Tìm hiểu về vaccine phòng COVID-19 của công ty Moderna

16:04' - 21/07/2021
BNEWS Vaccine ngừa COVID-19 của Moderna được chỉ định tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên.

Dự kiến trong tuần này, Việt Nam nhận 3 triệu liều vaccine COVID-19 Moderna. Đây là lô vaccine do Chính phủ Hoa Kỳ viện trợ thông qua cơ chế Covax Facility.

Như vậy, ngoài 105 triệu liều đã cam kết, đã ký hợp đồng, 70 triệu liều đang đàm phán và có khả năng sẽ ký được thì dự kiến trong năm 2021 và đầu năm 2022, Việt Nam dự kiến có tổng cộng 175 triệu liều.

Việt Nam đặt mục tiêu đến cuối năm 2021, đầu năm 2022 đạt miễn dịch cộng đồng, khoảng 70% dân số được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Dưới đây là những thông tin quan trọng bạn cần biết về vaccine phòng COVID-19 của Moderna

Vaccine phòng COVID-19 Moderna là vaccine mRNA-1273: Giúp các tế bào cơ thể tạo ra một loại protein vô hại để kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể, tạo kháng thể chống lại virus SARS-COV-2; Không làm thay đổi hoặc tương tác với DNA của người được tiêm chủng theo bất kỳ cách nào; Không sử dụng virus sống gây bệnh COVID-19; và Không thể gây bệnh COVID-19 cho người được tiêm chủng.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông qua chấp thuận sử dụng vaccine mRNA-1273 của Moderna trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 30/4/2021. Đến nay vaccine này đã được nhiều quốc gia trên thế giới cấp phép lưu hành và sử dụng.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện sử dụng vaccine này cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Quyết định 3122/QĐ-BYT ngày 28/6/2021.

* Đối tượng tiêm vaccine mRNA-1273 của Moderna:

Vaccine ngừa COVID-19 của Moderna được chỉ định tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên. Lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi là 28 ngày. Mỗi liều tiêm là 0,5ml, tiêm bắp. Hiện tại, nhà sản xuất khuyến cáo mỗi người tiêm tối đa 2 mũi.

Vaccine của Moderna có hiệu quả 94,1% (dao động từ 89,3% đến 96,8% với độ tin cậy 95%); trên tất cả các nhóm tuổi trên 18 tuổi; không bị ảnh hưởng bởi giới tính hoặc dân tộc.

Theo một số nghiên cứu, hiệu quả sau liều đầu tiên đạt 91,9% bắt đầu từ 14 ngày sau tiêm;  và kháng thể tồn tại đến 6 tháng sau liều thứ hai.

Hiện nay chưa có đầy đủ dữ liệu về khả năng sử dụng thay thế cho nhau của vaccine phòng COVID-19 Moderna với 0các vaccine phòng COVID-19 khác.

Nhà sản xuất khuyến cáo tiêm vaccine phòng COVID-19 Moderna cách tối thiểu 14 ngày với các vaccine phòng bệnh khác.

 

* Chỉ định tiêm vaccine đối với một số nhóm đặc biệt

- Người mắc bệnh nền: Theo thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đã chứng minh vaccine COVID-19 Moderna an toàn và hiệu quả ở những người có bệnh nền (bệnh phổi mãn tính, bệnh tim nghiêm trọng, béo phì nặng, tiểu đường, bệnh gan và nhiễm virus suy giảm miễn dịch ở người - HIV).

Người có bệnh nền, bệnh mãn tính là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh COVID-19 và cần được tiêm vaccine phòng bệnh. Trước khi tiêm chủng, người mắc bệnh nền cần được khám sàng lọc, chỉ định tiêm chủng khi bệnh đã ổn định; nên tiêm chủng tại bệnh viện.

- Phụ nữ mang thai: hiện chưa đủ dữ liệu về tiêm vaccine cho phụ nữ mang thai. Khuyến cáo tiêm vaccine cho phụ nữ mang thai nếu lợi ích của việc tiêm chủng lớn hơn các rủi ro tiềm ẩn của vaccine. Không khuyến cáo thử thai trước khi tiêm chủng, trì hoãn mang thai hoặc đình chỉ thai vì tiêm vaccine.

- Phụ nữ cho con bú: tiêm vaccine nếu các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ. Không cần tạm ngừng cho con bú sau khi tiêm vaccine.

- Người bị suy giảm miễn dịch: có thể tiêm vaccine nếu đối tượng thuộc nhóm nguy cơ; phải cung cấp thông tin về tình trạng bệnh và điều trị cho nhân viên y tế để tư vấn về lợi ích, rủi ro và theo dõi, đánh giá sau tiêm chủng.

- Người có tình trạng tự miễn dịch: có thể được tiêm chủng nếu đối tượng không thuộc diện chống chỉ định tiêm vaccine.

- Người bị HIV: có thể tiêm vaccine nếu đã kiểm soát tốt bằng điều trị bằng thuốc kháng virus và thuộc nhóm nguy cơ khuyến cáo tiêm vaccine…

- Người có tiền sử sử dụng kháng thể kháng COVID-19 điều trị trước đó: khuyến cáo tiêm chủng vaccine ít nhất 90 ngày sau điều trị kháng thể kháng COVID-19.

* Chống chỉ định tiêm vaccine

- Người có tiền sử phản ứng phản vệ nặng với bất kỳ thành phần nào của vaccine phòng COVID-19 Moderna.

- Người có phản ứng phản vệ nặng sau mũi 1, không tiêm mũi 2 của vaccine phòng COVID-19 Moderna hoặc bất kỳ vaccine COVID-19 mRNA nào khác.

* Những phản ứng gặp phải sau khi tiêm vaccine

- Rất phổ biến (≥ 1/10): Nhức đầu, buồn nôn, nôn, đau cơ, đau khớp và cứng khớp, đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, nổi hạch, sưng đỏ vị trí tiêm

- Phổ biến (≥ 1/100 đến < 1/10): Phát ban, mẩn đỏ hoặc sưng tại chỗ tiêm, nôn, tiêu chảy

- Không phổ biến (≥1/1.000 đến  ˂1/100): Ngứa chỗ tiêm

- Hiếm gặp (≥ 1/10.000 đến ˂ 1/1.000): sưng mặt, liệt mặt ngoại biên cấp tính

- Phản ứng phản vệ sau tiêm vaccine là rất hiếm gặp.

- Viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim: các báo cáo cho thấy nguy cơ viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim tăng lên, đặc biệt là sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 Moderna liều thứ hai.

Thông thường, các triệu chứng khởi phát trong vòng vài ngày sau tiêm chủng. Cần thận trọng khi chỉ định tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 Moderna cho các đối tượng có tiền sử viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim.

* Việc tiêm chủng vaccine Moderna tại Việt nam 

- Tổ chức khám sàng lọc trước tiêm chủng cho mỗi người đến tiêm để đảm bảo chỉ định đúng đối tượng và an toàn tiêm chủng.

- Chỉ định tiêm vaccine Moderna đối với những người đủ điều kiện sức khỏe, không có điểm bất thường cần hoãn tiêm hoặc chống chỉ định. Thực hiện tiêm bắp, liều lượng 0,3ml cho 1 mũi tiêm. Mũi 1: tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên. Mũi 2: áp dụng lịch tiêm sau 1 tháng (28 ngày) sau mũi 1.

- Chống chỉ định tiêm vaccine đối với người có tiền sử phản ứng nặng phản vệ độ 2 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào; Người có phản ứng phản vệ nặng hoặc phản vệ độ 2 trở lên sau mũi 1, không tiêm mũi 2 của vaccine phòng COVID-19 Moderna hoặc bất kỳ vaccine COVID-19 mRNA nào khác; Người có phản ứng phản vệ nặng với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào có trong thành phần của vaccine.

- Tạm hoãn tiêm vaccine của Moderna đối với nhóm người: Đang mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng hay mãn tính tiến triển; Phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ; Người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù; Trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao (tương đương prednisolon ≥ 2 mg/kg/ngày trong ≥ 7 ngày), hoặc điều trị hóa trị, xạ trị; Đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng qua; Trong vòng 90 ngày trước có điều trị immunoglobulin hoặc điều trị huyết tương của người bệnh COVID-19; Tiền sử tiêm vaccine khác trong vòng 14 ngày trước.

- Cần thận trọng tiêm vaccine đối với nhóm người: Có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; Người có bệnh nền nặng, bệnh mạn tính chưa được điều trị ổn định; Người mất tri giác, mất năng lực hành vi; Người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống: Mạch < 60 lần/phút hoặc > 100 lần/phút, Huyết áp tối thiểu < 60 mmHg hoặc > 90 mmHg, Huyết áp tối đa < 90 mmHg hoặc > 140 mmHg, Nhịp thở > 25 lần/phút và/hoặc SpO2 < 94% (nếu có); Người có tiền sử viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục