Tìm giải pháp phát triển bền vững cho ngành hàng cà phê

21:40' - 28/02/2017
BNEWS Ngày 28/2, tại Đà Lạt, Ban điều phối ngành hàng cà phê (VCCB), Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội thảo “Tăng cường năng lực thể chế cho phát triển bền vững chuỗi giá trị ngành hàng cà phê”.
Quả cà phê thu hoạch chuẩn bị được đưa vào chế biến. Nguồn: TTXVN

Hội thảo là dịp để đại biểu đại diện cho các hợp tác xã, công ty chế biến sản xuất cà phê cùng các nhà quản lý, tổ nhóm nông dân trên địa bàn cùng nhau tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu qua đó tìm cơ hội đầu tư, tiếp cận nguồn vốn cũng như tìm thị trường đầu ra cho cà phê.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau phân tích thực trạng và định hướng trong phát triển cà phê Lâm Đồng, những hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất cà phê của Hội nông dân…

Qua đó, nhiều hợp tác xã, hộ nông dân đặt vấn đề mặc dù đã sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn bền vững (như UTZ, 4C), nhưng khi đến vụ thu hoạch giá bán cà phê chỉ bằng với giá các loại cà phê bình thường khác. Cùng với đó là việc tiếp cận nguồn vốn, mua phân bón, chia sẻ kinh nghiệm, thị trường vẫn còn khó khăn…

Ông Trịnh Tấn Vinh, Chi hội trưởng Chi hội Người sản xuất cà phê bền vững huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng cho biết, sau gần 3 năm chi hội được thành lập chỉ có 50 hội viên.

Việc các hội viên tiếp cận thông tin thị trường về lĩnh vực này rất hạn chế khiến chi hội gặp rất nhiều khó khăn. Dù đã tham gia sản xuất cà phê bền vững nhưng giá cà phê vẫn còn “trôi nổi”. Những nguồn vốn tín dụng tái canh cà phê đến với hội viên còn rất bấp cập.

Ngoài ra, việc liên kết cung ứng vật tư nông nghiệp, phân bón đầu vào cũng như tiêu thụ sản phẩm đầu ra chưa được thực hiện. Trong thời gian tới, chi hội mong muốn được ưu đãi trong việc mua vật tư nông nghiệp; hội viên được học những lớp khoa học kỹ thuật về canh tác, tái canh cà phê. Đặc biệt là đầu ra cho sản phẩm cà phê với giá ổn định.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban điều phối ngành hàng cà phê, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn cho rằng, trước những khó khăn về giá cả, chất lượng cà phê còn hạn chế, liên kết đầu ra Viện sẽ kết nối giữa nhóm hợp tác công tư với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tìm nguồn cung cấp vật tư đầu vào (như phân bón, máy móc…).

Đối với vấn đề nguồn vốn tái canh cà phê, Việt Nam đã thực hiện dự án VnSAT (chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam) do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Thời gian cho vay vốn kéo dài 4 năm với 400 triệu đồng/ha. Đặc biệt để ngành cà phê trong nước phát triển, nông dân cần phải liên kết, nhanh chóng thành lập hợp tác xã. Khi thành lập được hợp tác xã kinh doanh mới có lãi và có nhiều ưu đãi hơn.

Lâm Đồng hiện có trên 152.600 ha cà phê, đứng thứ hai cả nước, chỉ sau Đắk Lắk. Năng suất bình quân đạt từ 28,3 tạ/ha, sản lượng 408.000 tấn; giá trị chiếm khoảng 45% trong cơ cấu ngành nông nghiệp; trong đó diện tích cà phê theo sản xuất các tiêu chuẩn bền vững (4C, UTZ, Raniforest) khoảng 44.000 ha./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục