Tiền chảy mạnh vào cổ phiếu trụ, VN-Index có phiên hồi phục thứ 3 liên tiếp

16:32' - 10/10/2024
BNEWS Nhà đầu tư trong nước mạnh dạn giải ngân, cùng với lực mua ròng của khối ngoại tập trung vào những mã vốn hóa lớn đã giúp VN-Index đi lên phiên thứ 3 liên tiếp

Chốt phiên giao dịch ngày 10/10, VN-Index tăng 4,51 điểm lên 1.286,36 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 720 triệu đơn vị, tương ứng hơn 18.471,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 163 mã tăng giá, 206 mã giảm giá và 69 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 0,48 điểm xuống 231,29 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 51,7 triệu đơn vị, tương ứng hơn 937,1 tỷ đồng. Toàn sàn có 62 mã tăng giá, 80 mã giảm giá và 76 mã đứng giá.

UPCOM-Index tăng 0,12 điểm lên 92,57 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 80 triệu đơn vị, tương ứng gần 1.048 tỷ đồng. Toàn sàn có 157 mã tăng giá, 99 mã giảm giá và 107 mã đứng giá.

Sắc đỏ chiếm ưu thế trong phiên hôm nay, nhưng nhờ đà tăng cổ phiếu trụ, VN-Index vẫn hồi phục. Ảnh minh họa: BNEWS/TTXVN

Cổ phiếu vốn hóa lớn hôm nay tăng mạnh. Đáng chú ý nhất là mã FPT tăng 4,65% lên mốc 141.600 đồng/cổ phiếu. Đây cũng  là mã có mức tăng mạnh nhất rổ VN30.

Đây cũng là mức thị giá (đã điều chỉnh) cao nhất mà FPT từng chạm đến trong lịch sử 18 năm niêm yết. Đáng chú ý, cổ phiếu này đã có tới 35 lần vượt đỉnh kể từ đầu năm tới nay.

Từ đầu năm 2024, FPT đã tăng khoảng 70% thị giá qua đó đẩy vốn hóa thị trường lên gần 207.000 tỷ đồng, chỉ xếp sau VCB, BID và ACV trên sàn chứng khoán.

Các mã cổ phiếu trong rổ VN30 ở chiều tăng giá tiếp theo có thể kể đến là MSN, SAB, BVH, BID, GAS, CTG, HDB, MWG, PLX, VCB, VJC, VPB.  

Các cổ phiếu trụ cột, đầu ngành kể trên là nhân tố chính giúp chỉ số VN-Index hồi phục trong phiên giao dịch hôm nay.

Các nhóm cổ phiếu còn lại chủ yếu diễn biến phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen. Một số nhóm diễn biến tiêu cực như chứng khoán, thép, cao su.

Khối ngoại phiên hôm nay đảo chiều mua ròng 459 tỷ đồng trên toàn thị trường. Cụ thể, trên HOSE, khối ngoại mua ròng 506 tỷ đồng. MSN được khối ngoại mua mạnh nhất, với 327 tỷ đồng. Theo sau, FPT và NTL được mua ròng lần lượt là 312 và 158 tỷ đồng. TCB và CMG cũng được mua lần lượt 136 tỷ đồng và 21 tỷ đồng.

Trong khi đó, khối ngoại bán ròng 26 tỷ đồng trên HNX và 21 tỷ đồng trên UPCOM.

Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định, quý cuối năm sẽ có nhiều yếu tố chính định hình xu hướng thị trường chứng khoán.

Theo đó, lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục xu hướng hồi phục. KBSV hạ nhẹ dự báo tăng trưởng EPS (Tỷ suất thu nhập trên cổ phần) bình quân các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE xuống 13% (từ mức 14%) sau khi đánh giá thêm số liệu của mùa báo cáo bán niên với bức tranh sáng tối đan xen. Đây vẫn được đánh giá là mức tăng trưởng cao và tiếp tục là yếu tố hỗ trợ cho xu hướng thị trường chung trong quý IV.

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất sẽ là động lực thúc đẩy thị trường chứng khoán toàn cầu tăng trưởng. Chu kỳ hạ lãi suất của Fed đã được khởi động sau lần hạ 50 điểm cơ bản (bps) vào kỳ họp tháng 9 vừa qua. Theo nhóm phân tích KBSV, các tác động tích cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam có thể thấy rõ ở 3 khía cạnh là áp lực tỷ giá hạ nhiệt giúp Ngân hàng Nhà nước quay trở lại chính sách duy trì lãi suất thấp.

Đồng thời, xu hướng hạ lãi suất đồng loạt ở nhiều ngân hàng trung ương giúp tạo điều kiện cho một lượng vốn rẻ tìm đến các thị trường mới nổi, bao gồm thị trường chứng khoán Việt Nam và nhu cầu tiêu thụ của Mỹ kỳ vọng được thúc đẩy, qua đó giúp lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam khởi sắc và tác động tích cực lên tăng trưởng kinh tế.

Áp lực tỷ giá được giải toả, mặt bằng lãi suất kỳ vọng tiếp tục duy trì ở mức thấp. Với diễn biến điều chỉnh mạnh của Chỉ số đô la Mỹ (DXY) trước động thái hạ lãi suất của Fed, cùng sự cân bằng trong cung cầu ngoại tệ ở hệ thống ngân hàng, tỷ giá trong nước đã giảm mạnh và cách xa ngưỡng bán can thiệp của Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước được dự báo sẽ dừng can thiệp vào thị trường theo hướng bảo vệ đồng nội tệ như đã làm trong quý II, đầu quý III với các biện pháp như bán dự trữ ngoại hối, hút tín phiếu, nâng lãi suất OMO (lãi suất linh hoạt). Mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế từ đó được kỳ vọng sẽ ổn định ở vùng thấp (dù vẫn có thể có sự phân hoá, tăng nhẹ ở 1 số ngân hàng vừa và nhỏ do nhu cầu tín dụng cuối năm).

Về triển vọng thị trường trong các tháng cuối năm 2024, với việc các biến động vĩ mô, xu hướng tỷ giá, lãi suất, cũng như tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp,  KBSV tiếp tục duy trì mức điểm kỳ vọng của VN-Index thời điểm cuối năm ở 1.320 điểm , tương ứng với mức P/E (Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) thị trường 15 lần và tăng trưởng EPS ( Tỷ suất thu nhập trên cổ phần) các doanh nghiệp HOSE tăng 13% so với cùng kỳ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục