“Tiếp sức” cho người lao động mùa dịch - Bài cuối: Không để người lao động ở lại phía sau

09:26' - 09/08/2020
BNEWS Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, cộng đồng doanh nghiệp và các cấp Công đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp hỗ trợ nhằm mục tiêu “không để người lao động ở phía sau”.

Trước tác động tiêu cực của dịch COVID-19, nhiều người lao động rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, cộng đồng doanh nghiệp và các cấp Công đoàn Thành phố Hồ Chí Minh  đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, chăm lo cho người lao động, với mục tiêu “không để người lao động ở phía sau”.

* “Giãn việc” chứ không để “thất nghiệp”

Trong bối cảnh thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, các đơn hàng phải tạm dừng…, nhiều doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm chi phí. Các doanh nghiệp đã lựa chọn giải pháp kéo giãn thời gian làm việc để giúp cho người lao động người đều có được thu nhập, trang trải cuộc sống cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn.

Dưới tác động của COVID-19, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Juki Việt Nam, một doanh nghiệp FDI chuyên sản xuất máy may công nghiệp hàng đầu trên thế giới, cũng không tránh khỏi những tác động tiêu cực.

Tuy nhiên, thay vì sa thải công nhân, công ty đã tổ chức đối thoại với công nhân để tìm ra các giải pháp hợp lý nhất. Qua hai cuộc đối thoại, người lao động và lãnh đạo doanh nghiệp đã thống nhất với đề xuất của Công đoàn Công ty về việc nghỉ chờ việc trong tháng 5 và tháng 6 (5 ngày/tháng) và hưởng 70% lương cơ bản.

Theo ông Nguyễn Phước Đại, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Juki Việt Nam, Công đoàn Công ty đã chủ động lấy ý kiến người lao động, đối thoại đưa và ra các kiến nghị hợp tình, hợp lý.

Trong đó, Công ty tập trung vào việc không cắt giảm đồng loạt 10% lương cơ bản mà phân ra thành từng nhóm theo mức lương, nhằm tạo sự công bằng, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống của nhóm lao động ngoại tỉnh.

Đồng thời, Công ty giữ chế độ trợ cấp chuyên cần và đề xuất các giải pháp để hỗ trợ đối với công nhân lao động. Qua đó, lực lượng lao động trong doanh nghiệp luôn ổn định, an tâm và cùng chia sẻ với doanh nghiệp cùng vượt qua khó khăn, thách thức.

Tại khách sạn Equatorial Hotel, thay vì phải cắt giảm 1/2 số lượng công nhân người lao động, đơn vị này cũng chọn giải pháp giãn thời gian làm việc để không lao động nào bị sa thải.

Giải pháp này không chỉ hỗ trợ người lao động có thu nhập, mà còn giúp doanh nghiệp duy trì lực lượng lao động, không phải thực hiện tuyển dụng, đào tạo lại sau khi dịch bệnh kết thúc.

Mới đây, Công ty Trách nhiệm hữu hạn PouYuen Việt Nam tiếp tục cắt giảm thêm khoảng 6.000 công nhân (tương đương khoảng 10% trong tổng số công nhân đang làm việc tại đây) do dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều đơn hàng của công ty tiếp tục bị hủy, nguyên liệu nhập vào cũng không còn...

Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ lần ngưng hợp đồng làm việc trước đây, công ty này quyết định cho công nhân tạm ngừng việc, nhưng được hưởng mức lương tối thiểu vùng.

Ông Cù Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn PouYuen Việt Nam cho rằng, giải pháp này giúp người lao động nghỉ ở nhà, có thể tìm kiếm việc làm thêm, hoặc mua bán nhỏ trong những ngày tạm ngưng nhưng vẫn có được mức lương cơ bản theo quy định.

Khi có việc, người lao động trở lại làm việc bình thường; hạn chế tình trạng tuyển dụng mới và tình trạng thất nghiệp, gây xáo trộn trong lao động việc làm…

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khác phải tạm dừng hoạt động do phòng ngừa dịch đã chủ động thỏa thuận, hỗ trợ người lao động tạm ngưng việc bằng 1/2 tháng lương, hỗ trợ vé tàu, xe về quê... Trong bối cảnh khó khăn này, người lao động đã bày tỏ cảm thông, chia sẻ cùng doanh nghiệp.

* Chung tay hỗ trợ người lao động

Trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19, nhiều hoạt động hỗ trợ người lao động đã được triển khai tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh và 24 quận, huyện, đến cuối tháng 7/2020, địa phương đã chi trả hỗ trợ cho 538.360 trong tổng số 538.621 trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (đạt hơn 99,95%) với tổng số tiền hơn 590 tỷ đồng.

Đây là khoản chi trả hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 theo Nghị quyết 02 của HĐND thành phố và Nghị quyết số 42 của Chính phủ, Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng trong 7 tháng đầu năm, 2.179 công đoàn cơ sở đã tổ chức hoạt động chăm lo cho 638.495 công nhân lao động, đoàn viên công đoàn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Trong đó, hầu hết các cấp Công đoàn đều tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà; tổ chức ngày vì lợi ích đoàn viên, vận động chủ nhà trọ miễn hoặc giảm giá cho thuê phòng trọ, hỗ trợ suất ăn… với tổng trị giá hàng chục tỷ đồng.

Qua nhiều đợt trao quà cho người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19, bà Lê Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Quận 5 nhìn nhận, phần quà tuy giá trị không lớn nhưng đây là tình cảm, là nỗ lực của các cấp Công đoàn chia sẻ khó khăn cùng người lao động.

Đặc biệt, những phần quà được trao cho các giáo viên mầm non ở các nghiệp đoàn ngoài công lập, người lao động nghèo trong thời điểm này thật sự có ý nghĩa rất lớn.

Cuộc chiến chống dịch COVID-19 càng có ý nghĩa hơn khi chính những người dân cùng chia sẻ khó khăn với người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Giảm đến 50% tiền thuê phòng trong thời gian giãn cách, phòng, chống dịch bệnh; tặng phần quà gồm: gạo, nhu yếu phẩm hoặc bán các mặt hàng thiết yếu giảm giá cho người lao động...

Đó là cách mà chị Trần Thị Hà, chủ dãy nhà trọ trên đường số 59, quận Gò Vấp đã hỗ trợ cho khách thuê của mình.

Theo chị Trần Thị Hà, mỗi gia đình đều có hoàn cảnh khác nhau, tuy nhiên, trong những lúc khó khăn nhất rất cần sự san sẻ, giúp đỡ cùng vượt khó. “Trong những ngày bình thường, chính những công nhân, người lao động này đã giúp gia đình tôi tăng thêm thu nhập. Do vậy, việc san sẻ khi khó khăn chung là điều cần thiết. Đó cũng là cái tình, cái nghĩa không chỉ riêng tôi mà người dân Việt Nam nào cũng có”, chị Hà sẻ.

Mới đây, khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở Đà Nẵng, nhiều doanh nghiệp và Công đoàn đã thỏa thuận trả từ 70% -100% lương cho người lao động đang thực hiện cách lý do vừa trở về từ vùng dịch, có tiếp xúc với những người đến từ vùng dịch, hay đến các địa điểm mà bệnh nhân COVID-19 từng đến…

Điển hình, ngay từ giai đoạn đầu dịch COVID-19, Công đoàn và Công ty trách nhiệm hữu hạn Nidec Việt Nam thống nhất trả 70% lương nếu người lao động thuộc diện cách ly tại nhà nhằm giúp công nhân an tâm, phòng chống dịch bệnh.

Tương tự, tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện tử Samsung HCMC CE Complex, nhân viên, người lao động thuộc diện cách ly tại nhà được trả 85% lương. Bà Kiều Ngọc Hoa, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho rằng, với những doanh nghiệp đông công nhân lao động, việc cẩn thận trước tình hình dịch bệnh luôn là điều cần thiết, cho dù đó là chi tiết rất nhỏ.

Nhiều công nhân tại Khu Công nghệ cao thành phố đang thực hiện cách ly tại nhà do trở về từ vùng dịch Đà Nẵng cho biết, việc hỗ trợ lương cho người lao động trong thời gian cách ly không chỉ giúp người lao động yên tâm trang trải cuộc sống mà còn tin tưởng hơn vào doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn luôn hướng về người lao động.

Cuộc chiến chống dịch COVID-19 và những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh vẫn còn nhiều gian nan phía trước. Tuy nhiên, với sự chung sức của cộng đồng hy vọng sẽ giúp người lao động bớt đi nhọc nhằn, ổn định cuộc sống để vượt qua giai đoạn khó khăn này./. 

>>>“Tiếp sức” cho người lao động mùa dịch: Bài 1- Muôn nẻo khó khăn

>>>“Tiếp sức” cho người lao động trong mùa dịch: Bài 2- Trợ vốn cho người lao động

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục