Tình hình kinh tế Việt Nam 5 tháng năm 2024

09:19' - 30/05/2024
BNEWS Trong 5 tháng đầu năm 2024, CPI bình quân tăng 4,03%; đầu tư nước ngoài tăng 2%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 9,1%; khách quốc tế đến Việt Nam tăng 64,9%...

Trong 5 tháng đầu năm 2024, CPI bình quân tăng 4,03%; đầu tư nước ngoài tăng 2%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 9,1%; khách quốc tế đến Việt Nam tăng 64,9%...

 

CPI cả nước tăng 0,05%

Tổng cục Thống kê vừa công bố sáng 29/5, giá thịt lợn tăng do thiếu hụt nguồn cung sau đợt dịch tả lợn châu Phi vào cuối năm 2023, giá điện sinh hoạt tăng khi thời tiết nắng nóng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2024 tăng 0,05% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 5/2024 tăng 1,24% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,44%.

Bình quân 5 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,78%.

So với tháng trước, CPI tháng 5/2024 tăng 0,05% (khu vực thành thị tăng 0,04%; khu vực nông thôn tăng 0,05%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 7 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; 3 nhóm hàng giảm giá và 1 nhóm hàng ổn định giá.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, các yếu tố làm tăng CPI trong 5 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước; đó là: chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,7% do trong năm học 2023-2024 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng mức học phí, làm CPI chung tăng 0,54 điểm phần trăm.

Tiếp đến, chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,87%, tác động làm CPI chung tăng 0,37 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế từ ngày 17/11/2023.

Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,49%, làm CPI chung tăng 1,03 điểm phần trăm, do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá thuê nhà ở tăng cao. Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,6%, tác động làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm.

Bên cạnh các yếu tố khiến CPI, Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra các yếu tố làm giảm CPI trong 5 tháng đầu năm 2024; đó là: chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông 5 tháng đầu năm 2024 giảm 1,46% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại thế hệ cũ giảm khi các doanh nghiệp áp dụng chương trình giảm giá, kích cầu đối với các dòng điện thoại thông minh đưa ra thị trường sau một thời gian.

Vốn thực hiện các dự án FDI trong 5 tháng tăng 7,8%

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa cho biết: Tính đến 20/5, tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 11,07 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, đầu tư mới vẫn duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ kể cả về số dự án và vốn đầu tư. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 8,25 tỷ USD, tăng 7,8%.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Vốn đăng ký mới có 1.227 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 27,5% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký đạt gần 7,94 tỷ USD, tăng 50,8%. Tuy nhiên, vốn điều chỉnh có 440 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 9,3%; tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 2,08 tỷ USD, giảm 8,7%.

Góp vốn, mua cổ phần có 1.158 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài giảm 9,4%; tổng giá trị vốn góp đạt hơn 1,05 tỷ USD, giảm 68,2%.

Tính lũy kế đến ngày 20/5, cả nước có 40.285 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 481,33 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 305,43 tỷ USD, bằng gần 63,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với hơn 7,43 tỉ USD, chiếm 67,1% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 11,9% so với cùng kỳ.

Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với gần 1,98 tỷ USD, chiếm gần 17,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 70,8% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn bán lẻ; vận tải kho bãi với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 514,2 triệu USD và gần 342,2 triệu USD.

Hiện, đã có 78 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 5 tháng đầu năm; trong đó, Singapore dẫn đầu với gần 3,25 tỉ USD, chiếm 29,3% tổng vốn đầu tư, tăng 28,2% so với cùng kỳ 2023.

Các đối tác đầu tư lớn nhất trong 5 tháng đầu năm đều là các đối tác truyền thống của Việt Nam và đến từ châu Á. Riêng 5 thị trường dẫn đầu (Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc) đã chiếm tới 73% số dự án đầu tư mới và 73,5% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư…) như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Bắc Ninh, Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hưng Yên.

Riêng 10 địa phương này đã chiếm 74,7% số dự án mới và 75,2% số vốn đầu tư của cả nước trong 5 tháng.

Đáng chú ý, nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn trong 5 tháng.

Việt Nam xuất siêu hơn 8 tỷ USD trong 5 tháng

Tổng cục Thống kêvừa công bố sáng 29/5, trong tháng 5/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 66,62 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 305,53 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu tăng 15,2%; nhập khẩu tăng 18,2%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,01 tỷ USD.

Về xuất khẩu hàng hóa, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2024 ước đạt 32,81 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,37 tỷ USD, tăng 2,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,44 tỷ USD, tăng 6,9%.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng Năm tăng 15,8%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 13,0%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 17,0%.

Tính chung năm tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 156,77 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 43,69 tỷ USD, tăng 20,5%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 113,08 tỷ USD, tăng 13,3%, chiếm 72,1%.

Trong năm tháng đầu năm 2024 có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,0% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 65,3%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu năm tháng đầu năm 2024, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 2,06 tỷ USD, chiếm 1,3%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 137,39 tỷ USD, chiếm 87,7%; nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 13,82 tỷ USD, chiếm 8,8%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 3,5 tỷ USD, chiếm 2,2%.

Về nhập khẩu hàng hóa, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2024 ước đạt 33,81 tỷ USD, tăng 12,8% so với tháng trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 12,81 tỷ USD, tăng 11,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 21,0 tỷ USD, tăng 13,7%.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5 tăng 29,9%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 38,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 25,3%.

Tính chung, 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 148,76 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 54,95 tỷ USD, tăng 24,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 93,81 tỷ USD, tăng 14,9%.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, có 27 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 84,5% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 4 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 47,0%).

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2024, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 139,89 tỷ USD, chiếm 94%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 45,7%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 48,3%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng ước đạt 8,87 tỷ USD, chiếm 6%.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa năm tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 44,0 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 54,9 tỷ USD.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 38,1 tỷ USD tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 14,3 tỷ USD, tăng 18,4%; xuất siêu sang Nhật Bản 290 triệu USD, giảm 61,8%; nhập siêu từ Trung Quốc 32,3 tỷ USD, tăng 55,9%; nhập siêu từ Hàn Quốc 11,1 tỷ USD, tăng 1,3%; nhập siêu từ ASEAN 4,2 tỷ USD, tăng 39,1%.

Tổng cục Thống kê cho biết, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ tháng 5/2024 ước tính nhập siêu 1,0 tỷ USD. Tính chung năm tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 8,01 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,2 tỷ USD); trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,26 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 19,27 tỷ USD.

Để đạt được mục tiêu Quốc hội đặt ra đối với thương mại quốc tế của Việt Nam, Tổng cục Thống kê đề xuất Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường vĩ mô thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa; xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách kinh tế, thương mại cần thực hiện đồng bộ và thường xuyên; tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng và minh bạch.

Bên cạnh đó, ngành công thương phát triển xuất khẩu bền vững đi liền với đa dạng hóa thị trường hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý với các đối tác.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục