Grab dự báo doanh thu yếu kém trong năm 2024

16:14' - 23/02/2024
BNEWS Ngày 22/2, Grab Holdings đã báo cáo lợi nhuận quý đầu tiên và công bố chương trình mua lại cổ phiếu.

Tuy nhiên, dự báo doanh thu hàng năm yếu kém của công ty cung cấp dịch vụ đi xe và giao đồ ăn này đã làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng và gây sức ép lên cổ phiếu của hãng.

 

Theo dữ liệu của LSEG, Grab dự báo doanh thu năm tài chính 2024 từ 2,70 tỷ USD đến 2,75 tỷ USD, so với ước tính trung bình của các nhà phân tích là 2,80 tỷ USD.

Dù vậy, doanh thu quý IV của Grab ở mức 653 triệu USD, vượt ước tính 629 triệu USD mà các nhà phân tích đưa ra. Doanh thu của đơn vị di chuyển đưa đón khách tăng 26% do nhu cầu đi lại trong khi doanh thu ở đơn vị giao hàng tăng 20%. Grab đã công bố thu nhập ròng là 11 triệu USD trong quý IV/2023.

Grab đã đạt được lợi nhuận cốt lõi (sau khi điều chỉnh) lần đầu tiên, nhờ việc cắt giảm lực lượng lao động và cắt giảm một số ưu đãi cũng như chi phí công nghệ trong hai năm qua. Grab cũng dự kiến lợi nhuận cốt lõi được điều chỉnh cả năm từ 180 triệu USD đến 200 triệu USD, so với ước tính là 135,2 triệu USD.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng về dịch vụ gọi xe của công ty có trụ sở tại Singapore này đã đạt mức trước đại dịch COVID-19 trong năm 2023, song dịch vụ giao đồ ăn mới chỉ đang trong giai đoạn phục hồi sau giai đoạn bị phong tỏa do đại dịch COVID-19.

Hãng tin Reuters dẫn lời Giám đốc Tài chính Grab Peter Oey cho hay doanh thu sẽ tăng dần trong những năm sau năm 2024 khi các khoản đầu tư vào các sản phẩm mới của công ty mang lại kết quả.

Ông cho biết Grab đang xây dựng các dịch vụ cao cấp cho dịch vụ di chuyển và giao hàng mà có thể tạo ra các giao dịch có giá trị cao.

Cổ phiếu của Grab, được niêm yết tại Mỹ, đã giảm 2% xuống mức 3,38 USD/cổ phiếu trong phiên giao dịch sớm.

Ngày 22/2, Grab thông báo sẽ mua lại số cổ phiếu phổ thông loại A trị giá 500 triệu USD và thông báo thanh toán sớm phần còn lại của khoản vay có thời hạn.

Theo các chuyên gia, nhu cầu đang tăng yếu hơn do cơ sở khách hàng của Grab đang mở rộng. Một lý do khác là người tiêu dùng hiện hạn chế chi tiêu cho việc gọi xe và giao đồ ăn đến tận nhà khi nền kinh tế đang đối mặt nhiều thách thức.

Ông Mark Mahaney, nhà phân tích tại công ty tư vấn tài chính Evercore ISI, cho biết các phân khúc về vận tải chở khách và giao hàng của Grab đang có dấu hiệu cải thiện rõ ràng.

Dù dẫn đầu thị trường gọi xe và giao hàng ở Đông Nam Á, Grab vẫn chưa đạt được thu nhập ròng do buộc phải tiếp tục chi tiêu để cạnh tranh với các đối thủ như GoTo của Indonesia.

Kể từ khi thành lập vào năm 2012, công ty có trụ sở tại Singapore này đã mở rộng nhanh chóng khắp Đông Nam Á. Điều đó đã dẫn đến thua lỗ ngày càng lớn cho Grab, khi công ty phải chi mạnh tay để thu hút tài xế và người dùng trước sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ như GoTo và Sea Ltd.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục