Tin tốt giúp giá cổ phiếu của nhà bán lẻ trực tuyến lớn của Trung Quốc tăng 16%

11:10' - 07/03/2024
BNEWS Nhà bán lẻ trực tuyến JD.com của Trung Quốc ngày 6/3 thông báo có thể mua lại số cổ phiếu trị giá tới 3 tỷ USD cho đến tháng 3/2027, thông tin khiến giá cổ phiếu của công ty niêm yết tại Mỹ tăng mạnh.

JD báo cáo doanh thu ròng quý IV/2023 vượt dự kiến, đạt 306,1 tỷ nhân dân tệ (42,5 tỷ USD), tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2022, khi các tập đoàn thương mại điện tử của Trung Quốc cạnh tranh về giá cả trong bối cảnh nền kinh tế giảm tốc.

 

Giá cổ phiếu của công ty niêm yết tại sàn Nasdaq chốt phiên tăng 16%, lên 24,91 USD, giảm nhẹ từ mức cao trong ngày là 25,67 USD. Giá cổ phiếu của JD giảm hơn 13% kể từ đầu năm.

Hoạt động kinh doanh trong nước của JD đối mặt với sự cạnh tranh từ các đối thủ, đặc biệt là từ nhà bán lẻ Pinduoduo và nền tảng mạng xã hội Douyin của ByteDance vốn đang làm thay đổi lĩnh vực thương mại điện tử bằng việc bán hàng trên livestream (phát trực tiếp).

Kể từ năm ngoái, JD đã tăng cường khuyến mãi và cung cấp nhiều sản phẩm giá rẻ để thu hút khách hàng vốn đang trở nên thận trọng hơn trước diễn biến giá cả, do sức chi tiêu giảm.

Công ty cũng hạ mức giá trị đơn hàng được miễn giao hàng và đưa ra các dịch vụ mới như nhận hàng hoàn miễn phí tại nhà và hoàn tiền mặt do giao chậm.

Những động thái này được thực hiện sau khi lượng người dùng tăng mạnh, đặc biệt là ở các vùng nông thôn ở Trung Quốc, một thị trường mà JD muốn mở rộng hoạt động để cạnh tranh với Pinduoduo.

Trong năm 2024, JD sẽ gia tăng các nỗ lực để duy trì sự cạnh tranh về giá và thâm nhập các thị trường trực tiếp với việc nâng cao năng lực của chuỗi cung ứng.

JD cho biết sẽ tiếp tục mở rộng sự hiện diện trên toàn cầu.

Hoạt động mua sắm qua livestream đang bùng nổ ở Trung Quốc, qua đó thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm công nghệ mới như bộ phát trực tuyến ảo và gói dữ liệu di động. Đây được xem là một trong số ít điểm sáng trong một nền kinh tế đang có tốc độ tăng trưởng chậm lại.

Theo phân tích của công ty tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020, các nhà bán lẻ ở Trung Quốc đã tuyển dụng nhiều nhân viên bán hàng livestream để chào hàng thay vì chỉ tập trung cho thương mại điện tử truyền thống. Nhiều người bán hàng livestream đã trở nên nổi tiếng sau một đêm, thậm chí là thành triệu phú nhờ bán hàng livestream.

Đối tác cấp cao và là người phụ trách bộ phận bán lẻ và tiêu dùng của McKinsey tại châu Á, ông Daniel Zipser cho biết lĩnh vực phát trực tuyến, đặc biệt là bán hàng quan livestream là lĩnh vực mà không quốc gia nào trên thế giới có được ở quy mô như Trung Quốc.

Sự bùng nổ của mảng livestream đã kích thích hàng loạt chuỗi cung ứng và kinh doanh liên quan, ví dụ như công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) cho mảng này. Cụ thể, các doanh nghiệp sẽ dùng những người bán hàng ảo thiết kế bởi AI để bán hàng trực tuyến. Công nghệ này có ưu điểm là tiết kiệm chi phí nhân lực, liên tục bán hàng livestream không mệt mỏi.

Nhà phân tích chính của Forrester, bà Xiaofeng Wang cho biết chất lượng của các buổi livestream thực tế ảo đang ngày càng cải thiện khi người dẫn chương trình ảo trông ngày một thực tế hơn và tương tác tốt hơn. Theo bà Wang, việc sử dụng công nghệ AI giúp doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho những "người nổi tiếng" bán hàng livestream hiện nay, chưa kể đến việc nếu những người nổi tiếng này dính vào bê bối hoặc bị cấm sóng sẽ ảnh hưởng cực lớn đến các nhãn hàng.

Tuy nhiên, việc ứng dụng AI vào bán hàng livestream cũng khiến những người bán hàng trực tuyến có nguy cơ thất nghiệp rất lớn.

Tencent mới đây đã ra mắt sản phẩm dịch vụ AI livestream chỉ cần dùng 3 phút video của người dùng kèm 100 câu kịch bản là có thể liên tục chào hàng trực tuyến. Ngoài ra, hãng cũng ra mắt nền tảng Zen Video cho phép người bán xây dựng những video dùng người ảo để chào hàng liên tục trên Internet.

Một số công ty cũng đang kết hợp cả ứng dụng như ChatGPT nhằm trả lời tự động trong các buổi livestream. Một số doanh nghiệp như hãng điện tử Suning cho biết các buổi livestream bán hàng dùng AI của họ thu về đến hơn 3 triệu NDT (420.000 USD) tổng giá trị giao dịch (GMV) chỉ trong một ngày. GMV đo lường doanh số bán hàng theo thời gian.

Sự bùng nổ bán hàng livestream cũng đã tác động cả đến dịch vụ Internet viễn thông. Các tập đoàn viễn thông như China Unicom hay China Mobile đã tung ra các gói dịch vụ Internet nhắm đến livestream cho người dùng thay vì chỉ mạng xã hội hay chơi game như trước đây.

Với lợi thế phát triển mạng 5.5G, người dùng Trung Quốc về lý thuyết có tốc độ tải nhanh gấp 10 lần so với mạng 5G thông thường, qua đó khiến việc xem livestream ngày càng thuận lợi.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục