Tìm hướng xử lý chống thấm, gia cố cho các công trình năng lượng

13:17' - 24/08/2022
BNEWS Nhiều công trình thủy điện xuất hiện những dấu hiệu xuống cấp, thể hiện qua các hiện tương nứt kết cấu bê tông thân đập trọng lực và tràn, thấm ở thân đập trọng lực và nền đập...

Trong bối cảnh hệ thống điện Việt Nam những năm gần đây, nhiều nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió… được đưa vào vận hành, tạo ra những thách thức không nhỏ trong vận hành hệ thống (do đặc tính không ổn định), thì thủy điện với khả năng tham gia phủ đỉnh biểu đồ phụ tải cũng như hỗ trợ điều tần một cách nhanh nhất vẫn là một trong những nguồn phát giữ vai trò quan trọng trong hệ thống điện Việt Nam.

Trong đó, việc xử lý chống thấm, gia cố các hạng mục bê tông, nền đất yếu cho các nhà máy điện trong giai đoạn vận hành nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả vận hành và tăng tuổi thọ công trình được nhiều chuyên gia đánh giá quan trọng.  

Theo thống kê, đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống điện của Việt Nam đạt 76.620MW; trong đó riêng thủy điện chiếm 28,5% công suất lắp đặt. Hiện có khoảng hơn 460 công trình thủy điện đã đi vào vận hành; trong số này có trên 350 đập bê tông trọng lực, số đập bê tông có thông tin về chiều cao trên 15m là gần 250 đập. 

Ông Nguyễn Hữu Chỉnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công trình điện 1 (EVNPECC1) cho biết, nhiều công trình trong số này xuất hiện những dấu hiệu xuống cấp, thể hiện qua các hiện tương nứt kết cấu bê tông thân đập trọng lực và tràn, thấm ở thân đập trọng lực và nền đập.

Một số kết cấu bê tông và bê tông cốt thép trên tuyến năng lượng như áo đường hầm, kênh hộp dẫn nước có áp, tháp điều áp hay nhà máy cũng có hiện tượng thấm và nứt. Hiện tượng nứt và thấm có khả năng làm giảm tuổi thọ của công trình, trong trường hợp cực đoan có thể ảnh hưởng tới an toàn công trình. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về công tác duy tu, bảo dưỡng để nâng cao an toàn công trình, tránh các tác động tiêu cực về xã hội.  

Với hơn 55 năm phát triển gắn liền với ngành điện Việt Nam, EVNPECC1 đã và đang thực hiện công tác tư vấn thiết kế, khảo sát, thí nghiệm... cho nhiều dự án công trình điện trọng điểm của quốc gia, cũng như các công trình điện ở nước ngoài.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm luôn được EVNPECC1 hướng tới không chỉ thực hiện tốt công việc tư vấn cho giai đoạn thiết kế mà còn luôn đồng hành cùng các nhà quản lý, các chủ đầu tư trong suốt thời gian vận hành dự án, nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả vận hành và tăng tuổi thọ công trình. Một trong các giải pháp bảo trì nâng cao tuổi thọ công trình là xử lý các vết nứt, thấm trong bê tông và nền công trình bằng biện pháp khoan phụt hóa chất.

Ông Zur Muehlen Wolf Ekkehard, Tổng giám đốc Tập đoàn MC-Bauchemie cho biết, Tập đoàn MC-Bauchemie được thành lập vào năm 1961, đến nay hoạt động tại hơn 40 quốc gia trên thế giới với hơn 2.500 nhân viên. Với hơn 60 năm kinh nghiệm chuyên về các sản phẩm công nghệ, lĩnh vực phụ gia, hóa chất xây dựng cùng cung cấp các giải pháp chống thấm tiên tiến đã xử lý dứt điểm các vấn đề thấm tại các công trình đường hầm, thủy điện ở hơn 40 nước trên thế giới.

"Tập đoàn MC-Bauchemie hướng tới cam kết hợp tác lâu dài tại Việt Nam và chắc chắn mong muốn giải quyết các nhu cầu rất cụ thể của các đối tác, khách hàng trong các ứng dụng mà Tập đoàn đã cung cấp rất thành công trên toàn cầu", ông Zur Muehlen Wolf Ekkehard nói.

Để tìm giải pháp cho vấn đề chống thấm các công trình đập Việt Nam, mới đây, các chuyên gia từ Tập đoàn MC-Bauchemie đã cùng các kỹ sư của EVNPECC1 thực nghiệm trực tiếp công nghệ chống thấm và gia cố bằng công nghệ tiên tiến. Thí nghiệm sử dụng keo MC-Injekt 2700/MC-Injekt 2700L, tạo foam cứng (đến khoảng 20MPa) nếu gặp nước; thời gian đông cứng của keo (từ khoảng 15 giây đến 30 phút) có thể điều chỉnh theo điều kiện công trường). Thí nghiệm được thực hiện cụ thể bằng các mô hình xử lý chống thấm qua khe nhiệt; xử lý chống thấm qua hành lang, thấm qua nền, vai đập./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục