Tìm động lực cho nền kinh tế Việt Nam

15:55' - 30/10/2019
BNEWS Trong bối cảnh toàn cầu còn nhiều yếu tố bất định, với những nhận định và góc nhìn của các chuyên gia sẽ đưa ra những giải pháp để duy trì tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới.

Hội thảo Động lực cho kinh tế Việt Nam: góc nhìn và triển vọng. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Ngày 30/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo Động lực cho kinh tế Việt Nam: góc nhìn và triển vọng.

Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng phụ trách CIEM cho biết, hội thảo tập trung phân tích diễn biến kinh tế vĩ mô trong 9 tháng năm 2019 và những động lực cho kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Trong bối cảnh toàn cầu còn nhiều yếu tố bất định, với những nhận định và góc nhìn của các chuyên gia sẽ đưa ra những giải pháp để duy trì tốc độ tăng trưởng.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban nghiên cứu Tổng hơp CIEM đã trình bày báo cáo Nghiên cứu của CIEM về kinh tế Việt Nam: Kết quả, vấn đề và triển vọng.

Theo ông Dương, Việt Nam đang tiếp tục khung chính sách kết hợp ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế tác động bất lợi từ môi trường kinh tế bên ngoài với cải cách vĩ mô; trong đó, tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô và giải trình hợp lý với thị trường, theo dõi và cập nhật kịch bản ứng phó chiến tranh thương mại, sửa đổi một số luật như Luật Doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục xây dựng các chính sách nhằm tận dụng cơ hội từ Cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số; chuẩn bị định hướng phát triển kinh tế xã hội 2021-2030. Hiện, Việt Nam cũng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao hơn so với các nước trong khu vực.

Về động lực cho tăng trưởng, ông Dương cho rằng, thời gian qua, Việt Nam tăng trưởng tương đối nhanh ở khu vực công nghiệp và theo đó, khai khoáng tăng trở lại sau khi sụt giảm trong năm 2018.  Đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng là công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn bán lẻ và sửa chữa mô tô, xe máy, xe có động cơ khác. Tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng tăng nhẹ. Một số ngành còn nhiều dư địa như thông tin và truyền thông; khoa học công nghệ… Xuất nhập khẩu vẫn giữ đà phục hồi tăng trưởng; thặng dư thương mại trong 9 tháng ước đạt 7,1 tỷ USD, vượt cả cùng kỳ năm 2018.  Khu vực đầu tư nước ngoài giảm tốc thấp hơn so với khu vực trong nước.

“Trong 9 tháng của năm, khu vực tư nhân thêm sức sống, điều đó thể hiện ở chỗ đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng nhanh nhất. Từ đó, tạo động lực cho nhà đầu tư toàn xã hội; hứng khởi kinh doanh tăng được thể hiện qua số doanh nghiệp thành lập mới vẫn tăng. Sức sống, sáng tạo, linh hoạt và thích nghi trong bối cảnh mới như thực hiện dự án hạ tầng lớn, khai thác các thị trường xuất khẩu trong bối cảnh gia tăng căng thẳng thương mại và chủ nghĩa bảo hộ”, ông Dương nhìn nhận.

Theo GS. Nguyễn Mại, cũng nên nhìn lại những khó khăn của nền kinh tế và tìm kiếm động lực cho tăng trưởng. Hiện nay, kinh tế vĩ mô của Việt Nam tương đối vững, tăng trưởng ngành tốt, đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước và đảm bảo cuộc sống của người dân. Sắp tới, cần phải tạo động lực trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) một cách chọn lọc, tiếp thu những cái mới của Cách mạng công nghiệp 4.0.

TS. Lê Đình Ân, chuyên gia kinh tế cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2020 cần những giải pháp thiết thực như: tận dụng hết cơ hội để xuất khẩu, đẩy mạnh tiêu dùng, đẩy mạnh tốc độ cổ phần hoá… “Nên cơ cấu lại sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, cải cách thể chế, tìm ra phương thức quản lý, phân tích kinh tế, thị trường, phải chuyển từ số lượng sang chất lượng và cách thức quản lý như thế nào để hiệu quả hơn… Từ đó tìm được động lực dài hơi hơn”. TS. Lê Đình Ân cho hay.

Còn theo TS Nguyễn Đình Cung, để duy trì động lực cho tăng trưởng cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa, thu hút nguồn lực nhiều hơn để đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn. Cùng với việc tiếp tục duy trì và củng cố vững chắc ổn định kinh tế vĩ mô và trực tiếp hỗ trợ hợp lý đối với tăng trưởng kinh tế, các ngành chức năng xem xét, bãi bỏ các rào cản, thủ tục hành chính bất hợp lý, đơn giản hóa, hợp lý hóa các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường. Cùng đó, tạo thuận lợi và khuyến khích mạnh mẽ đầu tư tư nhân, xây dựng năng lực sản xuất kinh doanh mới cho nền kinh tế; đẩy nhanh giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công…

Trước những thách thức của nền kinh tế, CIEM kiến nghị tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô để làm nền cho cải cách; trong đó, xây dựng cập nhật các kịch bản ứng phó với bất định từ bên ngoài; đặc biệt, quản lý được dòng vốn nước ngoài, tránh tình trạng chỉ để “giữ chỗ”.

Ngoài ra, CIEM cũng đề nghị Chính phủ điều hành tỷ giá thận trọng, linh hoạt, và không “hành chính” trong mở rộng tín dụng và hạ lãi suất mà lưu tâm nhiều hơn đến chất lượng tín dụng.

“Cải cách nền tảng kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thêm động lực mới; trong đó, tư duy mở hơn với các vấn đề mới, thông thoáng và hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển”, đại diện CIEM nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục