Tiền Giang: Trên 34,5 tỷ đồng mở rộng vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao

10:05' - 25/01/2021
BNEWS Trong năm 2021, tỉnh Tiền Giang đầu tư trên 34,5 tỷ đồng mở rộng diện tích canh tác lúa ứng dụng công nghệ cao lên 4.000 ha.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, triển khai Dự án "Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018 – 2020 và định hướng đến năm 2025", trong năm 2021, tỉnh đầu tư trên 34,5 tỷ đồng mở rộng diện tích canh tác lúa ứng dụng công nghệ cao lên 4.000 ha; trong đó riêng vụ Đông Xuân là 1.400 ha, vụ Xuân Hè 700 ha và vụ Hè Thu 1.900 ha.

Diện tích trên tập trung tại 4 huyện vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp gồm: Cái Bè, Cai Lậy, Gò Công Tây và Gò Công Đông. Trong nguồn kinh phí đầu tư, ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa 15 tỷ đồng, còn lại vốn đối ứng của nhân dân.

Giống sử dụng trong mô hình là các giống chất lượng cao như: Nàng Hoa 9, Đài Thơm 8, OM 4900, OM 5451, ST 24,…cấp giống xác nhận 1, áp dụng đồng bộ cơ giới hóa trong quá trình sản xuất và các quy trình công nghệ cao thâm canh để đạt mục tiêu tăng năng suất, sản lượng, nâng chất lượng hạt lúa hàng hóa, giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh tế cho nông hộ.

Khi sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao, nông dân được Nhà nước đầu tư 40% giống, vật tư nông nghiệp, còn lại 60% lúa giống và vật tư nông nghiệp nông dân đối ứng sẽ mua trực tiếp tại đơn vị trúng thầu. Để bào đảm sản xuất thành công, ngành nông nghiệp tỉnh đã tổ chức 200 cuộc chuyển giao kỹ thuật thu hút 6.000 lượt nông dân trong và ngoài vùng dự án.

Ngành nông nghiệp tỉnh ngay trong quý I/2021, xây dựng hai quy trình canh tác phổ biến cho nông dân gồm Quy trình cấy lúa kết hợp sử dụng phân bón châm tan theo hướng GAP (Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) và quy trình sản xuất lúa bằng cơ giới, sử dụng công cụ sạ hàng, máy phun hạt kết hợp dùng phân bón chậm tan theo GAP.

Theo đó, nông dân tham gia sản xuất theo mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa được tập huấn kỹ thuật sản xuất theo 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, xuống giống tập trung theo lịch thời vụ né rầy, phòng chống bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá...

Ngành nông nghiệp lưu ý nông dân tuân thủ quy trình làm đất và vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị gieo sạ, giảm lượng giống gieo sạ ở mức 100 kg/ha và sử dụng giống cấp xác nhận 1. Sau gieo sạ tập trung khâu quản lý, chăm sóc, phòng chống ốc bươu vàng và các đối tượng sâu bệnh, cỏ dại xâm hại…nhằm tạo tiền đề giành những vụ mùa bội thu.

Dự án "Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018 – 2020 và định hướng đến năm 2025" tại tỉnh Tiền Giang nhằm mục tiêu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa, tăng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và tăng thu nhập cho nông dân so với sản xuất truyền thống, nâng cao sức cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo; thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi sinh môi trường và tiến tới xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo.

Trọng tâm là ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu sản xuất, sử dụng giống lúa cấp xác nhận 1, chất lượng cao, giảm lượng giống gieo sạ, sử dụng phân bón chậm tan; áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm và biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tiến tới giảm chi phí sản xuất trên 15% trên cơ sở giảm chi phí về giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, trong năm 2020, năm đầu tiên triển khai dự án, địa phương đã đầu tư trên 10,3 tỷ đồng mua sắm máy móc, thiết bị hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp tham gia dự án, xây dựng điểm trình diễn, hỗ trợ giống và vật tư nông nghiệp cho các hộ nông dân tham gia dự án, tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn…

Trong đó, đã tổ chức sản xuất trình diễn tại 4 địa phương là Cái Bè, Cai Lậy, Gò Công Tây và Gò Công Đông trên tổng diện tích hơn 40 ha.

Kết quả năng suất lúa tại các điểm trình diễn đạt bình quân 62,5 tạ/ ha, cao hơn sản xuất đại trà 2 tạ/ha, giá thành sản xuất chỉ 3.100 đồng/kg, thấp hơn ruộng đối chứng 295 đồng/kg, lợi nhuận đạt gần 20 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn 4 triệu đồng/ha/vụ.

Về hiệu quả xã hội, mô hình góp phần sản xuất lúa phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, tiên tiến, hiệu quả và bền vững; giá trị sản phẩm tăng, đảm bảo an toàn cho con người và bảo vệ môi trường, gắn với doanh nghiệp bao tiêu, đầu ra ổn định, nông dân an tâm sản xuất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục