Tiếp tục nghiên cứu về phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất

20:42' - 01/03/2018
BNEWS Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2018, Bộ Giao thông Vận tải đã giải đáp nhiều câu hỏi liên quan đến các phương án giải quyết BOT Cai Lậy, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, cấm Uber, Grab...
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 năm 2018. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Chiều 1/3, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2018, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông đã giải đáp nhiều câu hỏi của báo chí liên quan đến các phương án giải quyết cho BOT Cai Lậy; về phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất; về việc thành phố Hà Nội cấm Uber, Grab ở một số tuyến phố trong thời gian qua.

* Đang nghiên cứu các phương án cho BOT Cai Lậy

Ngày 4/12, Thủ tướng quyết định tạm dừng thu phí tại trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) 1-2 tháng để tiếp tục làm rõ mọi vấn đề và giao Bộ Giao thông Vận tải đề xuất phương án giải quyết.

Ngày 30/1, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương báo cáo Thủ tướng các phương án giải quyết. Tại cuộc họp báo, phóng viên đặt câu hỏi đối với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải về các phương án xử lý BOT Cai Lậy, và tiến trình nghiên cứu, báo cáo Chính phủ đến nay.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ đã báo cáo Chính phủ từ 17/1, trong đó đưa ra các phương án khác nhau, các phương án này đều có ưu điểm và hạn chế riêng, đều liên quan đến điều chỉnh các yếu tố ban đầu về hợp đồng và thời gian thu phí...

"Ví dụ có phương án chúng tôi đề nghị dừng thu phí thì cần xây dựng phương án để xem có nguồn tiền nào để trả, thời gian trả và phải đàm phán với nhà đầu tư. Nếu phương án chỉ thu phí trên tuyến tránh thì phải theo dõi lượng xe để tính toán lại thời gian. Nếu thu cả 2 trạm trên Quốc lộ 1 và tuyến tránh thì cũng phải tính khác…

Tất cả những phương án trên đã được báo cáo lãnh đạo Chính phủ, Bộ vẫn tiếp tục nghiên cứu và sẽ sớm báo cáo về những phương án tiếp theo, trong đó có phương án giảm mức phí cho phương tiện từ 30%-100% cho một số xã lân cận, chúng tôi sẽ tính toán con số cụ thể để báo cáo Chính phủ trong vài ngày tới" - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết.

* Tiếp tục nghiên cứu về phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất

Tại cuộc họp báo, phóng viên nêu câu hỏi liên quan tới việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, trong khi đơn vị tư vấn nước ngoài cho rằng việc mở rộng sân bay này về phía Bắc sẽ gây tốn kém trong thu hồi đất, ảnh hưởng tới khu vực dân cư xung quanh… do đó tư vấn nước ngoài đề xuất nên mở rộng sân bay về phía Nam.

Tuy nhiên nhóm nghiên cứu của Thành phố Hồ Chí Minh lại có quan điểm ngược lại và thống nhất phương án mở rộng Tân Sơn Nhất về phía Bắc dù có hay không xây thêm đường băng thứ 3. Trước những ý kiến khác nhau, phóng viên đặt câu hỏi cho lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải về phương án mở rộng Tân Sơn Nhất.

Trả lời câu hỏi trên, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đã thuê đơn vị tư vấn nước ngoài nghiên cứu, rà soát quy hoạch để xác định một cách khách quan nhất.

Đơn vị tư vấn nước ngoài đã tổ chức nghiên cứu hết sức công phu, đã thảo luận nhiều lần, trong đó có báo cáo tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì. Cùng với đó, còn có ý kiến các nhà khoa học, nhà phản biện.

Liên quan đến ý kiến của nhóm nghiên cứu độc lập của Thành phố Hồ Chí Minh khác với nghiên cứu, đề xuất của tư vấn nước ngoài, Thứ trưởng cho rằng vấn đề này phải đặt các phương án trong bối cảnh chung của phát triển các cảng hàng không ở khu vực, những tác động đến phát triển và duy trì hoạt động của sân bay Tân Sơn Nhất trước mắt cũng như lâu dài.

Từ nay đến năm 2025, đúng theo lộ trình mà Quốc hội thông qua là phải đưa Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào khai thác, và dự báo chung cho phát triển về hành khách hay hàng hóa ở khu vực đó không thể tách rời với từng sân bay.

Đối với Tân Sơn Nhất phải đáp ứng nhu cầu trước mắt từ nay đến 2025 khi chưa có Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Bên cạnh đó phải xác định phương án hiệu quả để đầu tư đảm bảo không lãng phí, dư thừa công suất của Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong tương lai, đảm bảo cân đối chung cả 2 Cảng hàng không. Vấn đề này đang được nghiên cứu rất kỹ của cả trong nước và nước ngoài.

Về những ý kiến phản biện như của Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông Vận tải hoan nghênh và tiếp thu, nghiên cứu về dự báo, hướng phát triển, lộ trình hợp lý, hiệu quả tương quan giữa hai sân bay.

"Việc có mở rộng ra phía Bắc thêm một đường băng nữa hay không đã được nghiên cứu và trả lời nhiều khi phương án tiền khả thi của Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Hiện đơn vị tư vấn của Pháp cũng đánh giá rất khách quan, đề nghị không xây dựng đường băng số 3, tận dụng 2 đường băng hiện tại, nhưng làm thêm các đường lăn và các công năng khác như nhà ga, phát triển việc kết nối giao thông với đô thị Thành phố Hồ Chí Minh phát triển thuận lợi hơn.

Trong khi đó, phát triển các nhà ga về phía Nam thì việc tổ chức khai thác hiệu quả, đúng với giá trị đồng tiền đầu tư. Những ý kiến trên đã được Bộ công khai, tiếp tục nghiên cứu, tiếp nhận các ý kiến đánh giá và trình báo cáo trước Chính phủ trong tháng 3 này" - Thứ trưởng cho biết.

Về việc thành phố Hà Nội cấm Uber, Grab ở một số tuyến phố trong thời gian qua, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, về chức năng thì việc tổ chức giao thông trên các hệ thống đường xá, kết cấu hạ tầng đô thị là thẩm quyền của thành phố, và đơn vị trực tiếp chủ trì là Sở Giao thông Vận tải.

Uber hay Grab đều là các loại hình vận tải, nên việc quản lý là để đảm bảo tính công bằng giữa các loại hình vận tải. Và quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải là ủng hộ quản lý giao thông hợp lý./.

Xem thêm:

>>>Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2: Kịp thời có những phản ứng chính sách phù hợp

>>>Đại diện bộ ngành nói gì về việc tăng giá điện, “thẻ vàng” thủy sản, thoái vốn Sabeco?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục