Tìm ra nguyên nhân gây lún nứt đê sông Hồng tại Hưng Yên

15:16' - 31/03/2017
BNEWS Sau khi kiểm tra, phân tích trên cơ sở khoa học, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rút ra được kết luận về nguyên nhân gây lún nứt đê sông Hồng tại Hưng Yên.

Hiện nay, tại vị trí K81 đến K82+500 trên địa bàn huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đang xảy ra hiện tượng lún và nứt đê, chiều dài vết nứt khoảng 350 m nằm ở giữa mặt đê, chiều rộng vết nứt có chỗ lên tới 1 - 2 cm.

Qua những phân tích trên cơ sở khoa học của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì hiện tượng lún nứt này là do đoạn đê thuộc khu vực có nền địa chất yếu.

[Hưng Yên xuất hiện vết nứt trên đê tả sông Hồng]

Ông Hồ Trọng Khải, Chi cục trưởng Chi cục đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Hưng Yên cho biết, sau khi tỉnh Hưng Yên có báo cáo cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra Quyết định số 421 ngày 17/2/2017 về việc thành lập Hội đồng Khoa học xác định nguyên nhân và phương án xử lý sự cố lún, nứt mặt đê tả sông Hồng đoạn từ K81 đến K82 + 50 qua huyện Văn Giang .

Theo đó, nguyên nhân chính của sự cố lún nứt đê tại huyện Văn Giang , được xác định trong báo cáo số 26 ngày 1/3/2017 của Tổng cục Thủy lợi là do đoạn đê thuộc khu vực địa chất nền đê yếu, đã từng nhiều lần xảy ra sự cố những năm trước đây; đặc điểm địa chất thân đê và địa hình khu vực có nhiều yếu tố bất lợi; hơn nữa mật độ và tải trọng xe cộ lưu thông trên đê lớn.

Ông Hồ Trọng Khải cũng cho biết, tại cuộc họp ngày 27/2/2017, Hội đồng Khoa học của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị nghe Viện Thủy công báo cáo kết quả nghiên cứu và thống nhất kết luận 3 nguyên nhân gây ra sự cố nứt đê gồm: trước hết là do địa chất nền đê yếu, ở độ sâu khoảng 10 m dưới mặt đê là lớp sét pha ở trạng thái dẻo chảy, với chiều dày lớn hơn các đoạn khác trên toàn tuyến đê. Tại đoạn này hiện còn nhiều ao hồ nằm gần sát với chân đê.

Cũng tại đoạn đê này thân đê có nhiều hàm lượng bụi và hạt sét lớn dẫn đến nhạy cảm với sự trương nở hoặc co ngót khi độ ẩm môi trường thay đổi giữa mùa mưa và mùa khô. Hàm lượng hạt bụi lớn dẫn đến nhạy cảm với tác động do rung động bởi xe tải trọng lớn đi lại nhiều trên đê.

Mặt khác, nền đường đê từ độ sâu 1m đến 1,7m phía dưới lớp áo đường là thân đê cũ khi nâng cấp trải nhựa không cho phép đào sâu cải tạo như đường giao thông nên dễ gây lún, gây rung động, tạo sóng ngang dưới nền đường gây nở hông.

Đáng chú ý, theo người dân địa phương từ khi mặt đê được nâng cấp trải nhựa, lưu lượng xe tham gia giao thông và xe quá tải trọng đi lại quá nhiều, thậm chí suốt ngày đêm trên đê ảnh hưởng lớn đến kết cấu hạ tầng của đoạn đê.

Về phương án xử lý, Biên bản họp Hội đồng khoa học ngày 22/2/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nêu rõ: các thành viên hội đồng khoa học cơ bản nhất trí với giải pháp do Đơn vị tư vấn đề xuất: đắp áp trúc thân đê để bọc mái đê; đắp phản áp lấp đầm, ao chân đê tạo phản áp phía sông; sửa chữa mặt đường nhựa.

Đồng thời, làm rõ hơn đặc điểm của đoạn xảy ra sự cố so với các đoạn khác trong khu vực không bị sự cố; bổ sung khảo sát, tính toán xác định cụ thể phạm vi, quy mô, kích thước của giải pháp gia cố mái, đắp phản áp phía sông và bổ sung phương án xử lý vết nứt.

Theo Báo cáo số 26 ngày 1/3/2017 của Tổng cục Thủy lợi, trên cơ sở kết quả họp ngày 22/2/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo, rà soát nội dung của Dự án củng cố, nâng cấp đê tả sông Hồng, hoàn thiện phương án xử lý cấp bách sự cố và tổ chức xử lý.

Trường hợp xử lý sự cố nằm ngoài nội dung của dự án, đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên huy động nguồn lực của địa phương để xử lý, nếu có khó khăn về kinh phí đề nghị tỉnh báo cáo Chính phủ xem xét hỗ trợ để kịp thời chống lũ năm 2017.

Sự cố lún, nứt đê tại huyện Văn Giang đã khiến dư luận đưa ra nghi vấn về dự án nâng cấp đường đê tả sông Hồng.

Theo người dân Văn Giang, từ nhiều năm qua, đê sông Hồng qua địa bàn Văn Giang được coi là tuyến đê xung yếu, thường xuyên xảy ra các sự cố đê điều khi mùa mưa bão. Trên đoạn đê này từ các năm 2002 đến năm 2016 đã nhiều lần xảy ra sự cố lún, nứt sạt trượt, mạch đùn, mạch sủi đe dọa an toàn tuyến đê khi mùa mưa lũ tới.

Đáng chú ý là vào mùa mưa bão tháng 8/2016 đã xảy ra tình trạng sạt mái đê, cung sạt dài 100 m, vết sạt lở từ mép đê xuống chân đê từ 3 đến 5 m. Dù các sự cố đã được xử lý, song tuyến đê này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi mưa lũ lớn xảy ra./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục