Tiêm vaccine phòng COVID-19 ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh tại Nhật Bản

08:06' - 09/09/2021
BNEWS Số liệu tổng kết của Bộ Lao động, Y tế và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) công bố ngày 8/9 cho thấy, tiêm vaccine đã giúp giảm 100.000 ca mắc mới và hơn 8.000 ca tử vong tại nước này trong hai tháng 7 và 8.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, MHLW đã tiến hành phân tích dữ liệu về bệnh nhân COVID-19 đăng ký trên hệ thống quản lý dữ liệu HER-SYS trong hai tháng 7 và 8.

Giả thuyết được đưa ra là việc tiêm chủng không có tiến triển và tốc độ lây lan dịch bệnh vẫn ở mức cao thì tổng số ca mắc COVID-19 mới tại Nhật Bản trong hai tháng 7 và 8 có thể lên tới 138.000 ca.

Tuy nhiên, thực tế chỉ ghi nhận khoảng 30.000 ca, đồng nghĩa với việc tiêm vaccine giúp làm giảm nguy cơ mắc COVID-19 mới cho khoảng 100.000 người.

Tương tự, dữ liệu cũng chứng minh hiệu quả của việc thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng giúp giảm tới hơn 8.000 ca tử vong trong tháng 7 và tháng 8.

Bộ trưởng Cải cách Hành chính Taro Kono kêu gọi chính quyền địa phương tiếp tục nỗ lực thúc đẩy chương trình tiêm chủng vaccine trong khi Chính phủ sẽ cố gắng đảm bảo nguồn cung vaccine.

Dự kiến, đầu tháng 10, sẽ có thêm 1 triệu liệu vaccine của hãng Pfizer được bổ sung. Như vậy, cùng với vaccine của hãng Moderna, dự kiến sẽ có khoảng 90% trẻ em từ 12 đến 18 tuổi được tiêm cả 2 mũi trong tháng 10.

Tại cuộc họp của MHLW diễn ra ngày 8/9, các chuyên gia y tế Nhật Bản cảnh báo, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 có dấu hiệu giảm nhiệt nhưng hệ thống y tế nhìn chung vẫn đang trong tình trạng khó khăn.

Theo đó, số ca mắc COVID-19 mới đã giảm nhiều so với trước đây hai tuần, nhưng số ca nhập viện điều trị vẫn ở mức cao, chủ yếu ở độ tuổi 20-50, đồng thời số ca nghiêm trọng có chiều hướng gia tang, nhất là độ tuổi trên 70, phải sử dụng máy hô hấp nhân tạo.

Tỷ lệ sử dụng giường bệnh tại các tỉnh lân cận với thủ đô Tokyo như Saitama, Chiba, Kangawa vẫn ở mức cao, trong khi tỉnh Okinawa tuy số ca mắc mới có giảm nhưng tỷ lệ ca mắc COVID-19 tỉnh trên đầu người vẫn ở mức cao nhất cả nước và tỷ lệ sử dụng giường bệnh là khoảng 90%, rất khó khăn về y tế.

Các vùng Kansai, Chubu đã giảm số ca mắc mới nhưng tình trạng người dân ra đường vào buổi tối và ban đêm chưa cải thiện, nhất là tại các đô thị lớn như Osaka nên vẫn thường trực nguy cơ bùng phát trở lại.

Trong bối cảnh các trường học đã hoạt động trở lại và sắp tới là các đợt nghỉ lễ dài ngày, các chuyên gia khuyến cáo cần tăng cường hỗ trợ mạnh mẽ hơn các cơ sở y tế, trạm y tế địa phương nhằm củng cố năng lực phòng ngừa và ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.

Cũng trong ngày 8/9, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã kết thúc 2 ngày làm việc với các bộ trưởng liên quan như Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Yassutoshi Nishimura và Bộ trưởng MHLW Norihisa Tamura để quyết định giải pháp tiếp theo khi thời hạn tình trạng khẩn cấp tại 21 địa phương là 12/9 sắp hết.

Theo đó, 19 địa phương, trong đó có Tokyo, Osaka sẽ kéo dài tình trạng khẩn cấp hiện nay đến ngày 30/9, tỉnh Miyagi và tỉnh Okayama sẽ điều chỉnh từ tình trạng khẩn cấp xuống áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm.

Hai tỉnh này sẽ cùng với các tỉnh Fukushima, Ishikawa, Kagawa, Kumamoto, Miyazaki, Kagoshima tiếp tục duy trì áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm đến ngày 30/9, trong khi 6 tỉnh gồm Toyama, Yamanashi, Ehime, Kochi, Saga, Nagasaki sẽ được dỡ bỏ và trở lại trạng thái bình thường.

Dự kiến, Thủ tướng Suga sẽ tổ chức họp báo để công bố quyết định này, đồng thời cũng giải thích rõ hơn lý do ông không tham gia tranh cử Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục