Tiếp nhận hồ sơ rà soát áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đường mía nhập khẩu

18:08' - 19/06/2024
BNEWS Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) vừa thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ rà soát việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường mía nhập khẩu.
Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất là ngày 3/8/2024 và phải nộp trực tiếp tại Cục Phòng vệ thương mại theo địa chỉ Cục Phòng vệ thương mại – Tầng 8, 23 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: (024) 7303.7898, máy lẻ 112.

Trước đó, ngày 15/6/2021, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1578⁄QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan (mã vụ việc AD13-AS01).

 
Ngày 1/8/2022, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1514/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar (mã vụ việc AC02-AD13.AS01). Ngày 3/8/2023, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1989/QĐ-BCT về kết quả rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan (mã vụ việc AR01.AD13-AS01).

Theo Cục Phòng vệ thương mại, tại Khoản 1 Điều 82 và khoản 1 Điều 90 Luật Quản lý ngoại thương quy định: Sau 1 năm kể từ ngày có quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp, Bộ trưởng Bộ Công Thương có quyền quyết định rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp theo đề nghị của một hoặc nhiều bên liên quan trong vụ việc điều tra và trên cơ sở xem xét các bằng chứng do bên đề nghị cung cấp.

Cùng đó, Khoản 1 Điều 58 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP quy định: “Trong thời hạn 60 ngày trước khi kết thúc 1 năm kể từ ngày có quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức hoặc quyết định mới nhất về kết quả rà soát biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp, các bên liên quan theo quy định tại Điều 59 của Nghị định này có thể nộp Hồ sơ yêu cầu rà soát, trừ trường hợp thời hạn nộp hồ sơ ít hơn 9 tháng tính đến thời hạn Bộ trưởng Bộ Công Thương phải quyết định có tiến hành rà soát cuối kỳ biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hay không”.

Do vậy, các bên liên quan theo quy định tại Điều 59 của Nghị định số 10/2018/NĐ-CP có quyền nộp hồ sơ yêu cầu rà soát việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía nhập khẩu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục