Tiến tới chuẩn hóa đồng bộ hệ thống thông tin thống kê

11:01' - 16/06/2016
BNEWS Trong những năm gần đây, có một thực tế là các địa phương tính toán chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh cao hơn thực tế, dẫn tới chênh lệch số liệu GDP của toàn bộ nền kinh tế.

Để khắc phục sự chênh lệch giữa Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP)Tổng sản phẩm trong nước (GDP), ngành thống kê đang thực hiện Đề án “Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn, tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương” và bắt đầu áp dụng từ năm 2017.

Đề án này được kỳ vọng sẽ rút ngắn khoảng cách chênh lệch số liệu giữa địa phương và Trung ương, đem đến số liệu chất lượng cho mọi đối tượng sử dụng. Để hiểu rõ hơn, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, TS. Nguyễn Bích Lâm xung quanh vấn đề này.

Trong những năm gần đây, chỉ tiêu GRDP được tính cao hơn thực tế dẫn tới chênh lệch số liệu GDP toàn bộ nền kinh tế. Ảnh: TTXVN

Phóng viên: Thưa ông, GDP là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô và phương pháp luận chỉ phù hợp tính cho toàn bộ nền kinh tế, nên phần lớn các nước chỉ tính GDP cho phạm vi cả nước. Vậy, thời gian qua, việc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tính chỉ tiêu GRDP cho địa phương mình, với số liệu chênh lệnh ngày càng lớn so với chỉ tiêu GDP sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc lập kế hoạch và triển khai kế hoạch kinh tế xã hội của toàn nền kinh tế?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Có một số nước như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan… và Việt Nam tính chỉ tiêu GRDP cho phạm vi cấp tỉnh. Đây là đòi hỏi từ nhu cầu quản lý, điều hành kinh tế - xã hội của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tuy vậy, việc vận dụng tính chỉ tiêu GRDP ở các địa phương chưa thống nhất, có tác động của yếu tố chủ quan và nguyên nhân nội tại của ngành thống kê nên đã dẫn đến những con số chênh lệch “dở khóc, dở cười”.

Rõ ràng, số liệu GRDP do các địa phương biên soạn và công bố những năm gần đây chưa phản ánh sát thực trạng tăng trưởng kinh tế - xã hội trên địa bàn nhiều địa phương. Nhưng thực ra, chỉ tiêu GRDP ở địa phương tính cao sẽ chỉ tác động đến việc lập kế hoạch chính sách phát triển của địa phương, chứ không ảnh hưởng đến chính sách phát triển của toàn nền kinh tế.

Bởi, khi xây dựng chính sách phát triển của toàn nền kinh tế, Chính phủ và các Bộ, ngành sẽ dựa vào chỉ tiêu GDP của toàn nền kinh tế do Tổng cục Thống kê tính toán.

Tuy nhiên, khi địa phương tính toán cao cũng sẽ ảnh hưởng đến đánh giá tình hình một loạt chỉ tiêu kinh tế - xã hội phát triển ở địa phương. Chẳng hạn như thu ngân sách, thu nhập của người lao động, chính sách thuế, hay một loạt các chính sách khác dựa trên mức tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương sẽ bị ảnh hưởng.

Ở một chừng mực nào đó, chỉ tiêu GRDP không sát thực sẽ có ảnh hưởng, mà hệ lụy cũng không nhỏ đối với chính sách của từng địa phương. Theo đó, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công tác xây dựng, chỉ đạo, điều hành các chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Mặt khác, số liệu GRDP tính toán thiếu chính xác này còn ảnh hưởng đến chất lượng số liệu thống kê tài khoản quốc gia nói riêng và hệ thống thông tin thống kê nói chung của cả nước, làm cho các đối tượng sử dụng thông tin thống kê lúng túng, giảm sút lòng tin đối với thông tin thống kê và vai trò, vị thế của ngành thống kê.

Phóng viên: Thưa ông, vậy đâu là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự chênh lệch số liệu ở các địa phương trong thời gian qua? 

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Trước hết, kinh tế ở các địa phương trong những năm đổi mới phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty hoạt động trải rộng trên nhiều địa phương khác nhau, gây khó khăn cho việc thu thập thông tin theo nguyên tắc thường trú của Hệ thống tài khoản quốc gia.

Đây là vấn đề ảnh hưởng nhất đến chất lượng số liệu GRDP do các địa phương biên soạn và công bố.

Hơn nữa, do áp lực mong muốn phát triển kinh tế - xã hội nhanh và nhiều nguyên nhân khác, hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng mục tiêu kế hoạch cao hơn nhiều so với nguồn lực, năng lực thực tế của địa phương; đồng thời cũng cao hơn nhiều so với mục tiêu GDP của toàn quốc.

Không những thế, các Cục Thống kê cấp tỉnh trực thuộc Tổng Cục Thống kê theo hệ thống ngành dọc, nhưng không dễ đề xuất địa phương hạ thấp mục tiêu tăng trưởng. Trong điều kiện khó khăn, bất cập về thu thập, tổng hợp số liệu đầu vào thì cũng không dễ tính toán, tổng hợp để có được số liệu sát thực về tốc độ tăng trưởng GRDP địa phương.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thống kê chuyên sâu về nghiệp vụ tài khoản quốc gia của các Cục Thống kê cấp tỉnh, tuy trình độ chuyên sâu đã được nâng lên, nhưng nhìn chung vẫn còn hạn chế và nhất là thiếu về số lượng.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, TS. Nguyễn Bích Lâm. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Phóng viên: Trên thế giới ở những nước phát triển, quy trình cũng như phương pháp tính GDP có những điểm khác biệt gì so với Việt Nam không?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Thực ra về phương pháp tính thì giữa các nước và thống kê Việt Nam không khác nhau. Bởi, tất cả các cơ quan thống kê các nước áp dụng phương pháp tính giống nhau; nhưng quy trình có khác nhau.

Chẳng hạn như quy trình tính ở Việt Nam trước đây, Tổng cục Thống kê tính GDP cho toàn bộ nền kinh tế, còn các Cục Thống kê cấp tỉnh tính GRDP cho các tỉnh, thành phố với thu thập thông tin không phản ánh sát thực được, không thể bóc tách để làm sao tránh việc tính trùng hay kể cả tránh việc bỏ sót.

Cho nên, tính toán của các địa phương không sát thực. Còn phương pháp tính của Trung ương và địa phương vẫn thống nhất là phương pháp sản xuất và các nước cũng áp dụng phương pháp sản xuất là phương pháp sử dụng giống như thống kê Việt Nam.

Phóng viên: Từ trước đến nay, các Cục Thống kê cấp tỉnh tính GRDP của địa phương cao hơn thực tế, đặc biệt nhiều tỉnh có chỉ số tăng trưởng cao trên 2 con số. Đây là điều đáng lo ngại vì đó là những căn cứ đưa ra những chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vậy, chúng ta cần giải quyết một cách căn bản câu chuyện này bằng cách nào? 

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Để khắc phục bệnh thành tích hay tư duy nhiệm kỳ, ngành thống kê có những giải pháp và đang triển khai thực hiện. Trước hết là đổi lại đơn vị điều tra; trước kia dựa vào đơn vị doanh nghiệp và không tách được doanh nghiệp đó sản xuất được bao nhiêu sản phẩm ở ngành nào, ở những địa phương nào, bây giờ, Tổng cục Thống kê thu thập thông tin về kết quả sản xuất theo đơn vị cơ sở.

Đơn vị cơ sở là đơn vị sản xuất sản phẩm của một ngành và đóng tại một địa điểm, nếu lấy thông tin như thế sẽ phản ánh được sát thực những kết quả sản xuất phù hợp với từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tiếp đến, Tổng cục Thống kê đổi lại quy trình tính toán, trước đây giao cho các Cục Thống kê địa phương, cũng có những tác động này, tác động kia. Nhưng bắt đầu từ năm 2017 sẽ đưa về Tổng cục Thống kê tính toán và công bố, Tổng cục Thống kê sẽ chịu trách nhiệm tính toán, công bố chỉ tiêu GDP cho toàn bộ nền kinh tế và chỉ tiêu GRDP cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo quy trình mới, lúc đó Tổng cục Thống kê sẽ áp dụng thống nhất cùng nguồn thông tin, cùng phương pháp và cùng một hệ số.

Bên cạnh đó, Tổng cục cũng có cái nhìn bức tranh toàn cảnh tất cả 63 tỉnh, thành phố để có những tính toán, điều chỉnh, như vậy, sẽ khắc phục được chênh lệch và những bất cập bấy lâu nay, nó là nguyên nhân làm cho GDP và GRDP của các tỉnh thành phố chênh lệch khá nhiều.

Và khi làm theo quy trình mới sẽ khắc phục được tình trạng tính trùng và giảm thiểu được tình trạng bỏ sót và chúng ta không tự tiện đưa ra một con số. Tổng cục Thống kê sẽ thực hiện một cách công khai, minh bạch và khách quan để tính toán cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phóng viên: Việc thay đổi quy trình tính toán GRDP ở các địa phương cũng sẽ khá nhạy cảm. Thay đổi quy trình tính, chắc chắn chỉ tiêu thống kê về tăng trưởng kinh tế của địa phương sẽ sụt giảm so với hiện nay và khi đó không tránh khỏi ý kiến từ các địa phương. Tổng cục Thống kê sẽ có giải pháp gì trước thay đổi này?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Thời gian qua, chúng tôi có rà soát lại chỉ tiêu GRDP giai đoạn 2011-2015, Tổng cục Thống kê đã thông báo kết quả rà soát tới các tỉnh, thành phố. Nhưng không có tỉnh, thành phố nào có phản hồi trở lại.

Mặc dù, chúng tôi thông báo có những tỉnh cắt giảm đến 5-6% so với số liệu tăng trưởng đã công bố trước đây, nhưng cũng không có lãnh đạo tỉnh nào phản hồi trở lại.

Đây là điều rất đáng mừng, bởi vì, đây là kết quả của việc chỉ đạo kịp thời và chính xác của Chính phủ, và đặc biệt là của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thời gian đó.

 Tổng cục Thống kê sẽ chịu trách nhiệm tính toán, công bố chỉ tiêu GDP cho toàn bộ nền kinh tế và chỉ tiêu GRDP cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh minh hoa: TTXVN

Phóng viên: Thưa ông, ngành Thống kê có phải chịu sức ép trước những địa phương muốn làm đẹp con số?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Chúng tôi không phải chịu sức ép đó, bởi, chúng tôi tính độc lập ở Tổng cục. Thực ra thay đổi quy trình tính chỉ tiêu GRDP không phải lần đầu tiên chúng tôi làm, Tổng cục Thống kê đã làm một chỉ tiêu tương tự như vậy, đó là dân số. Số liệu về dân số của các địa phương cũng do Tổng cục Thống kê tính và công bố cho các tỉnh.

Trước đây, khi vào kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, có lãnh đạo địa phương đến Tổng cục Thống kê đề nghị xem lại số liệu dân số ở địa phương và đề nghị chúng tôi tăng số liệu dân số để tỉnh có thêm số lượng đại biểu… trước việc này, Tổng cục Thống kê đã giải trình và kiên quyết giữ số liệu thực tế Tổng cục đã tính, không chịu tác động của các lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tôi tin, giai đoạn hiện nay, các lãnh đạo tỉnh, thành phố sẽ nhận thức được việc này, sẽ không có tác động, nói cách khác, lãnh đạo tỉnh, thành phố sẽ tôn trọng tính độc lập, khách quan của số liệu thống kê do Tổng cục Thống kê tính toán và công bố.

Phóng viên: Xin chân thành cám ơn ông! 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục