Tín hiệu thị trường cải thiện, liệu dệt may có tăng trưởng vào năm 2024?

09:58' - 27/10/2023
BNEWS Dù nhiều tín hiệu về thị trường đã được cải thiện, song doanh nghiệp dệt may nhận định, những khó khăn trong năm nay và các năm trước sẽ còn kéo dài đến năm 2024.

Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hết quý III/2023, Việt Nam xuất khẩu 1,3 triệu tấn xơ sợi, thu về 3,2 tỷ USD tăng 9,3% về lượng nhưng giảm 13,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Nhiều doanh nghiệp trong ngành đánh giá, xu hướng thị trường trong quý IV này đã có những tín hiệu tích cực, điều này có thể giúp phần nào nhu cầu năm 2024 cải thiện hơn so với 2023. 

*Ngành sợi có thể tăng trưởng 10%

Số liệu cho thấy, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu xơ sợi lớn nhất của Việt Nam, trong tháng 9, Việt Nam đã xuất khẩu 77.459 tấn xơ sợi sang thị trường này, trị giá hơn 203 triệu USD. Tính chung 9 tháng năm 2023, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 647.862 tấn xơ sợi, thu về hơn 1,71 tỷ USD, tăng 18,1% về lượng nhưng giảm 2,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu đạt 2.652 USD/tấn, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của xơ sợi Việt Nam. Tháng 9/2023, xuất khẩu mặt hàng này sang Hàn Quốc đạt 10.898 tấn, trị giá hơn 30 triệu USD, tăng 0,6% về lượng và tăng 2,8% về trị giá so với tháng 8/2023. Tính chung 9 tháng, xuất khẩu đạt 101.880 tấn xơ sợi, thu về hơn 284 triệu USD, giảm 5,78% về lượng và giảm 24,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 2.788 USD/tấn, giảm 19,65% so với cùng kỳ năm 2022.

Xếp thứ 3 là thị trường Hoa Kỳ. 9 tháng Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ 75.483 tấn xơ sợi, trị giá hơn 108 triệu USD, giảm 13,8% về lượng và giảm 29,4% về trị giá so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu bình quân đạt 1.443 USD/tấn, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam, thị trường quý IV/2023 này đã có những chuyển biến tích cực khi Cục Dự trữ liên bang (Fed) không tăng lãi suất trong tháng 9 mà lùi xuống cuối năm. Thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc phục hồi tốt, chỉ số quản trị mua hàng của 2 thị trường này đều trên 50 điểm (cao hơn mức dự báo). Lạm phát tại EU tháng 9 giảm 4,3% và tháng 9/2023 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng với ngành sợi, giá bông đưa vào sản xuất quý III và IV/2023 hiện đã tiệm cận giá thị trường và ở mức thấp hơn so với 6 tháng đầu năm giúp ngành sợi có hiệu quả hơn.

Đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng nhận định, tổng thể thị trường năm 2024 có nhiều khả năng cải thiện nhu cầu hơn năm 2023, mặc dù mức cải thiện nhỏ (tổng cầu năm 2024 dự kiến vẫn thấp hơn năm 2022 từ 5-7%) và ngành sợi có thể có những diễn biến bất ngờ do áp dụng chính sách chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, tập đoàn vẫn đưa ra kịch bản ngành sợi năm 2024 tăng 10% so với năm 2023 do tỉ lệ huy động thiết bị tăng trên nền giá bông dự báo từ 2,5-2,6 USD/kg.

*Dệt may chưa hết khó khăn

Dù nhiều tín hiệu về thị trường đã được cải thiện, song doanh nghiệp dệt may nhận định, những khó khăn trong năm nay và các năm trước sẽ còn kéo dài đến năm 2024, đòi hỏi doanh nghiệp phải cân nhắc thận trọng khi xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho hay, trước đây, mặt hàng sơ mi chiếm 60% tỷ trọng sản xuất của May 10, nhưng hiện sản phẩm này chỉ chiếm 39%. Thế mạnh của May 10 là sơ mi nhưng năm 2023 mặt hàng này lại thiệt hại nặng nhất. Để ổn định sản xuất, May 10 phải làm đơn hàng quần, áo polo, áo T-shirt ở xí nghiệp sơ mi. 

“Thực tế nhiều doanh nghiệp dệt may cắt giảm tối đa chi phí từ điện, nước, bộ phận văn phòng, thiết kế… làm việc 2 ngày/tuần, các bộ phận IT và kế toán 2 tuần đến công ty 1 lần. Tại Mỹ hiện có xu thế làm việc từ xa, nên không dùng sản phẩm thời trang công sở như áo sơ mi khi đi làm. Với những xu thế này đã thực sự ảnh hưởng tới sức mua và thật khó kích cầu tiêu dùng. Điều này đặt May 10 vào tình thế phải xác định lại sản phẩm thế mạnh để nắm bắt cơ hội xoay chiều trong khó khăn”, ông Việt cho biết.

Cùng quan điể trên, ông Nguyễn Đức Trị, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ cho hay, với sản phẩm chủ yếu là các loại sợi và sản phẩm may, Hòa Thọ dự báo tình hình thị trường sẽ vẫn còn thấp trong nửa đầu năm 2024. Doanh thu hợp nhất trong năm 2023 của Hòa Thọ mới chỉ đạt 3.231 tỷ đồng, bằng đạt 72% kế hoạch năm. 

“Hoà Thọ có kế hoạch sẽ không mở rộng đầu tư sản xuất, chỉ tập trung hoàn thiện các dự án đang triển khai, bao gồm Nhà máy may Triệu Phong giai đoạn 3; cải tạo nhà xưởng may Quảng Ngãi. Chúng tôi tăng đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ máy móc thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất; tiếp tục thực hiện chuyển đổi số và triển khai chuẩn bị đầu tư xây dựng Trung tâm nghiên cứu và Phát triển của ngành May”, ông Trị cho biết.

Nhiều doanh nghiệp ngành sợi cũng nhận định, mức độ cải thiện của thị trường là có, nhưng không cao. Ông Trần Hữu Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinatex Phú Hưng (Phú Hưng) cho rằng, trong những tháng cuối năm 2023, thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc có dấu hiệu mua nhưng sức mua khá yếu. Chi phí sản xuất sợi vẫn cao, điện tăng, lãi suất cao, giá nguyên liệu cũng cao. Năm 2024 chưa có tín hiệu khả quan, cầu vẫn chưa vượt cung.

Nguyên liệu tồn kho lớn, giá cao khiến các doanh nghiệp ngành sợi chịu nhiều áp lực. Do vậy, các doanh nghiệp đang phải tính toán một cách thận trọng để có chiến lược sản xuất, kinh doanh hiệu quả trong năm tới. 

Bà Trần Thị Kim Chi, Tổng Giám đốc Công ty CP Sợi Phú Bài (Phú Bài) cho hay, nhận thấy cần tiếp tục sản xuất sợi chất lượng cao, tốt, tiết giảm chi phí, lựa chọn khách hàng. Với quan điểm như vậy, năm 2024 Phú Bài không quá chủ quan nhưng cũng không bi quan trước tình hình biến động khó lường như hiện nay. Trong 6 tháng đầu năm 2024 thị trường có thể vẫn xấu, nhưng 6 tháng cuối năm 2024 thị trường sẽ khởi sắc hơn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục