Tiền Giang đảm bảo cung ứng hàng hóa, bình ổn thị trường ​

11:35' - 26/07/2021
BNEWS Sở Công Thương Tiền Giang đang có nhiều biện pháp dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, đảm bảo an sinh xã hội trước tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Tuấn cho biết, Sở Công Thương có nhiều biện pháp dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, đảm bảo an sinh xã hội trước tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Trên cơ sở đánh giá nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh và khả năng cung ứng hàng hóa của các hệ thống phân phối trên địa bàn, Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông Vận tải, Cục Quản lý thị trường và các doanh nghiệp, hợp tác xã thương mại, dịch vụ;

Hệ thống phân phối trong tỉnh có giải pháp chủ động nguồn cung hàng hóa trong thời gian tới kết hợp thực hiện tốt các biện pháp hỗ trợ lưu thông hàng hóa, nhất là nông sản, lương thực, thực phẩm…

Mặt khác, siết chặt kiểm tra, giám sát thị trường đối với lĩnh vực về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Tiền Giang hiện có mạng lưới 256 điểm cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu: 4 siêu thị có kinh doanh thực phẩm gồm: Siêu thị Go! Mỹ Tho, Siêu thị Co.opmart Mỹ Tho, siêu thị Co.opmart Gò Công, siêu thị Co.opmart Cai Lậy; 94 cửa hàng tiện lợi gồm 6 cửa hàng bách hóa của Hợp tác xã thương mại – dịch vụ phường 1 (Thành phố Mỹ Tho) và 5 cửa hàng bách hóa của Hợp tác xã Vĩnh Kim;

78 cửa hàng bách hóa xanh và 5 cửa hàng Vinmart+ cùng 157 chợ truyền thống đang hoạt động trong tỉnh không kể các chợ bị phong tỏa hoặc tạm ngưng hoạt động cũng như  hệ thống các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã.
Theo báo cáo của các đơn vị phân phối, hiện nay, Siêu thị Go! Mỹ Tho có lượng hàng thiết yếu dự trữ đủ cung cấp trên 30 ngày, mỗi ngày đều về thêm hàng; siêu thị Co.opmart Mỹ Tho có lượng hàng hóa thiết yếu dự trữ đủ cung ứng khoảng 10 - 15 ngày...

Nhìn chung, lượng hàng hóa thiết yếu dự trữ tại các đơn vị phân phối phục vụ tăng gấp 2 - 3 lần so với trước đây.
Cụ thể, lương thực chế biến khô gần 642 tấn,  đường 180 tấn, thực phẩm chế biến trên 55 tấn, dầu ăn 300 tấn, nước chấm 250 nghìn lít.... Đối với hàng rau, củ, quả thì mỗi ngày đều có hàng bổ sung về các siêu thị; đối với mì ăn liền các loại đầy đủ.

Tuy nhiên, loại mì Hảo Hảo, do nhu cầu người dân đối với loại mì này cao nên số lượng bán ra nhiều và đôi khi không đáp ứng đủ nhu cầu còn các loại mì ăn liền khác vẫn dồi dào.
Đánh giá tình hình thực tế trong những ngày qua, việc cung ứng hàng hóa thiết yếu tại Tiền Giang vẫn ổn định, đáp ứng nhu cầu của người dân. Hàng hóa bày bán tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích dồi dào, giá cả ổn định.

Tuy nhiên, tại một số thời điểm có xảy ra khan hiếm hàng hóa cục bộ hoặc khan hiếm hàng hóa đối với một vài loại sản phẩm do tâm lý lo ngại của người dân cũng như nhu cầu tăng cao đột biến.
Cụ thể, trước khi Tiền Giang thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ (12/7/2021), sức mua tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích tăng cao gấp 40 - 50% so với bình thường.

Điều này khiến cho tại một vài thời điểm nhất định có hiện tượng hàng hóa trên kệ các siêu thị, cửa hàng tiện ích còn ít hoặc không còn, nhất là hàng tươi sống, rau củ, mì ăn liền, đặc biệt là mỳ Hảo Hảo. Tuy nhiên, ngay hôm sau, các siêu thị, cửa hàng tiện ích nhanh chóng cung ứng bổ sung, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng người dân.
Song song đó, các siêu thị, cửa hàng tiện ích còn đẩy mạnh kênh bán hàng qua điện thoại, có giao hàng tận nơi. Đây là kênh cung ứng hàng hóa hiệu quả giúp người dân hạn chế ra đường và tránh tập trung đông người. Theo đánh giá của các đơn vị phân phối, sức mua qua kênh này tăng 30-40% so với ngày trước.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Tuấn cũng cho biết, do sức mua tăng, thêm vào đó là các chợ đầu mối tại thành phố Hồ Chí Minh tạm ngưng hoạt động, Cảng cá Mỹ Tho, chợ cá sỉ Mỹ Tho, nhiều chợ truyền thống của tỉnh phải tạm ngưng hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 nên giá cả một số loại rau củ, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản có thời điểm tăng mạnh so với trước đây;

Một số mặt hàng rau củ tăng từ 30 - 40% so với bình thường; thịt gia súc, thủy hải sản tăng từ 10 - 20% so với ngày thường. Hiện nay, giá cả hàng hóa đã ổn định, một vài mặt hàng rau củ có xu hướng giảm nhẹ.
Nhằm ngăn chặn việc lợi dụng tình hình dịch bệnh đầu cơ, găm hàng, tăng giá gây bức xúc trong dư luận xã hội, Sở Công Thương phối hợp Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang thường xuyên kiểm tra tình hình dự trữ, kinh doanh hàng hóa tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong thời gian tỉnh thực hiện cách ly xã hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục