Tìm giải pháp nâng cao giá trị ngành tôm Việt Nam

16:03' - 25/06/2017
BNEWS Tôm là sản phẩm có vị trí rất quan trọng trong ngành nông nghiệp Việt Nam với giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng năm trên 3 tỷ USD, tạo ra khoảng 2 triệu việc làm, góp phần ổn định và phát triển KTXH.
Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Giá Rai, thị xã Giá Rai (Bạc Liêu). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Tôm là sản phẩm có vị trí rất quan trọng trong ngành nông nghiệp Việt Nam với giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng năm trên 3 tỷ USD, tạo ra khoảng 2 triệu việc làm, góp phần ổn định và phát triển kinh tế-xã hội.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nghề nuôi tôm ở Việt Nam trở nên tiềm năng bậc nhất trong ngành nông nghiệp với thị trường rộng lớn, khả năng sản xuất và mở rộng vùng nuôi. Tại Việt Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long là nơi hội tụ nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để tập trung phát triển thành vùng sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm của cả nước.

Tuy nhiên, bất cập của ngành tôm hiện nay là quy mô sản xuất nhỏ, manh mún nên chưa đáp ứng được các điều kiện về năng suất và sản lượng tập trung để thúc đẩy liên kết. Một nghịch lý còn tồn tại là giá thành tôm nuôi ở Việt Nam luôn rất cao (so với các nước cạnh tranh chính như Ấn Độ, Thái Lan…) do chi phí đầu vào vẫn ở mức cao. Chính điều này đã làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của ngành tôm Việt Nam.

Tiến sĩ Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản đang triển khai nhiều biện pháp trong kế hoạch hành động tôm đã trình Chính phủ.

Ngay từ năm nay, có nhiều phương án triển khai để ngành tôm tăng trưởng một cách bền vững; trong đó, có giải pháp tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, tập trung vào những mô hình phù hợp để giảm thiểu rủi ro cho người dân.

Theo đó, sẽ rà soát lại quy hoạch, đối với vùng nào phù hợp loại hình nuôi nào sẽ triển khai tiến bộ kỹ thuật vào từng loại hình để làm sao phát triển một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy sản cũng đề nghị các địa phương tăng cường công tác quan trắc và quản lý môi trường, để có những thông tin về môi trường, dịch bệnh và những giải pháp kèm theo giúp người dân có những ứng phó và chủ động trong nuôi tôm.

Cũng theo ông Luân, đối với chuỗi sản xuất tôm, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu thì quá trình nuôi đóng vai trò quan trọng, có nhiều biện pháp đang thực hiện; trong đó, tổ chức lại liên kết sản xuất để tạo ra những cánh đồng lớn, tiếp cận vật tư đầu vào, giảm giá thành sản xuất và chất lượng được đảm bảo.

Ngoài ra, sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra đầu vào nhằm kiểm soát tốt, ngay từ đầu con tôm giúp người dân yên tâm đầu tư sản xuất.

Theo ông Christian Henckes, Giám đốc GIZ/ICMP, hệ sinh thái tại các vùng sản xuất tôm thường rất nhạy cảm, hiệu quả sản xuất có thể rất cao nhưng đi kèm đó là tác động hủy diệt cũng rất lớn. Những thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam ngày càng đòi hỏi cao hơn, không chỉ chất lượng sản phẩm mà còn quan tâm đến toàn bộ quá trình sản xuất, như tính bền vững và thân thiện với môi trường…

Ông Christian Henckes cho biết, GIZ làm việc rất chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh nhằm hỗ trợ phát triển ngành nuôi tôm của Việt Nam thành ngành công nghiệp hiện đại, có hiệu quả sản xuất cao không chỉ ở Đồng bằng sông Cửu Long mà còn cho cả Việt Nam.

Có nhiều cách để ngành tôm Việt Nam tăng trưởng doanh thu một cách bền vững, ông Henckes nói; trong đó, quan trọng là xác định được những vùng nào ở Đồng bằng sông Cửu Long thích hợp với các mô hình nuôi nào, như quảng canh kết hợp, tôm – lúa, tôm – rừng, thâm canh năng suất cao…

Là một trong những doanh nghiệp sản xuất tôm giống lớn nhất Việt Nam và hiện đang nuôi tôm thương phẩm năng suất cao trong nhà kính, ông Đặng Quốc Tuấn, đại diện tập đoàn Việt – Úc cho biết, công ty xác định để nâng cao giá trị con tôm thì xây dựng thương hiệu mạnh là điều cần thiết.

Thời gian qua, Việt – Úc đã tiến hành nhiều chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm tôm Việt Nam ra thị trường nước ngoài và thu được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị ngành tôm thì cần sự quan tâm đồng hành của Chính phủ chứ bản thân một doanh nghiệp hoàn toàn không thể làm được.

Đối thoại cũng lấy ý kiến cho Kế hoạch hành động phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, xác định rõ mục tiêu đưa ngành tôm tiến lên thành ngành công nghiệp sản xuất lớn, hiệu quả, có khả năng cạnh tranh cao và phát triển bền vững; mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Bên cạnh đó, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất tôm của thế giới; trong đó Đồng bằng sông Cửu Long là thủ phủ của nuôi, chế biến tôm chất lượng cao. Đồng thời, áp dụng công nghệ để nâng cao giá trị và sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, đến lúc cần phát huy lợi thế của ngành tôm Việt Nam thông qua việc minh bạch hóa đầu vào sản xuất và tăng cường việc thực thi các biện pháp để nâng cao chất lượng giống, thức ăn.

Đó là điều kiện tiên quyết để đưa ngành tôm hướng đến phát triển bền vững hơn, đặc biệt là nâng cao hiệu quả sản xuất để tối ưu hóa chi phí đầu vào. Đặc biệt là cần xây dựng thương hiệu để đảm bảo tôm Việt Nam có thể khẳng định lợi thế trên thị trường toàn cầu.

Chương trình Quản lý Tổng hợp vùng ven viển (ICMP) giúp khắc phục các thách thức do biến đổi khí hậu gây ra như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn, sạt lở… thông qua việc củng cố vùng bờ ở Đồng bằng sông Cửu Long. Mục tiêu của chương trình nhằm hỗ trợ Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng cho sự thay đổi về môi trường vùng ven biển, từ đó tạo nền cho tăng trưởng bền vững./.

>>> Australia chấp nhận tôm chế biến tại Việt Nam sau đó tái nhập khẩu

>>> Trà Vinh “sốt” con giống tôm càng xanh toàn đực

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục