Tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử, giải pháp đắc lực cho nông dân

10:00' - 28/05/2021
BNEWS Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, việc kết nối tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử là giải pháp đắc lực giúp nông dân mở rộng thị trường và tiếp cận với xu thế công nghệ số.

* “Cái khó ló cái khôn”

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong năm 2020, người tiêu dùng cả nước đã nhiều lần tham gia giải cứu nông sản cho các địa phương nằm trong vùng dịch, như: Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hưng Yên... Hàng tấn nông sản, như: su hào, cà chua, bắp cải, cà rốt... được đưa lên thành phố tiêu thụ với mong muốn giảm bớt tổn thất cho người nông dân.

Tuy nhiên, xét về tổng thể, việc tổ chức các chương trình giải cứu nông sản không mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế. Bởi, các nông sản giải cứu không mang lại giá trị cao, ngành nông nghiệp vẫn bị tổn thất.

Do đó, ngay từ đầu năm 2021, Bộ Công Thương đã có giải pháp “giải cứu nông sản giai đoạn công nghệ”, đưa nông sản Việt Nam lên các sàn thương mại điện tử. Trong đó, vải thiều và hành tím được lựa chọn thí điểm để bán trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử.

Theo ông Hoàng Minh Chiến,  Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), việc chuyển đổi số, đưa các mặt hàng nông nghiệp Việt Nam lên sàn thương mại điện tử đã được chuẩn bị từ nhiều năm trước. Hiện nay, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã thúc đẩy việc chuyển đổi này diễn ra mạnh mẽ hơn.

Tháng 3/2021, khi tỉnh Hải Dương bị cách ly do dịch COVID-19, một số sàn thương mại điện tử như: Sendo.vn, Voso.vn, Postmart… đã hỗ trợ nông dân Hải Dương tiêu thụ hàng nghìn tấn su hào, bắp cải, cà rốt, cà chua, súp lơ…

Trong tháng 5 này, vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đã lên sàn thương mại điện tử thành công. Bộ Công Thương đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước, như Alibaba, Lazada, Sendo để tiếp cận thị trường.

Theo ghi nhận của Cục Xúc tiến thương mại, tính từ ngày 14/5 đến nay, đã có khoảng 3 tấn vải thiều Thanh Hà được tiêu thụ trên Lazada. Riêng sàn thương mại Sendo đã bán hết 6 tấn vải thiều trong ngày đầu mở bán (ngày 24/5).

Mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang - địa phương có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất cả nước, cũng đã đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang qua các sàn thương mại điện tử, nhằm đưa quả vải đến với đông đảo người dân cả nước hơn, đồng thời tránh cho quả vải thiều rơi vào tình trạng phải “giải cứu”.

Không chỉ vải thiều, gần đây, nhiều loại nông sản tươi khác của Việt Nam, đặc biệt là rau quả như: bí xanh Bắc Kạn; hành tím Sóc Trăng, bưởi hồng da xanh Bến Tre... cũng bước đầu được đăng bán qua sàn thương mại điện tử.

Cùng với kênh bán online trong nước, kênh thương mại điện tử, quảng bá sản phẩm Việt ra thị trường nước ngoài cũng đang được đẩy mạnh. Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cơ quan này đang làm việc với sàn Alibaba để mở một gian hàng quốc gia, giới thiệu, quảng bá hàng Việt ra thế giới.

Theo bà Vũ Thị Minh Tú, Giám đốc Đối ngoại Lazada Việt Nam, việc đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử đã phần nào hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm này hiệu quả hơn, đồng thời đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số trong nền kinh tế.

Từ chiến dịch đưa sản phẩm tươi sống lên sàn, thông qua hỗ trợ về mặt công nghệ của các sàn thương mại điện tử, không ít doanh nghiệp kinh doanh nông sản, thực phẩm tươi sống đã tiếp cận được khách hàng dễ dàng hơn, từ đó tăng doanh số.

Ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh, việc đưa nông sản bán online sẽ tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho sản phẩm tiềm năng của các địa phương, nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và đặc biệt khuyến khích tinh thần người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

* Đẩy mạnh kết nối

Mặc dù mang lại nhiều lợi ích, nhưng để có thể triển khai một cách bài bản, bền vững trên diện rộng chứ không chỉ là những cuộc "giải cứu" mùa vụ, việc tiêu thụ nông sản qua các sàn thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức.

Thách thức đầu tiên là kiến thức của nông dân về kinh doanh trực tuyến qua sàn thương mại điện tử còn hạn chế. Tiếp theo là việc đảm bảo chất lượng, nguồn hàng ổn định để kéo khách hàng quay lại. Việc này phụ thuộc vào quy mô sản xuất, đảm bảo các chuỗi cung ứng phải ổn định thay vì canh tác nhỏ lẻ, manh mún.

Cùng với đó, khâu vận chuyển, bảo quản hàng hoá cũng phải được xử lý tốt, để thực phẩm giữ được chất lượng cao nhất khi giao đến tay khách hàng; qua đó, hạn chế tối đa những rủi ro về khiếu nại chất lượng sản phẩm.

Theo ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, để xây dựng được kênh tiêu thụ bền vững, cần sự chung tay của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, các kênh phân phối. Trong đó, đặc biệt nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân canh tác… trong việc xác định, xây dựng thị trường tiềm năng, thị trường đích...

Theo đó, người trồng cần chú trọng hơn tới quy trình canh tác để đảm bảo chất lượng nông sản đồng đều; các đơn vị tham gia chuỗi cung ứng phải cam kết chất lượng, giá... khi đưa sản phẩm lên kênh bán online, để tạo được sự tin dùng từ người mua.

Theo Cục Xúc tiến thương mại, thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh kết nối nông sản các địa phương với các sàn thương mại điện tử; Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với những hoạt động trên, kênh phân phối trực tuyến nông sản “Gian hàng Việt trực tuyến” đã được Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với các sàn thương mại điện tử Sendo.vn, Voso.vn và Tiki.vn triển khai… góp phần giảm bớt khâu trung gian, hạ giá thành sản phẩm, nâng sức cạnh tranh cho nông sản Việt.

Riêng về việc bán hàng trên các sàn thương mại quốc tế, ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Te-food International cho biết, bên cạnh mẫu mã, chất lượng, doanh nghiệp muốn bán được hàng cần quan tâm đến truy xuất nguồn gốc, giúp minh bạch xuất xứ sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, đáp ứng sản xuất xanh, sạch - đòi hỏi của không ít thị trường nhập khẩu hiện nay và trong tương lai.

Theo báo cáo Thương mại điện tử Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain & Company, thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020-2025 là 29% và tới năm 2025, quy mô thương mại điện tử nước ta đạt 52 tỷ USD. Bốn sàn thương mại điện tử lớn nhất hiện nay tại Việt Nam là Shopee, Lazada, Tiki và Sendo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục