Tìm “chỗ đứng“ cho làng nghề gỗ

15:46' - 19/01/2018
BNEWS Khảo sát thực địa tại 5 làng nghề gỗ vùng Đồng bằng sông Hồng cho thấy, có tới 74,5% số hộ được khảo sát không đăng ký kinh doanh.
Hội thảo “Làng nghề gỗ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập: Thực trạng và các lựa chọn về chính sách phát triển bền vững”. Tác giả: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Ngày 19/1, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Làng nghề gỗ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập: Thực trạng và các lựa chọn về chính sách phát triển bền vững”.
Việt Nam hiện có khoảng trên 300 làng nghề gỗ đang hoạt động với hàng chục nghìn hộ gia đình và hàng trăm nghìn lao động. Các làng nghề gỗ có điểm chung chính là sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ quý nhập khẩu.

Theo Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Chương trình hành động Thực thi lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại (VPA/FLEGT), các sản phẩm gỗ của các làng nghề, bao gồm các sản phẩm xuất khẩu và các sản phẩm tiêu thụ trong nước là đối tượng điều chỉnh của hiệp định. Việc thực hiện hiệp định trong tương lai có thể sẽ có những tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ thuộc làng nghề.
Với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế Vương quốc Anh (DFID) và Cơ quan Phát triển của Chính phủ Na Uy (NORAD) thông qua Tổ chức Forest Trends, một cuộc khảo sát thực địa đã được triển khai tại 5 làng nghề gỗ vùng Đồng bằng sông Hồng gồm: Đồng Kỵ, La Xuyên, Vạn Điểm, Hữu Bằng và Liên Hà.
Qua khảo sát, ông Đặng Việt Quang, Tổ chức Forest Trend cho biết, các làng nghề gỗ này điển hình cho các làng có sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ quý nhập khẩu, có rủi ro cao về tính pháp lý để sản xuất đồ gỗ có giá trị cao. Một số làng như Liên Hà, Hữu Bằng sử dụng gỗ nguyên liệu đầu vào rủi ro thấp, thân thiện về môi trường bởi gỗ nhập khẩu từ Mỹ, EU, gỗ rừng trồng trong nước...
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, đến nay, hoạt động của các hộ sản xuất kinh doanh tại các làng nghề còn mang đậm tính tự phát, chủ yếu chạy theo nhu cầu, thị hiếu của thị trường.

Hiểu biết và mối quan tâm của các hộ về tính pháp lý của nguồn gỗ nguyên liệu, các quy định về sử dụng lao động, vệ sinh an toàn lao động, các quy định về môi trường, phòng chống cháy nổ.... liên quan trực tiếp đến các hoạt động của hộ hạn chế.
Đặc biệt, giao dịch giữa các hộ trong làng, bao gồm giao dịch giữa hộ kinh doanh gỗ nguyên liệu và hộ sản xuất chế biến đồ gỗ, giữa các hộ sản xuất và người mua đồ gỗ sau chế biến là các giao dịch miệng và hầu như không có bất cứ bằng chứng pháp lý nào minh chứng cho tính hợp pháp của gỗ và sản phẩm sau chế biến.
Hoạt động của các hộ tại làng nghề là hoạt động phi chính thức, bởi hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ tại làng nghề chưa được công nhận một cách chính thống bởi hệ thống pháp luật hiện hành.

Điều này thể hiện ở con số 74,5% số hộ được khảo sát tại 5 làng nghề không đăng ký kinh doanh, 64% số hộ không có mặt bằng sản xuất, phải sử dụng không gian sống của gia đình, 100% lao động thuê bởi các hộ là hợp đồng miệng, khoảng 90% các giao dịch giữa các hộ sản xuất và hộ cung gỗ nguyên liệu, giữa hộ bán sản phẩm sau chế biến và người mua thiếu các bằng chứng về tính hợp pháp của gỗ…

Sản xuất sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu ở Bình Dương.Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Trước tình trạng trên, theo các chuyên gia, lựa chọn chính sách tốt nhất cho các hộ tại các làng nghề gỗ hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập là hỗ trợ chính thức hóa các hộ này. Chính thức hóa là cơ sở giúp các hộ đáp ứng được với các yêu cầu của hiệp định, bao gồm tuân thủ các quy định hiện hành về các khía cạnh như sử dụng nguyên liệu đầu vào, sử dụng lao động, các biện pháp bảo vệ môi trường.
“Chính thức hóa các cơ sở phi chính thức là giải pháp tốt nhất trong các lựa chọn về chính sách, bởi cách tiếp cận này giúp cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ cung bởi các cơ sở, tạo nguồn thu cho chính phủ thông qua kênh thuế”, ông Đặng Việt Quang nói.
Theo ông Quang, để làm được điều này, nhà nước cần có sự nhìn nhận công bằng và xác đáng về tầm quan trọng của làng nghề đối với kinh tế hộ, vai trò trong việc tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo. Định vị chính xác về vai trò của làng nghề là điều quan trọng, giúp cho các cơ quan quản lý xác định các cơ chế, chính sách phù hợp với bối cảnh của các hộ tại làng nghề hiện nay.
Các biện pháp mạnh nên được áp dụng, đặc biệt cần tập trung vào tăng cường giám sát nguồn cung gỗ đầu vào cho các hộ làng nghề. Các biện pháp khuyến khích nên được áp dụng đối với các hộ sản xuất chế biến trong làng nghề, nhằm chuyển đổi các hộ có đủ điều kiện trở thành hộ đăng kí kinh doanh.

Các biện pháp này có thể bao gồm hỗ trợ thông tin, tư vấn pháp lý, thủ tục giấy tờ nhằm giúp hộ đăng kí kinh doanh, hay các biện pháp ưu đãi về thuế…. Quỹ đặc biệt hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ được thiết lập trong thời gian tới nên dành trọng tâm, ưu tiên hỗ trợ các hộ chuyển đổi từ hình thức phi chính thức sang chính thức./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục