận quý III/2024 giảm 15% và buộc phải cắt giảm lực lượng lao động tại Trung Quốc. Trong khi đó, Nissan đã công bố kế hoạch cắt giảm 9.000 việc làm trên toàn cầu và năng lực sản xuất giảm 20% do doanh số bán hàng sụt giảm ở cả Trung Quốc và Mỹ.

Chuyên gia Dean Enjo, một nhà phân tích cấp cao tại hãng xếp hạng tín dụng Moody's Ratings, đã viết trong một lưu ý gửi khách hàng rằng việc xoay chuyển hoạt động kinh doanh quy mô lớn của hai nhà sản xuất ô tô Nhật Bản tại Trung Quốc sẽ kéo theo “rủi ro đáng kể”.

Cả Honda và Nissan hiện đều tập trung vào thị trường Mỹ và Nhật Bản. “Sự chồng chéo đáng kể” đó có nghĩa là việc sáp nhập sẽ không mang lại lợi ích lớn về mặt đa dạng hóa địa lý, ông Enjo cho biết. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, việc hợp nhất có thể giúp họ vượt qua mọi tác động tiềm ẩn từ thuế nhập khẩu dưới thời ông Donald Trump.

Honda là hãng sản xuất ô tô lớn thứ 2 của Nhật Bản, trong khi Nissan là hãng lớn thứ 3. Nếu kết hợp lại, đây sẽ là tập đoàn ô tô lớn thứ 3 thế giới xét theo doanh số bán xe, sau Toyota và Volkswagen.

Vụ sáp nhập này cũng sẽ là sự thay đổi lớn nhất trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu kể từ khi Fiat Chrysler Automobiles và PSA sáp nhập vào năm 2021 để tạo ra Stellantis trong một thỏa thuận trị giá 52 tỷ USD.

Quy mô của thỏa thuận nêu bật mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa từ các đối thủ Trung Quốc - đặc biệt là khi họ đang thâm nhập vào các khu vực như Đông Nam Á, nơi các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản từng thống trị.

Đối với Nhật Bản, mối đe dọa đối với ngành công nghiệp ô tô cũng chính là mối đe dọa đối với mạch máu kinh tế của nước này. Ảnh hưởng của Nhật Bản trong các ngành công nghiệp từng là then chốt toàn cầu, như điện tử tiêu dùng và chất bán dẫn (chip) đã suy yếu theo thời gian./.

Xuân Giao (P/v TTXVN tại Tokyo)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục