Tiết kiệm điện: Không chỉ là nỗ lực của ngành điện

14:36' - 29/05/2017
BNEWS Ngành điện đã nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm tiêu hao và tăng khả năng tiết kiệm... Song câu chuyện tiết kiệm điện sẽ chỉ có hiệu quả khi cả khách hàng và ngành điện cùng chung tay.
 

Nhiều năm qua, tiết kiệm điện luôn là một trong những mục tiêu quan trọng của ngành điện để góp phần đảm bảo cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt.

Ngoài các giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp trong kiểm toán... thì ngành điện còn đầu tư cơ sở hạ tầng giúp giảm bán kính cấp điện, giảm tiêu hao và tăng tính tiết kiệm hơn.

Công nhân Công ty Điện Lực Hà Nam bảo trì đường dây. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Hỗ trợ khách hàng tiết kiệm điện

Theo ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), trong thời gian qua, Tổng Công ty luôn chủ động tuyên truyền rộng rãi về chống quá tải điện mùa khô, tiết kiệm điện trên địa bàn.

Tổng Công ty cũng phối hợp với các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể xã hội thực hiện tuyên truyền, phổ biến, tư vấn kiến thức tiết kiệm điện trực tiếp đến từng thôn, tổ dân phố, các trường học, các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn quản lý.

Ngoài ra, EVNNPC cũng đã phối hợp với các Sở Công Thương tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện tiết kiệm điện trên địa bàn.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời khách hàng sản xuất, kinh doanh dịch vụ, chiếu sáng công cộng không thực hiện tiết kiệm điện.

Bên cạnh đó, Tổng Công ty đẩy mạnh các hoạt động tư vấn tiết kiệm điện, quảng bá thiết bị tiết kiệm điện, xây dựng và nhân rộng các mô hình mẫu về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Hà Nam là một trong nhiều tỉnh, thành có số lượng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn, lượng điện tiêu thụ 4 tháng đầu năm 2017 tăng trưởng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2016.

Tỉnh Hà Nam cũng nằm trong top 10 về thu hút đầu tư, nên điện luôn phải đi trước một bước, phải luôn đảm bảo cung cấp điện ổn định cho các doanh nghiệp và người dân.

Do vậy, ngoài áp lực về đầu tư, sửa chữa lưới điện thì việc tuyên truyền và hỗ trợ tiết kiệm điện cho khách hàng, người dân cũng rất quan trọng, đặc biệt là khâu vệ sinh công nghiệp.

Ông Bùi Xuân Thành, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hà Nam cho biết, Điện lực Hà Nam đã có dịch vụ vệ sinh hotline và thực hiện miễn phí cho các doanh nghiệp.

"Đối với các doanh nghiệp sản xuất xi măng có lượng bụi bẩn, tần suất sự cố điện lớn, công ty ưu tiên với các đơn vị ký dịch vụ bao thầu. Với khách hàng không ký dịch vụ, trước mắt đơn vị thực hiện miễn phí giúp doanh nghiệp giảm sự cố, tiết kiệm điện năng hơn", ông Thành nói.

Ngoài ra, Điện lực Hà Nam cũng cho biết, tại các khu công nghiệp, khi mất điện, chỉ nhắn tin đến công ty là “lực lượng phản ứng nhanh” sẽ đến sửa chữa ngay. Nếu chưa khắc phục được công ty cũng sẽ nhắn tin báo lại thời gian dự kiến đến sửa ngắn nhất.

Theo báo cáo của Điện lực Hà Nam, điểm chấm về cung ứng điện, thông tin đến khách hàng, dịch vụ khách hàng..., được trung bình 7,72. Đây là mức điểm tương đối tốt, phần nào ghi nhận sự hài lòng của khách hàng với ngành điện.

Ngoài Hà Nam , thì Hải Phòng cũng là một trong những tỉnh thành làm tốt câu chuyện tiết kiệm điện. Theo ông Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc Trung tâm điều độ B2 - Công ty Điện lực Hải Phòng, hàng năm, công ty đều phối hợp với Sở Công Thương tỉnh kiểm tra các trạm phân phối cũng như tình hình sử dụng điện, kiểm tra sự cố của khách hàng.

“Chúng tôi cũng ứng dụng công nghệ mới rửa sứ cao thế mà không cần phải cắt điện để tránh ảnh hưởng tới các hộ gia đình, doanh nghiệp, nhà máy sản xuất...”, ông Giang cho biết.

Hải Phòng có trên 4.000 trạm phân phối thì có khoảng 2.000 trạm của các khách hàng, trong đó phần lớn khách hàng không có chuyên môn sâu về điện.

Vì thế, việc phối hợp với Sở Công Thương và ký bao thầu với nhiều khách hàng là để làm tốt hơn công tác kiểm tra định kỳ, tư vấn hỗ trợ khách hàng trong tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất sử dụng điện lớn như thép, ống nhựa..., ông Giang cho biết thêm.

Doanh nghiệp đồng hành

Vấn đề tiết kiệm năng lượng không còn là mới mẻ với các doanh nghiệp. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, việc có thể tiết kiệm điện sẽ giúp doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của chính mình.

Tại phân xưởng 5, Công ty CP Nhựa Thiếu tiên Tiền Phong – Tp. Hải Phòng- công ty hàng đầu trong sản xuất ống nhựa tại Việt Nam, những công nghệ hiện đại cho sản xuất tiết kiệm đã được đầu tư tối đa.

Một trong số đó là công nghệ tận dụng hơi nóng sản xuất ống nhựa để đưa vào sấy hạt, giúp tiết kiệm nguồn năng lượng hàng trăm nghìn kWh điện/tháng cho phân xưởng này.

Theo ông Phạm Văn Bằng, Quản đốc phân xưởng 5, một giải pháp nữa mà công ty sử dụng là cải tạo máy hút point băng in nhiệt, giảm thời gian hút máy in nhiệt chỉ còn 6 giây. Trong khi đó, trước đây riêng thời gian chờ không hút nhiệt là 50 giây. Như vậy, điện năng trước kia sử dụng 10 phần thì giờ chỉ còn 1,5 phần, mà lại đảm bảo tốt cho máy móc.

Cũng theo kỹ sư điện Trần Quốc Thiện, Phòng Kỹ thuật của Công ty CP Nhựa Tiền Phong, đặc thù sản xuất các loại ống là tiêu thụ điện lớn nên tiết kiệm năng lượng rất được chú trọng.

Nhựa Tiền Phong đã xây dựng quy chế thưởng phạt, tiết kiệm năng lượng của người lao động.

Hoạt động sản xuất tại Nhựa Tiền Phong. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Bên cạnh đó, công tác thiết kế nhà xưởng để tận dụng ánh sáng tự nhiên, năng lượng chiếu sáng, đặc biệt là hạn chế phế phẩm, nâng cao hiệu suất sử dụng thiết bị cũng là 1 trong các phương án tiết kiệm năng lượng.

“Ngành điện cung cấp điện rất tốt, nhưng công ty cũng phải chủ động các giải pháp để sử dụng điện một cách hiệu quả và tiết kiệm hơn. Mỗi năm công ty tiêu tốn khoảng 60 tỷ đồng tiền điện, do vậy nếu tiết kiệm được 10-15% thì là quá tốt”, kỹ sư Thiện nói.

Tuy nhiên, ông Trần Quốc Thiện cũng cho rằng, việc dám đầu tư vào công nghệ, thiết bị để tiết kiệm điện còn tuỳ vào quyết tâm của chính lãnh đạo mỗi công ty, có thể làm từ từ từng bước, nhưng nhất định phải làm.

Công ty sản xuất Thép Úc (SSE) cũng là một trong những đơn vị sử dụng điện lớn, với khoảng hơn 4 tỷ đồng/tháng. Theo ông Đỗ Quang Vượng, Giám đốc sản xuất SSE, ngay từ khi đi vào sản xuất, công ty đã đầu tư dây chuyền hiện đại của Siemens, các thiết bị 100% máy biến tần, tự động hoá hoàn toàn nhằm giảm tiêu hao năng lượng và sự cố xảy ra.

Ngoài ra, công ty còn đưa chương trình thưởng phạt tiết kiệm năng lượng trên từng kWh điện, để người lao động phấn đấu tiết kiệm chi phí điện năng, giảm thời gian dừng sự cố, nâng hiệu suất chạy thiết bị lên cao nhất.

“Có những tháng, chúng tôi thưởng cả trăm triệu đồng cho công nhân thực hiện tiết kiệm điện. Từ đó người lao động có ý thức hơn trong tiết kiệm năng lượng", ông Vượng bày tỏ.

Cũng theo ông Vượng, công ty thường xuyên kiểm toán năng lượng, xem xét đánh giá lại các thiết bị điện nói chung để đưa ra giải pháp thay thế, đầu tư thiết bị mới hay đưa các cán bộ kỹ thuật đi đào tạo để có giải pháp về tiết kiệm năng lượng.

Đồng thời tham gia các đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giảm thời gian máy chạy không có sản phẩm. Hiện nay, SSE cũng đang có kế hoạch đầu tư thêm hệ thống biến tần cho cầu trục, bơm nước, cải tạo thiết bị cũ...

Đại diện SSE cũng cho rằng, tiết kiệm điện phải nhìn từ hai phía, cung – cầu. Doanh nghiệp, người dân đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện tiết kiệm thành công.

Nhưng về phía nhà nước, các cơ quan chức năng cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tiết kiệm điện, và ngược lại là xử phạt các doanh nghiệp tiêu tốn điện năng.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục