Thuỷ sản Vĩnh Hoàn: Nắm bắt cơ hội để tăng trưởng trong dài hạn

21:00' - 16/01/2021
BNEWS Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC) vẫn đạt kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2020.

Năm 2021 với nhiều nguồn lực và những yếu tố khách quan đang mở ra nhiều cơ hội mới cho VHC.

*Nguồn lực kinh doanh và sản xuất mạnh

VHC là doanh nghiệp dẫn đầu ngành xuất khẩu cá tra và duy trì thị phần quanh mức trung bình là 15% trong giai đoạn 2016-2020. Điều này đã mang đến cho VHC nhiều thuận lợi.

Theo kết quả kinh doanh mới nhất mà VHC công bố, 11 tháng năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh thu của VHC đạt khoảng 6,547 tỷ đồng (-7,4% ). Tuy nhiên, theo các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán Phúc Hưng (PHS), VHC có sức chống chịu khó khăn từ COVID-19 cao hơn các doanh nghiệp trong ngành. Trong 9 tháng năm 2020, trong khi doanh thu toàn ngành trung bình giảm 25% so với cùng kỳ, doanh thu của VHC chỉ giảm 11% so với cùng kỳ, mức giảm ít nhất so với các doanh nghiệp khác.

Bên cạnh đó, VHC là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong việc định hướng phát triển bền vững ngành cá tra. Bên cạnh bảo vệ môi trường, phát triển bền vững sẽ góp phần gia tăng giá trị sản phẩm của công ty trong nhận thức người tiêu dùng. VHC đang thực hiện phương pháp sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn, gắn liền phát triển sản xuất với bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, các chất thải trong quá trình sản xuất và chế biến được tái sản xuất để thành sản phẩm đầu vào sử dụng cho công đoạn tiếp theo.

Trong mô hình kinh tế tuần hoàn của VHC, chất thải được chế biến thành tài nguyên: nước thải của vùng nuôi được xử lý sinh học để dùng cho tưới tiêu cho các loại cây ăn trái hoặc lúa, cá chết và bùn thải chế biến thành phân hữu cơ, bao bì thải ra được làm nguyên liệu cho nhà máy xử lý chất thải - sản xuất phân bón có tên Mai Thiên Thanh.

Hiện tại, VHC có trại ươm cá giống cùng các dự án sản xuất giống công nghệ cao, 610ha nuôi trồng, 5 nhà máy chế biến cá fillet, 1 nhà máy chế biến sản phẩm giá trị gia tăng, 2 nhà máy sản xuất bột mỡ cá, 1 nhà máy sản xuất collagen và gelatin. Hơn nữa, để hoàn thiện mô hình kinh tế tuần hoàn, VHC đang hướng tới xây dựng nhà máy tái chế bao bì, quy hoạch ao nước thải gần vùng nông nghiệp, nuôi cá tuần hoàn và giảm sử dụng nước.

Ngoài ra, quy mô lớn với tiềm lực mạnh còn giúp VHC mạnh dạn sản xuất collagen từ da cá, điều mà chưa có công ty nào trong ngành theo đuổi. Vào tháng 10/2019, VHC tung ra sản phẩm Collagen mang thương hiệu Vinh Wellness. Đây là collagen được chế biến từ phụ phẩm trong quá trình chế biến cá tra đầu tiên trên thế giới đạt chứng nhận ASC. Nhà máy collagen với công suất là 3,500 tấn mỗi năm, ước tính đóng góp thêm khoảng 3% vào doanh thu của VHC mỗi năm.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định thương mại tự do Liên minh Châu Âu và Việt Nam (EVFTA) sẽ mang lại nhiều nguồn lợi cho các donh nghiệp thuỷ sản Việt Nam nói chung và VHC nói riêng.

Các chuyên gia đến từ PHS dẫn chứng, xuất khẩu sang EU chiếm 13% tổng doanh thu năm 2019 của VHC, đạt giá trị khoảng 1 nghìn tỷ đồng. EVFTA hứa hẹn sẽ giúp VHC mở rộng thị trường EU trong tương lai. Ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu đối với cá phi-lê đông lạnh sang EU từ 1/8/2020 giảm từ 5.5% xuống 4.13% và đến năm 2023 sẽ còn 0%.

Các chuyên gia PHS kỳ vọng EVFTA sẽ là động lực tăng trưởng dài hạn cho xuất khẩu cá tra sang EU. Thị trường EU được kỳ vọng có thể trở lại là thị trường quy mô 500 triệu USD cho cá tra Việt Nam từ quy mô hiện tại của thị trường này là 250 triệu USD.

Hơn nữa, EVFTA sẽ giúp gia tăng vị thế cạnh tranh của cá tra Việt Nam trước Trung Quốc và Indonesia. Với giá bán cạnh tranh hơn, kỳ vọng thị phần cá tra Việt Nam vào EU sẽ ngày càng mở rộng trong tương lai.

Các chuyên gia PHS cũng nhận định, VHC có đầy đủ năng lực để nắm bắt cơ hội từ EVFTA và UKFTA. Vùng nuôi Tân Hưng tại Long An dự kiến sẽ tăng tỷ lệ tự chủ của VHC từ 55% lên 60% vào năm 2021E. Hơn nữa, trại ươm cá giống với diện tích 50 ha tại vùng nuôi này kỳ vọng sẽ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu cá giống của VHC. Vùng nuôi Tân Hưng và trại ương cá giống hứa hẹn sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu dễ dàng hơn.

*Xuất khẩu là động lực tăng trưởng doanh thu cho VHC

Mỹ là một trong các thị trường xuất khẩu chính của VHC đạt giá trị khoảng 4,2 nghìn tỷ đồng và chiếm tỷ trọng khoảng 54% tổng doanh thu năm 2019. Giá trị xuất khẩu sang Mỹ của VHC tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng hàng năm vào khoảng 2% trong giai đoạn 2015-2019, từ 3,8 nghìn tỷ đồng vào năm 2015 lên 4,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2019.

Mặc dù giá trị xuất khẩu gia tăng nhưng miếng bánh thị phần của VHC đang nhỏ lại. Thị phần xuất khẩu sang Mỹ của VHC có sự sụt giảm với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 13% trong giai đoạn 2016-2019. Điều này cho thấy VHC cần nỗ lực gia tăng năng lực sản xuất và công tác thị trường để duy trì vị thế của mình trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa công bố kết quả sơ bộ đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 16 (POR16) cho giai đoạn từ ngày 1/8/2018 đến ngày 31/7/2019 đối với sản phẩm cá tra Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Theo đó, sản phẩm cá tra xuất khẩu của VHC được hưởng mức thuế là 0,09 USD/kg, thấp hơn 2,7 lần so với mức thuế áp dụng cho toàn quốc. Mức thuế xuất khẩu sang Mỹ thấp tạo thuận lợi cho VHC mở rộng thị trường Mỹ dễ dàng hơn các doanh nghiệp khác.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia PHS mức thuế mới sẽ gia tăng rủi ro doanh thu cho VHC. Mức thuế sơ bộ áp dụng cho VHC trong POR 16 đã tăng so với POR15 và bằng 3% giá xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên kết quả cuối cùng có thể thay đổi, như trong kỳ POR14 và POR13. Kết luận cuối cùng sẽ được đưa ra trong vòng 120 ngày kể từ ngày thông báo kết quả sơ bộ (dự kiến khoảng tháng 4/2021).

Cùng quan điểm này, các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán KB cũng nhận định, mặc dù mức thuế 0,09 USD/kg là không đáng kể so với giá bán (khoảng 3,5 USD/kg) và mức thuế của các doanh nghiệp cùng ngành, nhưng mức thuế này vẫn tăng thêm rủi ro đáng kể cho VHC. Sau một thời gian dài được hưởng thuế chống bán phá giá 0% tại thị trường Mỹ, việc VHC bị áp thuế chống bán phá giá lần này là khá bất ngờ và phần nào cho thấy phía Mỹ đang tập trung vào các công ty xuất khẩu thủy sản đầu ngành của Việt Nam.

Năm 2020 là năm khó khăn của toàn ngành cá tra Việt Nam. Sang năm 2021, kỳ vọng ngành cá tra sẽ phục hồi khi dịch COVID-19 được kiểm soát tại các thị trường xuất khẩu. Các chuyên gia PHS ước tính, doanh thu thuần của VHC năm 2021 đạt khoảng 8,289 tỷ đồng (+10,9%) và lợi nhuận sau thuế ước đạt 941 tỷ đồng (+5,5% )./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục