Tín hiệu tích cực cho thị trường chứng khoán

19:13' - 06/01/2024
BNEWS Sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng, đi kèm với sự “bùng nổ” mạnh về thanh khoản, cho thấy những dấu hiệu của dòng tiền lớn gia nhập thị trường chứng khoán

Duy trì mạch tăng phiên thứ 6 liên tiếp, VN-Index có tuần giao dịch đầu tiên của năm mới 2024 rất tích cực. Điều đáng chú ý trong tuần qua là sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng, đi kèm với sự “bùng nổ” mạnh về thanh khoản, cho thấy những dấu hiệu của dòng tiền lớn gia nhập thị trường chứng khoán.

*Sự trở lại của “cổ phiếu vua”

Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho biết: Tuần giao dịch đầu năm mới chứng kiến sự tích cực từ thị trường chứng khoán Việt Nam với cả 4 phiên tăng điểm. Đáng chú ý là dòng tiền bất ngờ trở lại nhóm cổ phiếu ngân hàng, đây là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường, được mệnh danh là “cổ phiếu vua”, giúp thanh khoản trên sàn HoSEđã chạm đến 1 tỷ USD trong phiên giao dịch ngày 4/1.

Một chút “điểm gợn” trong tuần giao dịch đầu tiên năm 2024 có lẽ là sự tiếc nuối khi thị trường “hụt hơi” trong phiên bứt phá về thanh khoản, nhưng đà tăng bị thu hẹp về cuối phiên.

Kết thúc tuần giao dịch (từ 2 - 5/1), chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1,154.68 điểm, tăng 24,75 điểm so với tuần trước đó; HNX-Index tăng 1,72 điểm lên 232,76 điểm.

Theo CSI, trước bối cảnh lãi suất tiết kiệm còn có thể giảm thêm, thanh khoản đã “đổ bộ” dứt khoát hơn vào thị trường chứng khoán trong tuần giao dịch đầu tiên của năm mới.

Trên sàn HoSE, giá trị giao dịch bình quân đạt 17.805 tỷ đồng, tăng 15,83% so với tuần trước đó, tương ứng với khối lượng giao dịch đạt 796,95 triệu cổ phiếu, tăng 27,03% so với tuần giao dịch cuối năm 2023.

Mặc dù đà tăng của các nhóm ngành dần co hẹp lại về cuối tuần, song sự tích cực trong tuần giao dịch đầu năm vẫn phủ sóng đến 17/21 nhóm ngành tăng điểm.

Góp công đáng kể giúp chỉ số vượt mốc 1.154 điểm là ngành ngân hàng. Cụ thể, cổ phiếu ngành ngân hàng tăng mạnh nhất thị trường, với mức 4,92%. Theo sau là nhóm cổ phiếu dược phẩm tăng 3,73%, công nghệ viễn thông tăng 2,13%, bất động sản khu công nghiệp tăng 2,04%.

Gặp áp lực bán trong tuần đầu năm là những nhóm ngành như nhóm cổ phiếu nhựa giảm 0,77%, cổ phiếu ngành đường giảm 0,68%, cổ phiếu thép giảm 0,57% và cổ phiếu bất động sản giảm 0,47%.

CSI cho biết, thị trường chứng khoán thế giới có một tuần giao dịch khá thận trọng hướng theo cuộc họp tháng 12 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Có lẽ tâm lý đó đã ảnh hưởng phần nào đến hoạt động mua bán của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuần qua, khối ngoại bán ròng 1.188 tỷ đồng, tâm điểm bán ròng thuộc về chứng chỉ quỹ FUESSVFL với 396 tỷ đồng, chứng chỉ quỹ FUEVFVND (185 tỷ đồng), VHM (220 tỷ đồng). Nhóm ngân hàng thu hút dòng tiền khối ngoại trong tuần đầu năm, với những cái tên như VCB được mua ròng 316 tỷ đồng, VPB (138 tỷ đồng) và OCB (50 tỷ đồng).

Chuyên gia từ CSI cho rằng, xét về xu hướng, những gì diễn ra trong tuần đầu tiên của năm mới 2024 đang củng cố cho xu hướng tăng điểm đã được thiết lập trong tuần cuối của năm 2023.

Công ty chứng khoán này kỳ vọng VN-Index sẽ hướng tới mốc kháng cự 1.200 điểm trong các tuần tới, tuy nhiên không loại trừ khả năng rung lắc ở ngưỡng 1.165 - 1.175 điểm.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), tình hình vĩ mô trong nước mặc dù ổn định với thống kê tăng trưởng GDP các quý đang tăng dần, nhưng tốc độ tăng trưởng không đạt kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng yếu cho thấy nền kinh tế đang có khả năng hấp thụ vốn thấp, những khó khăn đối với thị trường bất động sản và đặc biệt là thị trường trái phiếu vẫn chưa có bước chuyển biến căn cơ.

Tình hình kinh tế toàn cầu hiện cũng đang khó lường khi kinh tế toàn cầu vẫn bất ổn và tăng trưởng thấp đặc biệt là khu vực EU có nhiều nền kinh tế bước vào suy thoái như Đức, Hà Lan... Điểm tích cực là tình hình lạm phát đã bình ổn và Fed đã phát tín hiệu dừng tăng lãi suất đồng thời để ngỏ khả năng khởi động chu kỳ giảm lãi trong năm 2024. Với tình trạng vĩ mô tốt, xấu đan xen, việc thị trường hướng tới vận động tìm điểm cân bằng lại để tích lũy là phù hợp, SHS nhận định.

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nêu quan điểm, diễn biến thị trường phiên cuối tuần qua thể hiện trạng thái lưỡng lự và thăm dò, thanh khoản giảm so với phiên trước. Tín hiệu suy yếu của thị trường không rõ ràng, nhưng vùng 1.160 điểm vẫn có thể gây áp lực cung lớn. Dự kiến thị trường sẽ tiếp tục có dao động thăm dò cung cầu tại vùng 1.145 - 1.160 điểm trong thời gian tới trước khi có tín hiệu cụ thể hơn.

Có quan điểm khá tương đồng, Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho rằng, với chuỗi 6 phiên tăng liên tiếp, xu hướng tăng điểm của VN-Index đang chiếm ưu thế lớn. Trong tuần qua, chỉ số có dấu hiệu chững lại tại vùng 1.160 điểm, cùng với diễn biến chốt lãi mạnh tại nhóm cổ phiếu ngân hàng sau nhịp tăng nhanh. Do đó, diễn biến giằng co có thể xuất hiện trong những phiên đầu tuần sau, 2 mốc quan trọng nhà đầu tư cần chú ý là 1.150 điểm và 1.160 điểm.

Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam khởi đầu năm mới với những tín hiệu tích cực, trái ngược với thị trường chứng khoán thế giới.

*Chứng khoán Mỹ có tuần giảm đầu tiên sau nhiều tuần đi lên

Chốt phiên giao dịch ngày  5/1, chỉ số S&P 500 cộng 0,18% lên mức 4.697,24 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,09% lên 14.524,07 điểm, còn Dow Jones cộng nhích 25,77 điểm lên mức 37.466,11 điểm.

Tuy nhiên, cả ba chỉ số cùng có tuần giảm điểm sau 9 tuần tăng liên tiếp; trong đó, mức giảm lớn nhất 3,25% thuộc về Nasdaq Composite và ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2023. Chỉ số S&P 500 và Dow Jones lần lượt sụt 1,52% và 0,59%.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, thị trường chứng khoán giảm mạnh sau dữ liệu cho thấy lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng cao trở lại trong tháng 12/2023. Điều này đã đặt ra câu hỏi về thời điểm cắt giảm lãi suất của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB).

Tại London, chỉ số FTSE 100 giảm 0,4% xuống 7.689,61 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris giảm 0,4% xuống 7.420,69 điểm, còn chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt giảm 0,1% xuống 16.594,21 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 giảm 0,2% xuống 4.463,51 điểm.

Chuyên gia Karl Haeling của ngân hàng LBBW cho hay, để đạt được mức cắt giảm lãi suất mà thị trường đã định giá, những dữ liệu kinh tế nhận được sẽ phải cho thấy sự suy yếu hơn nhiều.

Biên bản cuộc họp tháng 12/2023 của Fed cho thấy các quan chức dự kiến sẽ duy trì lãi suất ở mức cao trong một thời gian vì muốn đảm bảo rằng họ có thể kiểm soát lạm phát. Thông tin đó đã gây sức ép bán ra và giáng một đòn vào niềm tin của các nhà đầu tư, những người đặt cược vào việc sẽ có một đợt cắt giảm lãi suất ngay sau tháng 3/2024.

Nhà phân tích thị trường David Morrison tại công ty dịch vụ tài chính Trade Nation cho biết vấn đề ở đây là các thị trường đang định giá mức cắt giảm lãi suất lên tới 150 điểm cơ bản trong năm nay, gấp đôi dự báo của Fed. Do đó, sẽ có nhiều sự thất vọng trên thị trường.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục