Tinh giản biên chế để hoạt động bộ máy hiệu quả

20:15' - 10/06/2019
BNEWS Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7, ngày 10/6, với 92,15% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020.
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng biểu quyết thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Theo đó, tại Kỳ họp thứ 9 (năm 2020), Quốc hội xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2020; báo cáo về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2018; báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật.

Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Cũng tại Kỳ họp này, Quốc hội xem xét báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”; xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có).

Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Nhiều ý kiến đại biểu tập trung vào các vấn đề như: Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong việc quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; tiêu chí thành lập, số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa; quyết định thực hiện thí điểm những mô hình mới về tổ chức bộ máy của Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ và nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng…

Về việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đa số ý kiến đại biểu tập trung vào các nội dung, giảm số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và giảm số lượng Phó Trưởng ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân và tăng số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã loại II; vấn đề phân quyền, phân cấp và ủy quyền; nhiệm vụ của Thường trực Hội đồng nhân dân giữa hai kỳ họp; phiên họp của Hội đồng nhân dân và hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân; bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương; thẩm quyền quy định tổ chức chính quyền địa phương ở hải đảo; việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính không đủ diện tích tự nhiên và quy mô dân số; việc thôi làm nhiệm vụ đại biểu, tạm đình chỉ và mất quyền đại biểu Hội đồng nhân dân…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải trình, làm rõ thêm ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Trong ngày, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 21/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Nhiều ý kiến đại biểu tán thành với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về sự cần thiết và phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật.

Nhiều đại biểu cho rằng, quy định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác là phù hợp với thực tiễn, vì thời gian qua có nhiều trường hợp nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện sai phạm nhưng không xử lý kỷ luật được do vướng luật.

Dự thảo bổ sung là cần thiết nhằm phòng ngừa, răn đe các cán bộ, công chức khi làm việc phải đề cao tinh thần trách nhiệm cá nhân, cơ quan, đơn vị không được sai phạm.

Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung thêm một số nội dung để tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng và giải quyết các vướng mắc trong quá trình thi hành. Sau khi thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục