Thủy điện Cảnh Hồng giảm xả nước bắt đầu tác động tới Việt Nam
Việc đập thủy điện Cảnh Hồng (Jing Hong) ở thượng nguồn sông Mê Kông giảm xả nước từ ngày 1 – 4/1/2020 đã chính thức có tác động đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam từ hôm nay, 22/1, theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam.
Thông báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết, việc vận hành đập thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) trong năm ngày đầu tháng 1/2020 đã có tác động đến dòng chảy từ thượng nguồn xuống hạ lưu sông Mê Kông.
Theo đó, lưu lượng nước xả ra từ đập thủy điện Cảnh Hồng xuống hạ lưu giảm 800 – 1.000 m3/giây vào các ngày từ 1/1 đến 3/1/2020 và thấp nhất trong ngày 4/1/2020 là 504 - 800 m3/giây, trước khi duy trì vận hành bình thường trở lại.
Do ảnh hưởng của việc giảm xả nước từ đập thủy điện Cảnh Hồng, lưu lượng nước bình quân tháng 1/2020 qua trạm Kratie (Campuchia) trên sông Mê Kông về Đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn 2.886 m3/giây, giảm gần phân nửa so với năm 2018.
Mực nước đo được tại trạm Kratie ngày 16/1 là 7,34 m, thấp hơn cùng thời điểm năm 2018 là 1,32 m và chỉ cao hơn 0,13 m so với cùng thời điểm năm 2016 – năm xảy ra đợt hạn mặn lịch sử ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Tác động của việc giảm xả nước từ đập thủy điện Cảnh Hồng đã về đến biên giới Việt Nam tại Tân Châu và Châu Đốc (tỉnh An Giang) từ ngày hôm nay, 22/1, và sẽ ảnh hưởng ra các vùng ven biển của Đồng bằng sông Cửu Long đến hết ngày 28/1/2020.
So với cùng kỳ thì mực nước các trạm đầu nguồn Tân Châu và Châu Đốc hiện thấp hơn trung bình nhiều năm 0,17 - 0,23m. Và dù đang ảnh hưởng của kỳ triều cường nhưng mực nước các trạm Cần Thơ và Mỹ Thuận cũng thấp hơn trung bình nhiều năm 0,04 - 0,1m. Mặn được dự báo sẽ xâm nhập sâu vào nội đồng của vùng.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ), việc tích nước của đập Cảnh Hồng diễn ra vào đúng thời điểm hạn hán đang hoành hành ở khu vực hạ lưu sông Mê Kông. Điều này sẽ khiến tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2020 - được dự báo là rất nghiêm trọng sẽ càng gay gắt hơn.
Dựa vào đặc điểm nguồn nước như hiện nay, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đưa ra dự báo nguồn nước cho 3 khu vực của Đồng bằng sông Cửu Long như sau: đối với vùng thượng của Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm phần đất tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và Thành phố Cần Thơ, thì đầu nước thấp, khó khăn cho bơm tát ở các vị trí xa kênh trục.
Vùng giữa Đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm phần đất thuộc thành phố Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, thì đề phòng mặn xâm nhập sâu như đợt tháng 12/2019 vừa qua; các địa phương cần chủ động các biện pháp chống hạn, mặn và tích trữ nước.
Đối với vùng ven biển, bao gồm ven biển các tỉnh Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang mặn lịch sử có thể xảy ra nên cần chủ động các biện pháp chống hạn, mặn và cấp nước sinh hoạt từ bây giờ; chủ động các biện pháp trữ nước trước khi các ảnh hưởng gia tăng, từ ngày 22 đến 28/1/2020.
Trước tình hình trên, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam khuyến cáo, đối với vùng thượng Đồng bằng sông Cửu Long thì nguồn nước đến hiện tại được xem là có khó khăn do đầu nước thấp nên cần chủ động điều tiết nước và bơm tát, thực hiện các giải pháp cấp nước cho các vùng núi cao thuộc các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên của tỉnh An Giang.
Đối với vùng giữa, cần đề phòng ảnh hưởng mặn xâm nhập sâu do lưu lượng nước về thấp, khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả; giảm một phần diện tích các vùng ven biển nơi chưa đảm bảo nguồn nước; chủ động các giải pháp bơm trữ gạn ngọt khi triều thấp, chủ động trữ nước cho các tuần trước triều cường ở các thời kỳ khan hiếm nước.
Còn ở các tỉnh khu vực ven biển, nguồn nước ngọt có nguy cơ bị thiếu hụt cao, xâm nhập mặn dự báo tại các cửa sông Cửu Long có khả năng cao ngay ở tháng 1 và 2/2020.
Với các diễn biến dòng chảy cập nhật về đồng bằng đến hiện nay, khả năng xảy ra hạn mặn như năm hạn mặn 2016 là rất lớn. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn cho sản xuất các địa phương cần chủ động các giải pháp phòng chống hạn mặn từ bây giờ.
Cùng với đó, vận hành hệ thống công trình hợp lý, tăng cường khả năng lấy nước ngay khi có thể và hạn chế tiêu thoát và kiểm soát mặn ở các hệ thống thủy lợi, đảm bảo tích trữ nước trước khi các ảnh hưởng gia tăng từ thượng nguồn về.
Ngoài ra, tăng cường giám sát mặn, cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên để điều chỉnh kế hoạch phù hợp với các diễn biến nguồn nước.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, khi nồng độ mặn dưới 0,5g/lít thì mới được tưới cho cây trồng, gồm cả cây lúa và cây ăn trái, dù ở bất cứ giai đoạn nào.
Do đó, ông Lê Thanh Tùng đề nghị nông dân hết sức chú ý, thường xuyên theo dõi các thông báo về chất lượng nước trên các phương tiện thông tin trước khi tưới tiêu để đảm bảo an toàn.
Riêng cây lúa, ở những diện tích đã xuống giống, nông dân cần cân đối nguồn nước trong các kênh mương, cố gắng tích trữ nước tối đa để có thể đủ cung cấp cho ruộng của mình. “Trong trường hợp nước mặn đến mức không thể tưới được nữa thì người dân nên để cây chịu hạn vài ngày, có thể vượt qua được chứ không đến nỗi chết vì nhiễm mặn” - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng khuyến cáo./.
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Tham vấn về Dự án thủy điện Pắc – Beng của Lào trên dòng chính sông Mê Kông
21:51' - 12/05/2017
Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến các chuyên gia và các tỉnh, thành khu vực phía Nam về Dự án thủy điện Pắc - Beng của Lào trên dòng chính sông Mê Kông.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng yêu cầu Bộ TNMT báo cáo về việc phù sa sông Mê Kông bị chặn
07:00' - 31/03/2017
Thủ tướng vừa yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam báo cáo về thông tin có đến 95% lượng phù sa sông Mekong (Mê Kông) sẽ bị chặn bởi các đập thủy điện.
-
Kinh tế Việt Nam
Chia sẻ lợi ích lưu vực sông Mê Kông-Bài 1: Đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các quốc gia
15:52' - 03/03/2016
Hiện nay, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra ngày càng khốc liệt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.
-
Kinh tế Việt Nam
Chia sẻ lợi ích lưu vực sông Mê Kông-Bài 2: Đê nuôi dưỡng Đồng bằng sông Cửu Long
15:52' - 03/03/2016
Lưu vực sông Mê Kông có tiềm năng to lớn về thủy điện, nguồn lợi thủy sản, đất đai, thảm thực vật, động vật phong phú.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế & Xã hội
Brazil sẽ đánh chìm tàu sân bay 60 tuổi không còn hoạt động
18:25'
Hải quân Brazil ngày 1/2 thông báo sẽ đánh chìm tàu sân bay Sao Paulo có từ những năm 1960 và hiện không còn hoạt động.
-
Kinh tế & Xã hội
Các điểm du lịch hút khách nhờ sản phẩm mới
15:05'
Khoảng 9 triệu lượt khách nội địa đã đi du lịch trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
-
Kinh tế & Xã hội
Sự khác biệt giữa ChatGPT và Google
14:35'
ChatGPT, hộp trò chuyện được ưa thích do OpenAI của Mỹ phát triển, ước tính có 100 triệu người dùng hàng tháng trong tháng 1/2023, trở thành ứng dụng tăng trưởng nhanh nhất trong lịch sử.
-
Kinh tế & Xã hội
ChatGPT có đăng ký và sử dụng được ở Việt Nam?
14:00'
ChatGPT khiến nhiều người tò mò phải tìm hiểu thông tin về công cụ này, cũng như tìm cách đăng ký ChatGPT, cài đặt ChatGPT và học cách sử dụng ChatGPT.
-
Kinh tế & Xã hội
Lễ rước Mộc bản theo nghi thức Phật giáo có quy mô lớn nhất Việt Nam
13:04'
Sáng 2/2, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Lễ khai hội Xuân Tây Yên Tử và khai mạc Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2023 với chủ đề “Linh thiêng Tây Yên Tử”.
-
Kinh tế & Xã hội
Saudi Arabia giành quyền đăng cai Asian Cup 2027
12:31'
Ngày 1/2, Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đã chọn Saudi Arabia là quốc gia đăng cai Vòng chung kết Giải vô địch bóng đá châu Á (Asian Cup) 2027.
-
Kinh tế & Xã hội
Điều kiện thời tiết khắc nghiệt tiếp diễn tại miền Bắc Nhật Bản
11:13'
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cảnh báo các khu vực tại miền Bắc Nhật Bản có gió rất mạnh và tuyết rơi dày từ tối 1/2 đến hết ngày 2/2, do điều kiện khí quyển mất ổn định nghiêm trọng.
-
Kinh tế & Xã hội
ChatGPT là gì?
10:32'
ChatGPT là từ khóa được tìm kiếm và quan tâm hiện nay. Tuy nhiều người đã tiếp xúc với công nghệ AI này. Nhưng nhiều người chưa biết ChatGPT là gì cũng như tiềm năng và sức mạnh của công cụ này.
-
Kinh tế & Xã hội
Lịch thi đấu lượt đi vòng 1/8 Cúp C1 châu Âu (Champions League)
09:53'
Lượt đi vòng 1/8 Cúp C1 châu Âu (Champions League) sẽ diễn ra với nhiều cặp đấu hấp dẫn như Liverpool vs Real Madrid, PSG vs Bayern Munich, AC Milan vs Tottenham.