Tìm giải pháp phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ

16:00' - 01/11/2018
BNEWS Trong 9 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gỗ và các sản phẩm gỗ của Đồng Nai đạt 1,168 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Công nhân chế biến gỗ ép công nghiệp. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Ngày 1/11, UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức hội nghị Định hướng giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu nhằm tìm ra những khó khăn, vướng mắc trong phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh hiện có 200.000 ha rừng và đất lâm nghiệp; trong đó khoảng 40.000 ha rừng phòng hộ, 35.000 ha rừng sản xuất, gần 40.000 ha cao su cùng với diện tích đáng kể cây trồng phân tán.

Đây là nguồn cung cấp nguyên liệu dồi dào cho chế biến gỗ, đưa Đồng Nai trở thành một trong những thủ phủ ngành gỗ của cả nước.

Trong 9 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gỗ và các sản phẩm gỗ của Đồng Nai đạt 1,168 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Tuy nhiên, với nguồn cung dồi dào, thị trường tiêu thụ rộng lớn, nhưng để phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo ông Nguyễn Văn Quý, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hố Nai (thành phố Biên Hòa) hiện nay, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ gỗ chính là mặt bằng sản xuất. Các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực gỗ chủ yếu là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động sản xuất trong các khu dân cư nên mặt bằng hẹp, khó khăn cho hoạt động sản xuất, nhất là đầu tư trang thiết bị.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Quý cũng chỉ ra, các doanh nghiệp làm thủ tục, giấy tờ để xây dựng mặt bằng sản xuất gặp nhiều khó khăn và phải chờ đợi rất lâu. Công ty đã có mặt bằng, sổ đỏ nhưng để làm thủ tục để được sản xuất hợp pháp đúng quy định của Nhà nước, không gây ô nhiễm môi trường… cũng phải mất 2 năm mới hoàn thành giấy tờ và đi vào sản xuất.

Ngoài ra, đại diện các doanh nghiệp cũng chỉ ra, về việc vay vốn xoay vòng ở ngân hàng để sản xuất, tạo nguồn cung cho chế biến gỗ còn nhiều bất cập.

Theo quy định ngân hàng chỉ cho vay vốn trong vòng 5 năm, tuy nhiên với cây gỗ nếu chỉ trồng 5 năm là phải chặt để xoay vòng vốn thì giá trị khai thác rất thấp, gỗ non không đủ tiêu chuẩn để sản xuất các mặt hàng gỗ. Do đó, cần có chính sách đặc thù riêng cho ngành gỗ khi vay vốn tại các ngân hàng.

Tại hội nghị, các chủ doanh nghiệp gỗ trên địa bàn tỉnh cũng cho rằng, để ngành gỗ phát triển bền vững cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp để hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với nhau. Tuy nhiên, hiện nay sự liên kết này còn rất yếu, nhiều doanh nghiệp chưa tìm đúng hướng đi, lúng túng với những chính sách, quy định của Nhà nước trong sản xuất…

Theo ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, những khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp sản xuất gỗ, lâm sản gặp phải, chính quyền địa phương sẽ ghi nhận, tổng hợp và sớm có giải pháp để tháo gỡ. UBND tỉnh Đồng Nai giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều tra, rà soát kỹ thực trạng hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp để xây dựng Đề án sản xuất, chế biến lâm sản bền vững của Đồng Nai.

Phối hợp cùng Sở Công Thương thực hiện rà soát các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, phát hiện và thành lập mới các cụm công nghiệp, di dời các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ vào cụm công nghiệp để quản lý về môi trường, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ sản xuất.

Ông Võ Văn Chánh yêu cầu Hiệp hội Doanh nghiệp và Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai cần nâng cao vai trò, chức năng của mình, tạo sự liên kết, kết nối giữa các doanh nghiệp với nhau. Vì các hiệp hội chính là cầu nối giữa các doanh nghiệp, cung cấp cho các doanh nghiệp những quy định, cơ chế chính sách của Nhà nước về hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục