Tìm kiếm cơ hội trên thị trường chứng khoán phái sinh

10:13' - 01/07/2018
BNEWS Từ khi ra đời vào tháng 8/2017, thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ và liên tục lập những kỉ lục mới, bất chấp những suy giảm trên thị trường chứng khoán cơ sở.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Thị trường chứng khoán phái sinh. Ảnh: Phạm Hậu-TTXVN 

 Những ưu điểm vượt trội so với thị trường cổ phiếu, cùng với khả năng sinh lời hấp dẫn trong chiều giá giảm, thị trường phái sinh đang là kênh đầu tư hiệu quả và đã rất nhanh chóng thu hút giới đầu tư.

*Tăng trưởng nhanh và bền vững

Trong khoảng nửa năm đầu kể từ khi thị trường chứng khoán phái sinh đi vào vận hành, thanh khoản của cả hai thị trường cơ sở và phái sinh đều gia tăng mạnh mẽ. Tuy nhiên, từ tháng 4 năm nay, thanh khoản của thị trường phái sinh tiếp tục lập những kỷ lục mới trong khi thị trường cơ sở suy giảm.

Tổng khối lượng hợp đồng giao dịch phái sinh tháng 4 là 563.500 hợp đồng, tương ứng giá trị theo mệnh giá đạt hơn 61.884 tỷ đồng, tăng lần lượt 8% và 6% so với tháng 3.

Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh được mở tiếp tục tăng 9,63% so với tháng 3, đạt 27.486 tài khoản. Hoạt động giao dịch vẫn tập trung chủ yếu ở các nhà đầu tư cá nhân trong nước (98,31%).

Chứng khoán phái sinh không chỉ ngày càng thu hút nhà đầu tư nội mà nhà đầu tư nước ngoài cũng bị sức hút của thị trường này lôi cuốn.

Thực tế cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên thị trường cơ sở nhưng lại tham gia rất sôi động trên thị trường phái sinh, trong tháng 3 và tháng 4 với khối lượng giao dịch đạt hơn 4.000 hợp đồng.

Đặc biệt, trong tháng 4, lần đầu tiên đã xuất hiện giao dịch của tổ chức nước ngoài trên thị trường chứng khoán phái sinh với 189 hợp đồng được giao dịch.

Thị trường tiếp tục tăng trưởng mạnh trong tháng 5 với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,64 triệu hợp đồng, giá trị hơn 162.529 tỷ đồng, tăng lần lượt 191,17 % và 162,64% so với tháng 4.

Không dừng lại ở đó, chỉ tính riêng 13 phiên giao dịch đầu tháng 6, khối lượng giao dịch phái sinh đã đạt hơn 1,05 triệu hợp đồng với giá trị hơn 104,65 tỷ đồng.

Khoảng 1 tuần trở lại đây, giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên đạt tới hơn 11.000 tỷ đồng. Như vậy có thể thấy, khối lượng giao dịch chứng khoán phái sinh đang tăng "bằng lần" sau mỗi tháng giao dịch.

Ông Nguyễn Việt Đức, Phó Phòng Phát triển sản phẩm khối dịch vụ khách hàng cá nhân, Công ty cổ phần Chứng khoán MB- MBS cho rằng, thực tế khi thị trường chứng khoán cơ sở rơi vào xu hướng giảm, chứng khoán phái sinh dường như đã thành một kênh đầu tư hấp dẫn, nhờ phát huy lợi thế giao dịch hai chiều cả mua và bán, mức đòn bẩy 1:10 (tỷ lệ ký quỹ chỉ là 10% giá trị hợp đồng).

Bên cạnh đó, một số lượng nhà đầu tư chứng khoán cơ sở tăng cường giao dịch phái sinh do sản phẩm này cho phép có thể kiếm lời khi thị trường điều chỉnh từ vị thế bán Hợp đồng tương lai (khác với thị trường cơ sở chỉ có thể kiếm lời khi thị trường đi lên).

Nhà đầu tư có thể phòng ngừa rủi ro cho vị thế nắm giữ trên thị trường cơ sở bằng vị thế bán Hợp đồng tương lai trên thị trường phái sinh, qua đó sẽ không phải mua bán liên tục cổ phiếu cơ sở giảm giá vốn nắm giữ khi thị trường điều chỉnh.

Khi thị trường điều chỉnh thì giao dịch T+2, theo quy định của Luật Chứng khoán hiện nay thì sau khi mua xong nhà đầu tư phải đợi đến cuối giờ chiều (16h30) 2 ngày làm việc sau đó (T+2) thì cổ phiếu mới về tài khoản và đến ngày làm việc tiếp theo (T+3) mới bán được như trên thị trường cơ sở sẽ xuất hiện rủi ro là khi cổ phiếu mua về tài khoản thì đã bị lỗ. Ngược lại, nhà đầu tư phái sinh có thể chốt lời và chốt lỗ nhiều lần trong ngày do đó ít rủi ro hơn về khía cạnh thời gian nắm giữ.

*Kênh đầu tư hấp dẫn

Theo nhà đầu tư Lại Trọng Đan, chứng khoán phái sinh có nhiều rủi ro vì biến động nhanh và nhà đầu tư dùng đòn bẩy cao. Tuy nhiên, giai đoạn này thị trường cơ sở đang có những biến động mạnh và rất khó cho nhà đầu tư đưa ra những quyết định mua bán cổ phiếu. Nhưng chính vì thế mà cơ hội trên thị trường phái sinh đang lớn hơn trên thị trường cơ sở.

“Chứng khoán phái sinh có điểm hay là lúc thị trường xuống thì nhà đầu tư vẫn kiếm được tiền, quan trọng là nắm bắt được xu hướng của thị trường”, anh Đan chia sẻ.

Theo chuyên gia chứng khoán Nguyễn Việt Đức, thị trường chứng khoán phái sinh xuất phát từ nhu cầu phòng ngừa rủi ro nhưng thực tế thì đầu tư ngắn hạn đang là mục đích chính, đặc biệt với nhà đầu tư cá nhân.

So với thị trường cơ sở hiện nay, giao dịch tương lai có nhiều ưu điểm mạnh hỗ trợ đầu tư ngắn hạn như hỗ trợ đòn bẩy cao, giao dịch trong ngày và mức phí giao dịch rất thấp. Chẳng hạn, tại Công ty cổ phần Chứng khoán MB- MBS hiện nay, mức phí giao dịch chỉ vào khoảng 7.000 đồng/Hợp đồng tương lai, chỉ bằng khoảng 4% so với chi phí giao dịch cổ phiếu cơ sở với vị thế tương đương.

Tuy nhiên, sự khốc liệt cũng chủ yếu đến từ mức độ đòn bẩy cao. Ngoài ra, khi được phép giao dịch trong phiên và chi phí giao dịch thấp thì nhà đầu tư có xu hướng nắm giữ rất ngắn hạn, mua bán nhiều lần trong một phiên giao dịch. Về cơ bản, cả hai yếu tố trên đều sẽ ảnh hưởng lớn tới sự tỉnh táo của nhà đầu tư khi thực hiện giao dịch.

“Chúng tôi thường ví tốc độ giao dịch của thị trường cơ sở là tốc độ của chiếc xe gắn máy đi trong thành phố, còn tốc độ giao dịch phái sinh là tốc độ của một chiếc xe đua”, ông Đức ví von.

Vị chuyên gia chứng khoán này cũng khuyến nghị, nhà đầu tư chứng khoán mới tham gia giao dịch phái sinh nên sử dụng mức đòn bẩy chỉ là 2 lần (tương đương thị trường cơ sở) thậm chí không sử dụng đòn bẩy để làm quen với giao dịch phái sinh trước khi sử dụng các mức đòn bẩy tối đa.

Chu kỳ đầu tư dự tính càng dài thì đòn bảy càng thấp, chẳng hạn chỉ nên dùng đòn bẩy tối đa với giao dịch trong ngày còn giao dịch qua ngày nên giữ đòn bẩy tương đương thị trường cơ sở.

Giám đốc Dự án Nhóm môi giới khách hàng cá nhân 2, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài gòn (SSI) Tạ Thanh Thao cho rằng, nếu chỉ nhìn vào việc nhà đầu tư cá nhân đầu cơ hoặc lướt sóng thì vai trò “phòng vệ rủi ro” của chứng khoán phái sinh thực sự chưa phát huy tác dụng.

“Hiện tại, ở Việt Nam đa số nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường phái sinh là đầu cơ theo sự lên xuống của thị trường. Một số ít nhà đầu tư với tính chuyên nghiệp cao mới xác định phái sinh là một kênh để “ phòng vệ” - thường là các quỹ và nhà đầu tư tổ chức. Song tôi tin rằng sớm hay muộn thì phái sinh sẽ trở về đúng vai trò và chức năng của nó,” ông Thao khẳng định.

Có thể thấy, giai đoạn hiện nay thị trường chứng khoán cơ sở biến động rất mạnh, kéo theo thị trường phái sinh cũng có sự biến động mạnh - một điều kiện vô cùng thuận lợi để thị trường phái sinh phát triển và trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn. Khi thị trường cơ sở giảm điểm, cơ hội kiếm tiền trở nên khó khăn thì nhà đầu tư sẽ tìm đến những kênh đầu tư khác như thị trường phái sinh.

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) - cơ quan vận hành thị trường chứng khoán phái sinh, sau bước đầu ra mắt thị trường chứng khoán phái sinh thành công với sản phẩm đầu tiên là hợp đồng tương lai chỉ số VN30, HNX đã tiếp tục nghiên cứu thêm các sản phẩm chứng khoán phái sinh mới và dự kiến sẽ ra mắt thị trường sản phẩm phái sinh tiếp theo là Hợp đồng tương lai Trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm.

Việc lựa chọn sản phẩm Hợp đồng tương lai Trái phiếu Chính phủ phù hợp với định hướng phát triển thị trường chứng khoán phái sinh đã được phê duyệt tại Quyết định 366/2014/Ttg của Thủ tướng Chính phủ và xuất phát từ nhu cầu của thị trường cần có một sản phẩm để phòng ngừa rủi ro biến động lãi suất.

Việc ra mắt sản phẩm sẽ giúp cho nhà đầu tư trên thị trường, đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức có thêm sản phẩm đầu tư mới và một công cụ phòng ngừa rủi ro hiệu quả./.

>>> Công cụ phòng ngừa rủi ro khi thị trường chứng khoán đảo chiều

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục