Tiếng vọng từ Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng 2024

16:51' - 05/04/2024
BNEWS Trong khuôn khổ của Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng 2024, bên cạnh những tham luận và phát biểu của các diễn giả, rất nhiều ý kiến đóng góp đã được chia sẻ bên lề hội nghị.

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, trong khuôn khổ của Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng 2024 (Vietnam Global Leaders Forum - VGLF 2024) mới được tổ chức tại thủ đô Paris, bên cạnh những tham luận và phát biểu của các diễn giả, rất nhiều ý kiến đóng góp đã được chia sẻ bên lề hội nghị. Tất cả đều vì sự phát triển của quê hương Việt Nam. BNEWS xin giới thiệu chùm phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Pháp.

GS-TS Nguyễn Xuân Huấn, chuyên ngành Truyền thông Kỹ thuật số, Đại học Middlesex Luân Đôn, Chủ tịch Hội Trí thức Việt Nam tại Anh:

“Việt Nam có rất nhiều tiềm năng về công nghệ số. Về mặt con người cũng có nhiều tiềm năng phục vụ sự phát triển của đất nước. Kỹ thuật số bao trùm rất nhiều ngành nghề nhưng có thể chia thành 2 mảng: một là nền tảng phục vụ cho các ngành kinh tế - xã hội của đất nước, ví dụ như công nghệ 5G - 6G, truyền thông, hoặc IoT…; hai là lĩnh vực kỹ thuật số và chuyển đổi số.

Trên thực tế Việt Nam đang phát triển mạnh công nghệ 5G. Nhưng chưa đạt được như mong muốn vì rất nhiều tiềm năng của nền tảng này chưa thể khai thác được hết, cũng chưa thể triển khai trong toàn quốc do hạn chế về vốn. Hiện nay Việt Nam đã có 5G, giờ là lúc phải hướng tới 6G. Đây là thứ mà Việt Nam có thể làm ngay từ bây giờ.

Có lẽ Ban chiến lược 6G quốc gia nên có hành động, tham vấn các chuyên gia đến từ nước ngoài, từ đó xác định lộ trình chiến lược ra sao, công nghệ, đường lối và ứng dụng như thế nào cho phù hợp với bối cảnh Việt Nam. 

Tuy nhiên kỹ thuật số không chỉ có nền tảng 5G - 6G, mà còn có các lĩnh vực chuyển đổi số khác như công nghệ cảm biến, trí tuệ nhân tạo… Tiềm năng của chuyển đổi số và kỹ thuật số cho nước nhà là rất lớn, lộ trình chính sách và cách thực hiện ra sao cho phù hợp với bối cảnh Việt Nam là điều mà các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách cần ngồi lại với nhau để bàn xem những gì phù hợp thì mang về cho Việt Nam để cùng làm”. 

Ông Eric Nguyễn, chuyên gia phát triển sản phẩm kỹ thuật sáng tạo của SAP, một công ty phần mềm lớn nhất châu Âu có trụ sở tại Đức:

“Việt Nam muốn phát triển thì nên tập trung vào các ngành có thế mạnh, hoặc so với các nước khác thì không có khoảng cách quá lớn, như trí tuệ nhân tạo, chíp điện tử và bán dẫn. Đây là những lĩnh vực Việt Nam có tiềm năng. Xét cả về vị trí địa lý và sự thay đổi về địa chính trị hiện tại trên thế giới, thì Việt Nam đang có lợi thế rất lớn. 

Là một chuyên gia về phát triển phần mềm của công ty quản trị doanh nghiệp SAP, tôi có thế mạnh trong lĩnh vực xây dựng phần mềm quản trị doanh nghiệp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, giúp cho những người quản lý doanh nghiệp doanh nghiệp đưa ra quyết định sáng suốt. Tôi hy vọng kiến thức của mình sẽ có thể phát triển hoặc giúp phát triển phần mềm chuyên nghiệp cho các công ty ở Việt Nam, từ đó có thể kết nối với các công ty, giúp họ đưa ra quyết định đúng đắn hơn trong việc phát triển doanh nghiệp của mình, không chỉ trong nội bộ Việt Nam mà cả ra nước ngoài, theo chuẩn châu Âu.”

Bà Julie Nguyễn, Điều phối viên Kế hoạch chiến lược quốc gia Pháp năm 2030, Bộ Môi trường, Năng lượng và Giao thông vận tải:

“Hệ thống giao thông vận tải (GTVT) Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, và tôi rất vui về điều đó. Tuy nhiên, tôi thấy có hai điều nhỏ bất cập của GTVT Việt Nam, đó là thiếu một dịch vụ GTVT có chất lượng, hay nói cách khác là Việt Nam đã có dịch vụ nhưng chất lượng chưa được như mong muốn. Thứ hai là thiếu phương tiện giao thông đa cấp liên thông để có thể kết nối các phương tiện giao thông đường biển, đường bộ, đường hàng không với nhau. Để cải thiện những sự bất cập này, và cũng để phát triển lĩnh vực GTVT, Việt Nam cần có một chiến lược lâu dài, không chỉ ở cấp trung ương, mà cả ở cấp địa phương, đồng thời tham khảo ý kiến các doanh nghiệp, người sử dụng GTVT, để có được chiến lược phát triển đầy đủ và đồng bộ. 

Ngoài ra tôi muốn nhấn mạnh hai lĩnh vực có tầm quan trọng của GTVT, đó là số hóa vì đến 2030-2040, GTVT sẽ không còn như hiện nay, sẽ có rất nhiều dịch vụ không người lái do đó chúng ta phải tính đến việc số hóa GTVT. Thứ hai là xanh hóa GTVT, vì trung bình trên thế giới, GTVT đang gây ra 30% ô nhiễm môi trường. Do đó về lâu dài, cần nghiên cứu sử dụng những nhiên liệu sạch, kỹ thuật số để hạn chế chất thải của GTVT Việt Nam. Tóm lại số hóa, xanh hóa và chiến lược lâu dài ở cấp trung ương và địa phương, cùng với sự đóng góp của doanh nghiệp và người dân, tôi nghĩ đó sẽ là bước đi đúng đắn của chính phủ Việt Nam”.

Ông Hà Dương Minh, Giám đốc nghiên cứu – Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp, tác giả đóng góp vào công trình của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu được trao giải Nobel Hòa Bình năm 2007:

“Việt Nam hiện đang có một cộng đồng người Việt ở hải ngoại rất lớn, và những người như tôi luôn có một mong muốn đóng góp vào sự phát triển bền vững của quê hương Việt Nam. 

Để phát triển bền vững, Việt Nam cần quyết tâm giảm lượng khí thải nhà kính và đạt mục tiêu Zero carbon vào năm 2050, nâng tỉ lệ sử dụng năng lượng tái tạo lên 50% vào năm 2030 với năng lượng mặt trời, năng lượng gió, hydrogène...

Để đạt được các mục tiêu trên, Việt Nam có thể tin tưởng vào hợp tác quốc tế với Pháp và các nước trong khối G7, là những quốc gia sẵn sàng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, với điều kiện phải có các khung pháp lý cho phép triển khai các dự án đó.

Hiện nay, Việt Nam còn thiếu các điều luật và quy định cho phép đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, cho nên cần phải sớm tập trung hoàn thiện các khung pháp lý cần thiết này. Tôi cho rằng cần phải tháo gỡ những vướng mắc trong quy trình cấp phép đầu tư trong lĩnh vực này càng sớm càng tốt, để có thể triển khai các dự án điện gió ngoài khơi, lắp đặt hệ thống pin mặt trời trên một nửa số lượng mái nhà của Việt Nam vào năm 2030 như là mục tiêu Chính phủ đã đặt ra. 

Việt Nam đã phát triển kinh tế một cách kỳ diệu trong 30 năm qua. Giờ đây là lúc cần phải tái tạo lại sức mạnh này bởi vì chúng ta đã từ một nước nghèo chuyển sang quốc gia phát triển trung bình, và giờ đây phải là chuyển từ mức trung bình sang nước phát triển.

Tất nhiên là có nhiều giải pháp để phát triển, nhưng đầu tư vào công nghệ sạch đương nhiên mang tính chiến lược lâu dài hơn là đầu tư vào năng lượng hóa thạch, vốn không phải là sự lựa chọn của tương lai. Do đó việc quản lý thông minh hệ thống điện, tăng cường hiệu quả năng lượng, sản xuất xe điện, pin... vốn là những giải pháp cho tương lai, để có thể trở thành nước phát triển vào năm 2050.”

Bác sĩ - Tiến sĩ Võ Toàn Trung, Trưởng khoa Phục hồi chức năng của Bệnh viện Bullion (Pháp), thành viên điều hành nhóm bệnh viện phía Nam vùng Ile de France:

“Chúng ta phải tạo được một sân chơi bình đẳng và có khả năng kết nối. Muốn làm được điều đó chúng ta phải có một mạng lưới, tốt nhất là do Nhà nước điều phối. Ví dụ như Hàn Quốc, Israel và Trung Quốc, họ có hẳn một Viện quốc gia, tập hợp tất cả các nguồn trí thức và họ sử dụng nguồn đó như là một nguồn lực của chính phủ. Nếu như Việt Nam làm được điều đó thì chúng ta sẽ tận dụng được rất nhiều nguồn lực. Bởi vì các trí thức làm việc ở nước ngoài nhiều khi cũng không biết trong nước cần gì.

Thứ hai là trong nước cũng cần, nhưng nhiều khi không biết tìm ở đâu. Thứ ba là thông qua mạng lưới trí thức của chúng ta ở nước ngoài có thể kết nối tốt nhất với hệ thống trí thức trên thế giới thì có thể phát triển được rất nhiều lĩnh vực ví dụ như công nghệ sinh học, công nghệ dược, công nghệ vaccin mà trong thời gian vừa qua chúng ta rất cần. 

Ngoài ra, tôi rất mong muốn chúng ta phải có chiến lược đào tạo và chiến lược này thực sự phải tập trung vào mục tiêu quy hoạch phát triển của đất nước. Vừa rồi, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã xác định đất nước ta tập trung vào công nghệ bán dẫn thì Việt Nam phải đào tạo ít nhất là 50.000 kỹ sư giỏi về chuyên môn này. Tuy nhiên, ngoài lĩnh vực đó, Việt Nam cần phát triển các ngành mũi nhọn khác như công nghệ sinh học, công nghệ dược, đó là những lĩnh vực đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế của nhiều nước trên thế giới.

Muốn như vậy thì phải hoạch định chính sách. Sau khi Đảng và Nhà nước đã hoạch định chính sách rồi, nên có những hội nghị bàn tròn để bàn sâu hơn các vấn đề đó. Sau khi xác định rồi thì sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo. Giống như Hàn Quốc, trước kia không biết gì về công nghệ sinh học, nhưng sau khi quy hoạch, họ đã gửi người đi đào tạo và bây giờ họ tập hợp lực lượng này ở các phòng thí nghiệm, do đó hoạt động nghiên cứu của họ rất mạnh, thậm chí đứng đầu thế giới trong lĩnh vực này. Đó là cách đi vừa hay, vừa tiết kiệm, rút ngắn con đường, nhưng lại tập trung được nguồn lực, giúp cho đất nước Việt Nam bật hẳn lên và chiếm vị trí đáng nể trong các nước phát triển.”   

Bà Lê Võ Phương Nga, Giám đốc Quản lý Tài chính ngân hàng Credit Agricole (Pháp), Giám đốc Tài chính & Đối tác của AVSE Global và cũng là Trưởng ban tổ chức VGLF2024 :

“Sau đây thì chúng tôi sẽ hướng tới 3 đối tượng, 3 mục tiêu mà Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng tiếp tục phát triển. Thứ nhất là chính những người Việt có tầm ảnh hưởng, vì sau sự kiện này, họ đã tạo ra được chất gắn kết bền chặt với Việt Nam và với những người Việt có tầm ảnh hưởng khác, để từ mạng lưới của họ lại tạo ra lan tỏa mạnh mẽ mang lại các nguồn lực vốn, công nghệ tri thức về Việt Nam. Đối tượng và mục tiêu thứ hai, đó là chính phủ và những nhà làm chính sách, AVSE Global sẽ tiếp tục gửi tới họ những báo cáo, đề xuất, tổng hợp những ý kiến hữu ích nhất cho các hướng đi trong tất cả các lĩnh vực cho sự phát triển của Việt Nam. Hy vọng các báo cáo này có thể có phần nào hữu ích cho chiến lược nhân tài quốc gia Việt Nam và chiến lược phát triển quốc gia Việt Nam.

Đối tượng thứ ba là công chúng, những người dân Việt Nam không chỉ trong nước mà cả trên thế giới. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay có phần bi quan và một chút mong đợi, Diễn đàn này và các hành động sau đó, sẽ tạo nên làn gió mới, giống như một ngọn hải đăng, mang lại xu hướng chuyển động tích cực.”     

GS-TS Nguyễn Đức Khương, Giám đốc Nghiên cứu Phát triển quốc tế Trường Kinh doanh IPAG (Pháp), Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), cũng là đơn vị tổ chức sự kiện:

“Sự hội tụ về trí tuệ và văn hóa tại Diễn đàn tạo ra nền tảng kết nối và hợp tác rất tốt trong tương lai vì mỗi người đều đang có dự án để tạo ra sự ảnh hưởng tích cực cho Việt Nam, từ những dự án trong nước, đến các dự án ở nước ngoài, cũng như là những dự án kết nối Việt Nam với thế giới.

Sự giao thoa về khát vọng phát triển thịnh vượng cho Việt Nam, cũng như là các chương trình dự án hành động chung mà chúng tôi đã phác thảo được, ví dụ như : cùng nhau xây dựng nền tảng để chuyển tải kiến thức về phát triển bền vững, thịnh vượng ; thay đổi chương trình đào tạo của Việt Nam để cập nhật với những yêu cầu phát triển mới của thế giới… đó là những chương trình dự án mà chúng ta có thể làm việc cùng nhau.

Tiếp theo chúng tôi sẽ nghĩ đến những việc lớn hơn, đó là cùng với các cơ quan của chính phủ thúc đẩy các chương trình thu hút nguồn lực cho Việt Nam, kể cả nguồn lực tài năng quốc tế đến Việt Nam, biến Việt Nam trở thành nơi hội tụ tài năng, điểm đến của các nguồn lực tài chính, văn hóa, tạo sân chơi để quốc tế cảm thấy rằng Việt Nam là một đối tác tin cậy là môi trường để họ có thể phát triển được và có thể gắn bó lâu dài với Việt Nam.”

Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng 2024 (Vietnam Global Leaders Forum - VGLF 2024), tổ chức trong hai ngày 30-31/3 đã thu hút gần 100 đại biểu người Việt và gốc Việt, là những tiến sĩ, chuyên gia tiêu biểu trong nhiều lĩnh vực khoa học, kinh tế, xã hội, y tế, môi trường, nghệ thuật, tôn giáo... đến từ 20 nước, đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, chia sẻ quan điểm nhằm kết nối nguồn lực nhằm phát huy tiềm lực và thúc đẩy Thịnh vượng Việt Nam, góp phần nâng tầm vị thế Việt Nam trên thế giới và từ đó khai thác và sử dụng những chìa khóa của thành công để bứt phá. 

Với sứ mệnh tập hợp, kết nối sức mạnh trí tuệ tập thể của những người ưu tú có ảnh hưởng trong chuyên môn, giàu khát vọng đóng góp cho đất nước, và khơi dậy tinh thần đoàn kết đem đến lợi ích chung cho Việt Nam, Diễn đàn "Người Việt có tầm ảnh hưởng” sẽ không chỉ có tác động sâu sắc đến người dân Việt Nam, mà còn truyền cảm hứng cho các thế hệ tương lai tiếp bước và tạo ảnh hưởng tích cực trên thế giới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục