TKV đề nghị tiếp tục triển khai dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê

17:38' - 03/06/2022
BNEWS Theo đại diện TKV, việc tiếp tục triển khai dự án sẽ tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp, dịch vụ phụ trợ, thương mại trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và vùng phụ cận, đóng góp lớn vào ngân sách hàng năm.

Đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), đơn vị nắm cổ phần chi phối tại Công ty cổ phần sắt Thạch Khê cho biết: Tập đoàn đề nghị tiếp tục triển khai dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê, tỉnh Hà Tĩnh sau nhiều năm tạm dừng.

 

Mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng 544 triệu tấn, được đánh giá là lớn nhất Đông Nam Á. Mỏ nằm trên địa bàn 5 xã ven biển của huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh gồm: Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Trị và Thạch Lạc. Tổng diện tích đất sử dụng của dự án là 4.821 ha.

Để triển khai dự án, từ năm 2007, TKV đã chủ trì cùng các nhà đầu tư trong nước thành lập Công ty cổ phần sắt Thạch Khê. Lũy kế đến nay, TKV và các nhà đầu tư đã góp 1.800 tỷ đồng vào dự án.

Tuy nhiên, sau gần 10 năm triển khai dự án, từ năm 2017 đến nay dự án phải dừng triển khai do tỉnh Hà Tĩnh và một số bộ, ngành kiến nghị Chính phủ xem xét dừng dự án.

Theo đại diện TKV, việc tiếp tục triển khai dự án sẽ tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp, dịch vụ phụ trợ, thương mại trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và vùng phụ cận, đóng góp lớn vào ngân sách hàng năm (giai đoạn I trên 1.500 tỷ đồng/năm, giai đoạn II trên 2.800 tỷ đồng/năm). Đồng thời, tạo việc làm trực tiếp cho trên 3.500 lao động, chủ yếu là người dân trong diện chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì các ngành công nghiệp cần được ưu tiên phát triển; trong đó, có lĩnh vực luyện kim. Bên cạnh đó, khai thác hợp lý, hiệu quả tiềm năng về khoáng sản nhằm tự chủ nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước, tránh phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Đặc biệt, tại Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: “Đánh giá hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững để xem xét đầu tư các dự án khai thác, chế biến: Sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh); ti-tan (Bình Thuận), hoàn thành trước năm 2030”.

Về vấn đề kiểm soát môi trường nếu dự án triển khai, nhất là sau vụ sự cố Formosa tại Hà Tĩnh, đại diện TKV cho hay, việc đầu tư khai thác, tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê chỉ là một trong những công đoạn khai thác, chế biến khoáng sản. Trong công đoạn này chỉ xúc bốc vận chuyển đổ thải đất, đá, cát; khai thác, tuyển rửa quặng nên có sự khác biệt hoàn toàn với công nghệ của công đoạn luyện kim.

Trong dây chuyền công nghệ khai thác, tuyển quặng không sử dụng hóa chất; nước sản xuất khâu tuyển rửa quặng được sử dụng tuần hoàn; nước thải mỏ được xử lý đạt tiêu chuẩn theo quy định trước khi xả thải; công tác đổ thải cát ra bãi thải lấn biển đã giải quyết được vấn đề đổ thải cao trong đất liền, qua đó khắc phục được hiện tượng cát bay, cát chảy… Các giải pháp về bảo vệ môi trường đã được làm rõ trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường và được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.

Mặt khác, mỏ sắt Thạch Khê là mỏ khoáng sản rắn thông thường, được khai thác bằng phương pháp lộ thiên; sử dụng đồng bộ thiết bị tiên tiến, hiện đại tương tự các mỏ khoáng sản đang áp dụng khai thác trong nước và trên thế giới; được tính toán chi tiết trong dự án làm cơ sở đầu tư, sử dụng có hiệu quả trong thời gian tới.

Theo đại diện TKV, Công ty cổ phần sắt Thạch Khê đã triển khai dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ; đồng thời, thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý liên quan về lập, thẩm định và phê duyệt dự án, điều chỉnh dự án, thiết kế kỹ thuật.

Dự án và thiết kế kỹ thuật do các đơn vị Tư vấn chuyên ngành khai thác mỏ có uy tín hàng đầu trong và ngoài nước lập, thẩm định và được Bộ Công Thương thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận.

Dự án đã được tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy chứng nhận đầu tư và phê duyệt dự án, lộ trình bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại. Bộ Tài nguyên Môi trường cũng phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường; giấy phép khai thác và giấy phép xả thải.

UBND tỉnh Hà Tĩnh và Tổng Cục đường bộ Việt Nam phê duyệt, chấp thuận thiết kế kỹ thuật và phương án tổ chức giao thông nút giao đấu nối từ moong mỏ sắt Thạch Khê vào Quốc lộ 15B... Chủ đầu tư đã phê duyệt thiết kế kỹ thuật từ tháng 4/2016.

Đến nay, TKV đã chuẩn bị đầy đủ nguồn lực triển khai dự án với năng lực tài chính, bề dày kinh nghiệm trong quản lý, khai thác, chế biến khoáng sản, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, an toàn, môi trường, hiệu quả kinh tế - xã hội...

Công ty cổ phần sắt Thạch Khê cũng đã thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý của dự án theo quy định, thực hiện đầy đủ các nội dung liên quan theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đã giải trình, làm rõ những vấn đề của các bộ, ngành và địa phương.

Do đó, TKV đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và tỉnh Hà Tĩnh chuẩn bị các điều kiện cần thiết để Công ty cổ phần sắt Thạch Khê sớm tái khởi động dự án./.

>>>Sản lượng khai thác than của TKV trong 5 tháng tăng 9%

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục