Kết nối tốt hệ thống phân phối, xuất khẩu gạo Tiền Giang cao nhất từ trước đến nay

09:24' - 26/09/2023
BNEWS Tiền GIang thường xuyên kết nối với mạng lưới phân phối trong nước qua hệ thống các chợ và các siêu thị để đảm bảo nguồn cung hàng hóa đủ cho thị trường trong nước, tránh gây ra biến động về giá.

Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi, xuất khẩu gạo của địa phương hiện nay rất khả quan, góp phần thúc đẩy tiêu thụ gạo của Việt Nam nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng.

Ước tính, trong 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh xuất được khoảng 138 nghìn tấn gạo, tăng hơn 52.000 tấn so với cùng kỳ năm trước, đạt kim ngạch 80,6 triệu USD, tăng 115% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức tăng trưởng về xuất khẩu lúa gạo cao nhất từ trước đến nay của tỉnh Tiền Giang.

 

Trung Quốc là thị trường đứng đầu về tiêu thụ gạo, chiếm 75,6% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của tỉnh; kế tiếp là Philippines, Hong Kong (Trung Quốc) và một số thị trường khác. Ngoài ra, còn có những thị trường khác như: châu Âu, Australia và một số thị trường mới mở ở các nước khu vực Trung Đông.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi cho biết thêm, trong những tháng cuối năm 2023, tỉnh tiếp tục tận dụng thời cơ và cơ hội thị trường triển khai các nhóm giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, cập nhật tình hình giá cả hàng hoá, biến động cung cầu trên thị trường thế giới, về biện pháp quản lý của các đối tác nhập khẩu để chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh của mình.

Bên cạnh đó, các ngành công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn…cùng chung tay xây dựng, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại mang tính liên kết vùng, ưu tiên tập trung nguồn lực đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, có sự phối hợp chặt chẽ với Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương, các ngành, hiệp hội trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, phát triển các ứng dụng, nền tảng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực, nhận thức cho các doanh nghiệp về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại nói chung và ngành lúa gạo nói riêng.

Đặc biệt là tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước về ngành hàng lúa gạo; tăng cường chuyển đổi số trên lĩnh vực cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi. Qua đó, vừa tạo thuận lợi kết nối thị trường vừa hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu cho hạt gạo Tiền Giang trong tương lai.

Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo cũng như phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về xuất khẩu gạo theo thẩm quyền, nhất là chủ động ứng phó trước xu hướng gia tăng các hàng rào kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm như hiện nay.

Ngoài ra, thường xuyên kết nối với mạng lưới phân phối trong nước qua hệ thống các chợ và các siêu thị để đảm bảo nguồn cung hàng hóa đủ cho thị trường trong nước, tránh gây ra biến động về giá theo phân khúc thị trường của từng chủng loại gạo.

Là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp khu vực sông Tiền, Tiền Giang hiện có khoảng 70.000 ha đất canh tác mỗi năm hai - ba vụ, sản lượng trên 1,1 triệu tấn lúa/năm. Đồng thời, toàn tỉnh có 186 hợp tác xã nông nghiệp, khoảng 500 doanh nghiệp kinh doanh, xay xát, chế biến lúa gạo xuất khẩu.

Ước tính, mỗi năm, các doanh nghiệp tại Tiền Giang xuất khẩu khoảng 200.000 tấn gạo, chiếm bình quân khoảng 3% so với cả nước và thu về hàng trăm triệu USD./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục