Hội nhập quốc tế hải quan Việt Nam: Bài 2: Phát triển hải quan số, hải quan thông minh

18:30' - 30/04/2024
BNEWS Hải quan Việt Nam cần ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ thông minh của hải quan các nước tiên tiến trên thế giới.

Một trong những nội dung quan trọng của hải quan Việt Nam khi tham gia tiến trình hợp tác quốc tế là phải ứng dụng công nghệ mới, xây dựng hải quan số, hải quan thông minh. Do đó, hải quan Việt Nam cần ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ thông minh của hải quan các nước tiên tiến trên thế giới.

 

Tại Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu cơ bản hoàn thành hải quan số đến năm 2025. Mục tiêu tổng quát của chiến lược là xây dựng hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với hải quan số, mô hình hải quan thông minh. Từ đó, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan...

Những năm qua, việc hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Việt Nam nói chung và hải quan Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan. Trong giai đoạn 5 năm trở lại đây, trước yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin của Chính phủ, việc ứng dụng công nghệ thông tin của hải quan Việt Nam đã có bước tiến quan trọng.

 

Theo các chuyên gia kinh tế, ứng dụng công nghệ số có vai trò quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa hải quan, đơn giản hóa thủ tục, cắt giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Ngoài ra, ứng dụng công nghệ số hóa nhằm phục vụ tốt hơn các bên liên quan và đóng góp vào sự phát triển kinh tế quốc gia, đặc biệt trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử xuyên biên giới; các mối đe dọa liên quan đến hải quan và an ninh ngày càng tăng cũng như nhu cầu cấp thiết cần phải hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Trong lĩnh vực hải quan có thể thấy những yếu tố mới sẽ tái thiết kế hoạt động hải quan trong tương lai như sự phát triển liên tục của thương mại điện tử, sự phát triển của Cơ chế một cửa quốc gia, chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng đa dạng, sự gia tăng buôn bán bất hợp pháp xuyên quốc gia, mối lo ngại leo thang để bảo vệ môi trường... 

Các chuyên gia kinh tế đánh giá những cải cách thời gian qua của ngành Hải quan đã góp phần rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan cho doanh nghiệp, giảm thiểu giấy tờ và đơn giản hóa hồ sơ hải quan; giảm tiếp xúc giữa Hải quan và doanh nghiệp; tạo ra sự thuận lợi, minh bạch trong quản lý điều hành công việc của doanh nghiệp. 

Để tiến tới xây dựng hải quan số, hải quan thông minh, hải quan Việt Nam cần ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ thông minh của hải quan các nước tiên tiến trên thế giới. Trong bối cảnh đó, hải quan Việt Nam đã được Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) giao đăng cai Hội nghị và Triển lãm Công nghệ của WCO năm 2023. 

Đây là một trong những sự kiện thường niên quan trọng nhất của WCO và cũng là hội nghị mang tính chất toàn cầu về ứng dụng công nghệ mới nổi, mà trọng tâm là chuyển đổi số, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, máy học, internet vạn vật… mang tính thời sự và phù hợp với các ưu tiên của Việt Nam nói chung và hải quan Việt Nam nói riêng. 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ cho biết, thành công của hội nghị đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam, vị thế của hải quan Việt Nam và khẳng định vai trò tích cực, trách nhiệm của hải quan Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác với WCO. Đây cũng là lần đầu tiên hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức một sự kiện toàn cầu của WCO có quy mô lớn tới 1.000 - 1.500 đại biểu, với sự tham dự của lãnh đạo WCO, lãnh đạo Tổng cục Hải quan các nước, cũng như các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ tham dự triển lãm.

Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Hải quan), hội nghị là cơ hội để hải quan Việt Nam giới thiệu về các nỗ lực hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ của hải quan Việt Nam trong việc triển khai các nội dung chuyển đổi số, xây dựng hải quan thông minh, góp phần nâng cao hình ảnh của hải quan Việt Nam. Việc đăng cai hội nghị cũng sẽ mở ra cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các nước khi hải quan các nước chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong việc áp dụng các công nghệ về quản lý hải quan hiện đại.

Bà G. Visser LLM - Tham tán hải quan Hà Lan tại Việt Nam có trụ sở tại Singapore phụ trách khu vực gồm hải quan Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Singapore và Việt Nam cho rằng, sự kiện lần này là diễn đàn tốt để hải quan các nước học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, không chỉ từ các cơ quan hải quan mà còn từ các doanh nghiệp nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ.

"Với nhiệm vụ của hải quan hiện nay thì không thể thiếu đi các thiết bị công nghệ để phục vụ cho hoạt động của mình." - bà G. Visser LLM nhấn mạnh.

Hội nhập quốc tế hải quan Việt Nam: Bài 1: Hải quan Việt Nam đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Hội nhập quốc tế hải quan Việt Nam: Bài 3: Nỗ lực tăng cường kết nối với hải quan quốc tế

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục