Quy định pháp luật về Chính phủ điện tử chưa thực sự đồng bộ

18:24' - 10/06/2019
BNEWS Việc triển khai Chính phủ điện tử tại nhiều địa phương nhằm thúc đẩy công cuộc cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã nhận được sự tán thành của đông đảo cử tri trên cả nước.

Bên lề Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực triển khai Chính phủ điện tử nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước; đồng thời phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, đoàn Quốc hội Long An, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã trả lời phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An Nguyễn Tuấn Anh. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Phóng viên:Việc xây dựng và triển khai Chính phủ điện tử đã được tiến hành trong nhiều năm qua, đại biểu đánh giá như thế nào về những kết quả đã đạt được và những vấn đề còn tồn tại?

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh: Phải ghi nhận rằng, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng làm nền tảng trong việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử.

Hành lang pháp lý trong ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử đã dần được thiết lập. Một số cơ sở dữ liệu mang tính chất nền tảng thông tin như cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, về bảo hiểm, về dân cư, về đất đai đang được xây dựng và đã có những cấu phần đi vào vận hành.

Các cơ quan Nhà nước đã cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho doanh nghiệp và người dân như: đăng ký doanh nghiệp, kê khai thuế, nộp thuế, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội… Một số Bộ, ngành cũng đã xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng. Ở một số địa phương, hệ thống thông tin một cửa điện tử cũng đã được đưa vào vận hành, dần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của đội ngũ công chức. Chất lượng nhân lực về công nghệ thông tin của Việt Nam cũng đã được quan tâm.

Tuy nhiên, nhận định một cách tổng quan thì việc triển khai Chính phủ điện tử chưa đạt được kỳ vọng như mong muốn. Cụ thể là, trong Bảng xếp hạng Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc, Việt Nam vẫn ở mức trung bình. Báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc cho thấy, 2 năm qua, Việt Nam đã tăng 1 bậc và đang xếp thứ 88/193 quốc gia và lãnh thổ được đánh giá. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ được xếp hạng ở vị trí thứ 6.

Kết quả triển khai nhiều nhiệm vụ về Chính phủ điện tử cũng còn chậm và nhiều nơi thực hiện còn mang tính hình thức. Việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, hạ tầng công nghệ thông tin làm nền tảng phục vụ phát triển Chính phủ điện tử rất chậm so với tiến độ cần có. Các hệ thống thông tin dữ liệu còn cục bộ, chưa có kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin. Chất lượng dữ liệu và thông tin chưa được cập nhật kịp thời, chính xác. Nhiều hệ thống thông tin đã triển khai chưa bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, mức độ tin cậy của quốc gia trong giao dịch điện tử thấp.

Bên cạnh đó, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn chạy theo số lượng trong khi tỷ lệ hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn rất thấp. Việc giải quyết thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ công việc còn mang nặng tính thủ công, giấy tờ. Còn những rào cản trong cơ chế đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong triển khai các dự án. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành, địa phương còn chưa có đầy đủ thông tin dữ liệu số của các đối tượng mình quản lý…

Phóng viên: Các nền tảng Chính phủ điện tử đã được thử nghiệm ở một số địa phương và đem lại những phản hồi tích cực cùng sự ủng hộ, đồng thuận của cộng đồng xã hội. Nhưng tại sao việc triển khai nhân rộng trên phạm vi cả nước lại khó khăn và chậm?

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh: Nguyên nhân có thể xuất phát từ nhiều phía; trong đó, có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Đơn cử như nhiều cấp, ngành chưa xác định rõ lộ trình và các nhiệm vụ cụ thể để triển khai, còn thiếu gắn kết giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách thủ tục hành chính và đổi mới lề lối, phương thức làm việc. Nhất là trong quan hệ với người dân, doanh nghiệp; chưa phát huy vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện.

Thêm nữa, hiện còn thiếu khung pháp lý đồng bộ về xây dựng Chính phủ điện tử, thiếu quy định cụ thể về xác thực cá nhân, tổ chức trong các giao dịch điện tử cũng như các quy định pháp lý về văn thư, lưu trữ điện tử, giá trị pháp lý của văn bản điện tử trong giao dịch hành chính và thanh toán. Một số quy định của pháp luật về Chính phủ điện tử còn chưa thực sự đồng bộ.

Ví dụ, việc tra cứu quá trình đóng bảo hiểm xã hội, về nguyên tắc, cho phép cá nhân tra cứu các thông tin liên quan đến việc đóng bảo hiểm xã hội khi đã cập nhập đầy đủ thông tin cá nhân xác thực. Tuy nhiên, để cập nhập thông tin cá nhân xác thực thì lại phải sử dụng tờ khai giấy và nộp tại văn phòng bảo hiểm. Như vậy rõ ràng là đang còn chưa đồng bộ, chưa triệt để trong trong ứng dụng Chính phủ điện tử.

Vấn đề hạ tầng về công nghệ thông tin để triển khai chính phủ điện tử còn nhiều hạn chế. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan hành chính Nhà nước cũng như quy định về cơ chế tích hợp, chia sẻ dữ liệu còn thiếu; thói quen cát cứ dữ liệu còn tồn tại ở nhiều cơ quan; việc bảo đảm an toàn, an ninh cho các hệ thống thông tin của các cơ quan Nhà nước còn chưa được quan tâm đúng mức.

Cùng với đó, thói quen giao dịch bằng giấy tờ của người dân vẫn còn khá nặng nề, năng lực tiếp cận, sử dụng hệ thống giao dịch điện tử của người dân còn nhiều hạn chế cũng là một trong những nguyên nhân mà việc xây dựng Chính phủ điện tử chưa đạt được thành công như kỳ vọng.

Cơ chế bảo đảm thực thi nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử chưa đủ và chúng ta cũng chưa phát huy tối đa sự tham gia của khu vực tư nhân trong xây dựng Chính phủ điện tử và thiếu cơ chế tài chính và đầu tư phù hợp với đặc thù dự án công nghệ thông tin.

Phóng viên: Phản hồi từ các địa phương cho thấy, chất lượng dịch vụ công trực tuyến đang được triển khai chưa thực sự đáp ứng yêu cầu và mong đợi của người dân; chưa thân thiện và chưa dễ tiến hành khiến doanh nghiệp và người dân còn ngại ngần sử dụng. Theo ông, chúng ta cần thêm những giải pháp gì để phát triển hiệu quả Chính phủ điện tử?

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh: Như tôi đã trao đổi ở trên, để triển khai Chính phủ điện tử hiệu quả chúng ta cần phải phát triển đồng bộ nhiều yếu tố và cần thời gian thử nghiệm, đánh giá và cải thiện chất lượng các giao dịch.

Tôi hi vọng với cố gắng trong việc xây dựng một chính phủ liêm chính, kiến tạo như cam kết của Thủ tướng Chính phủ thì các cấp, các ngành sẽ cùng vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ; tổ chức, cá nhân sẽ tham gia, đồng hành để việc triển khai, xây dựng phát triển Chính phủ điện tử ngày càng hoàn thiện và hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Để có thể phát triển hiệu quả Chính phủ điện tử, theo tôi, cần đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và toàn diện; phải hoàn thành các cơ sở dữ liệu quốc gia mang tính chất nền tảng: cơ sở dữ liệu về cư dân, đất đai…; đồng thời, thiết lập các hệ thống ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp và phục vụ quản lý điều hành của Chính phủ. Song song với đó là đào tạo đội ngũ cán bộ công chức triển khai các hệ thống này, tuyên truyền, giới thiệu hướng dẫn người dân, doanh nghiệp làm quen với các thủ tục hành chính thông qua Chính phủ điện tử.

Nhiệm vụ rà soát, sắp xếp lại các nguồn lực nhà nước và huy động, khuyến khích các nguồn lực xã hội về tài chính và con người để phát triển Chính phủ điện tử cũng cần được chú trọng. Cơ bản nhất là vai trò người đứng đầu trong tổ chức triển khai và nâng cao hiệu quả của hệ thống Chính phủ điện tử sẽ là yếu tố then chốt, quyết định sự thành công của tiến trình này.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục